Emagazine

Những bóng hồng âm thầm vì người bệnh

16:17, 27/02/2024 (GMT+7)

 

 

 

Tại Khu C, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng có một tầng rất ít khi xuất hiện bệnh nhân nhưng lại là nơi thiết yếu để những sự sống được kéo dài. Đó là tầng 3, Khoa Xét nghiệm - Truyền máu, nơi cung cấp nguồn máu để phục vụ cho cả bệnh viện và đôi khi là những trường hợp cấp thiết của những bệnh nhân bên ngoài.

Mỗi ngày, hàng trăm lượt bệnh nhân đến và đi, nhưng không nhiều người biết đến họ - những nhân viên y tế đang âm thầm làm việc chăm chỉ, tập trung và nỗ lực để không xảy ra những tình huống bị động khi cứu chữa bệnh nhân.

Gắn bó với bệnh viện hơn 10 năm, chị Huỳnh Lê Ánh Thu, Kỹ thuật y (KTY), Khoa Xét nghiệm - Truyền máu, người phụ trách Đơn vị Truyền máu luôn trong tâm thế sẵn sàng đối phó với những tình huống khẩn cấp, đồng thời, bảo đảm đủ nguồn máu, chế phẩm máu phục vụ nhu cầu điều trị bệnh nhân ung thư mỗi ngày.

Năm 2023, chị Thu đã tổ chức thực hiện thu gom và sản xuất được 7.825 đơn vị máu và chế phẩm máu tương ứng đạt 1.956 (lít) vượt 195.6% kế hoạch cả năm 2023.

Để bảo đảm nguồn máu, bên cạnh công tác tuyên truyền, sự hưởng ứng của nhiều tổ chức, hội, nhóm, cá nhân thiện nguyện, bản thân chị Thu phải giữ mối quan hệ gần gũi với những CLB máu nóng trên địa bàn thành phố, với những cá nhân hiến thường xuyên, để khi cần “alo là đi hiến”.

Mỗi ngày, công việc của chị Thu xoay quanh quy trình thu gom, sản xuất và cấp phát máu, “nhìn máu nhiều hơn nhìn mặt bệnh nhân”.

Lượng công việc thoạt nghe có vẻ ngắn nhưng để bảo đảm quy trình được vận hành trơn tru thì cần sự nỗ lực rất lớn đến từ bản thân chị và những đồng nghiệp xung quanh, đặc biệt trong thời gian nghỉ hè hay lễ, Tết khi sinh viên hầu hết đều về quê.

“Hạnh phúc của tôi là mỗi ngày có nhiều người đến hiến máu để có đủ lượng máu cho những ca cấp cứu cần máu khẩn”, chị Thu tâm sự.

Chị Thu cho biết, ngoài giờ làm việc chính thức từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều, điện thoại cá nhân phải được mở 24/24 để sẵn sàng hỗ trợ, xử lý những tình huống phát sinh ngoài giờ. Điều đó đồng nghĩa, khoảng thời gian cá nhân không còn của riêng mình.

Tiếng chuông điện thoại gọi đến ngắt quãng cuộc trò chuyện của chúng tôi, phía bên đầu dây cho biết một ca cấp cứu cần gấp tiểu cầu máu B. Ngắt máy, chị Thu liền gọi người đến hiến. Chưa đầy nửa tiếng, người hiến đã có mặt tại bệnh viện. Và đó cũng chính là anh trai chị Thu. Một gương mặt quen thuộc đã có khoảng 20 lần hiến máu tự nguyện.

Không chỉ kêu gọi người nhà, bản thân chị Thu cũng tích cực tham gia hiến máu cứu người với 19 lần hiến. Chị Thu chia sẻ: “Tôi thường để dành lượt hiến máu của mình và người nhà cho những ca bệnh cấp cứu vào các dịp lễ, Tết hay cuối tuần. Trên tinh thần có thể cho máu đi bất cứ lúc nào nên tôi phải duy trì một lối sống khỏe mạnh để bảo đảm các yêu cầu khi hiến”.

Đặc biệt, trong hai năm (2022, 2023), Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng đã tiến hành 3 ca ghép tế bào gốc tạo máu tự thân, một kỹ thuật điều trị bệnh nhân ung thư lần đầu tiên được áp dụng tại bệnh viện.

Áp dụng kiến thức được học tại các trung tâm huyết học lớn trong nước và của các chuyên viên, cùng sự phối hợp với nhân viên y tế tại Khoa Nội 3, chị Thu đã thực hiện tách tế bào gốc tạo máu cho bệnh nhân để tiến hành ghép tế bào gốc tạo máu tự thân.

Trước mỗi lần thực hiện các ca tách, dù đã nắm rõ kỹ thuật nhưng chị vẫn không chủ quan mà cẩn thận đọc lại, xem lại các tư liệu cần thiết. Chị Thu cho hay, thời gian trung bình 1 lần tách khoảng 4 tiếng, trong suốt thời gian đó, bản thân chị luôn theo sát động viên tinh thần, theo dõi từng diễn biến nhỏ nhất của người bệnh để xử trí kịp thời các biến chứng có thể xảy ra trong quá trình tách. Kết quả, 3 ca ghép tế bào gốc tạo máu tự thân đều thành công và bệnh nhân có những chuyển biến tích cực.

Trao đổi về chị Thu, Th.S BS CKII Lê Văn Hùng, Trưởng khoa Xét nghiệm - Truyền máu nhận xét, Kỹ thuật y Ánh Thu là một người rất gương mẫu, hết lòng vì người bệnh.

 

Có câu nói “cửa sinh là cửa tử” để thấy rằng phụ nữ sinh con là vô cùng vất vả và nguy hiểm. Bên cạnh bác sĩ, những nữ hộ sinh, hộ lý đóng vai trò quan trọng trong hành trình “vượt cạn” của mẹ và bé.

Công việc của nữ hộ sinh là trực tiếp theo dõi quá trình chuyển dạ của sản phụ, báo cáo tình hình của sản phụ đến bác sĩ và tham gia vào ca đỡ đẻ, bảo đảm mẹ và bé đều “vượt cạn” bình an. Đồng thời, nhận và bàn giao tình trạng sản phụ.

Gần 25 năm gắn bó với công việc hộ sinh, nữ hộ sinh trưởng Đào Thị Kiều Hương, Khoa Sinh, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng không nhớ rõ có bao nhiêu em bé đã cất tiếng khóc oe oe đầu tiên trên tay mình. Những em bé không chỉ ở Đà Nẵng mà còn đến từ nhiều địa phương khác như: Quảng Nam, Quảng Ngãi,…

“Có những hôm đi đường, có người nhận ra mình từng đỡ đẻ cho họ, cho con của họ. Những lúc ấy trong lòng mình cũng vui lắm”, chị Hương kể.

Để hành trình “vượt cạn” được an toàn, nữ hộ sinh phải thường xuyên theo dõi tim thai, độ mở của tử cung và những cảm nhận của một người làm nghề lâu năm. Quá trình sản phụ sinh nở, nữ hộ sinh phải không ngừng làm công tác tư tưởng, tạo sự thoải mái để mẹ yên tâm đón bé chào đời.

“Chuyện nước ối phun lên đầu đối với những hộ sinh như chúng tôi đã quá bình thường. Nhiều lúc chúng tôi cũng suýt bị sản phụ đá trúng. Nhưng không sao, chỉ cần cả mẹ và bé đều bình an là đủ”, chị Hương chia sẻ.

Hàng chục năm trôi qua nhưng chị Hương vẫn không quên cảm giác ngày đầu tiên được đứng chính một ca đỡ đẻ. Chị nhớ lại: “Cảm giác duy nhất là sợ. Đến khi em bé cất tiếng khóc và người mẹ bình an, tôi mới có thể thờ phào nhẹ nhõm”.

Chị Hương cho biết, nghề hộ sinh không kém phần rủi ro về sức khỏe so với những công việc khác. Những ca đỡ đẻ cho sản phụ bị nhiễm HIV, hộ sinh có thể chủ động phòng tránh phơi nhiễm bằng những biện pháp y tế theo quy định. Nhưng đối với những sản phụ không biết bản thân bị nhiễm HIV, được đỡ đẻ theo những ca thông thường, kíp đỡ đẻ có nguy cơ bị phơi nhiễm rất cao.

 

Và dù sản phụ là người có sức khỏe bình thường hay mắc những bệnh truyền nhiễm, họ đều được đối xử bình đẳng, không có sự phân biệt hay kỳ thị. Thậm chí, những sản phụ này phải được thường xuyên quan tâm vì tâm lý e ngại với người khác.

Quá trình sản phụ đến sinh, thương những hoàn cảnh khó khăn, chị Hương chủ động tìm kiếm nguồn tài trợ để trao cho bệnh nhân, đôi khi cùng những đồng nghiệp trong khoa đóng góp để lo cho sản phụ và em bé.

Giờ đây, trên cương vị quản lý, chủ yếu thực hiện các công việc hành chính và tham  gia hỗ trợ những ca sinh khó, ca cấp cứu, hướng dẫn sinh viên thực tập và những đồng nghiệp đi sau, chị Hương luôn căn dặn mọi người phải dùng chữ Nhẫn để ứng xử với bệnh nhân.

Rời Khoa Sinh, tôi di chuyển đến tầng 2, gặp hộ lý Nguyễn Thị Lê Na đang làm việc tại Khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức tích cực. Lúc tôi đến, chị Na đang thay tấm khăn lót đã loang lổ vài vết máu cho sản phụ vừa mổ. Thao tác diễn ra nhanh nhưng nhẹ nhàng để không làm đau người bệnh.

Công việc của chị Na bao gồm những công việc ở phòng mổ và phòng hồi sức sau mổ. Ở phòng mổ, hộ lý đảm nhận nhiệm vụ chuẩn bị dụng cụ mổ mới, dọn dẹp bàn mổ sau mỗi ca. Ở phòng hồi sức sau mổ, hộ lý sẽ di chuyển sản phụ, bệnh nhi đến các phòng lưu trú sau thời gian hết thuốc tê theo quy định. Mỗi tháng, các hộ lý thay phiên nhau đảm nhận công việc ở mỗi phòng.

Bên cạnh đó, hộ lý còn phải chịu trách nhiệm quản lý dụng cụ, bảo đảm khu vực phòng bệnh sạch sẽ và nhiều công việc không tên khác.

Quá trình di chuyển sản phụ, nhận thấy những bất tiện từ thiết bị di chuyển, chị Na đã đề xuất ý tưởng cải tiến xe chuyển bệnh có khổ rộng hơn để mẹ và bé nằm thoải mái (từ 70cm lên 90cm), đồng thời hạ thấp chiều cao xe chuyển bệnh bằng với giường nằm để dễ đưa bệnh nhân từ giường sang xe (từ 70cm xuống 50 cm). Dưới xe có kệ để đồ đạc của bệnh nhân.

Chị Na cho biết, khi chiếc xe chuyển bệnh cao, để di chuyển sản phụ từ giường bệnh qua xe, hay bản thân sản phụ tự di chuyển cũng đều rất khó khăn. Quá trình đó khiến sản phụ bị đau do vết thương vừa mổ.

Khi chị Na chia sẻ, tôi vẫn chưa hình dung được hết tính hữu ích của ý tưởng này. Cho đến khi chứng kiến những cái cau mày đầy đau đớn, cái mím môi thật chặt của sản phụ với vết mổ chưa lành, tôi mới thấy ý tưởng của chị Na thiết thực ra sao. 

Lần đầu tiên đón con đầu lòng, vợ chồng anh Đặng Văn Đông (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) không khỏi luống cuống. Hiểu được điều đó, quá trình di chuyển sản phụ từ phòng hồi sức sau mổ về phòng bệnh lưu trú, chị Na chủ động chia sẻ thông tin về sức khỏe của mẹ và bé, cách chăm sóc sản phụ sau sinh mổ để anh Đông và người thân được biết. Từ hành động đến lời nói đều được chị thực hiện thật nhẹ nhàng, tránh làm ảnh hưởng đến sản phụ vừa sinh.

Trong vai trò là một người mẹ đã từng đưa con đi chạy chữa nhiều nơi, chị Na thấu hiểu điều những bệnh nhân hay người nhà của họ cần nhất là sự nhẹ nhàng, ân cần, nhiệt tình của đội ngũ nhân viên tại bệnh viện đó. Vì vậy, chị luôn tự nhắc nhở bản thân phải hết mình vì người bệnh.

Chia sẻ về hạnh phúc khi làm nghề, chị Na rưng rưng, xúc động nói: “Hạnh phúc của tôi là được nhìn thấy những em bé chào đời thật khỏe mạnh, vui trong niềm vui chung của những gia đình được bế con trên tay sau khoảng thời gian dài khao khát tìm con”.

Chị Kiều Hương, Lê Na, Ánh Thu là 3 trong 20 gương mặt y, bác sĩ tiêu biểu được vinh danh của Giải thưởng "Toả sáng blouse trắng" năm nay ở thành phố Đà Nẵng.

Không chỉ 3 tấm gương “Tỏa sáng Blouse trắng” trên đây, mà còn rất nhiều những thầy thuốc khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung đều đang nỗ lực, hết mình vì sức khỏe và sự sống của bệnh nhân cho dù là ở đâu, ở bất kỳ vị trí nào. Họ chính là những đoá hoa tươi thắm nhất đang lặng lẽ ngày đêm toả hương thơm ngát cho đời.


 

.