Emagazine
Bài 1: Tái chế rác gây quỹ an sinh xã hội
Những ngày cuối tuần, bà Tô Thị Tám, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Khu dân cư Xuân Hòa 1, phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê) ghé thăm một số gia đình hội viên phụ nữ già yếu, mắc bệnh hiểm nghèo trong khu dân cư. Nhìn khuôn mặt xanh xao của chị K.H, bà Tám ứa nước mắt thương cảm.
“Cả hai vợ chồng chị K.H đều mắc bệnh hiểm nghèo nên hoàn cảnh hết sức đáng thương. Chị hội phụ nữ thường xuyên thăm hỏi, động viên, tặng quà để hỗ trợ cho hai vợ chồng vơi đi bớt nhọc nhằn”, bà Tám nói.
Nhận những món quà từ chi hội phụ nữ khu dân cư, vợ chồng chị K.H rất xúc động, xem đó như là “liều thuốc tinh thần” động viên anh chị vượt qua khó khăn, tiếp tục chiến đấu với bệnh tật.
“Cuộc sống khó khăn quá nhiều lúc muốn buông xuôi nhưng nhờ các chị phụ nữ động viên, hỗ trợ. Những món quà tuy nhỏ nhưng là nguồn động viên giúp chúng tôi vượt qua khó khăn để tiếp tục sống”, chị H. chia sẻ.
Theo bà Tô Thị Tám, để có kinh phí hỗ trợ, chia sẻ với các hội viên khó khăn, chi hội đã thực hiện tốt mô hình “Bình hoa an sinh xã hội”. Cán bộ hội rất tâm huyết, tích cực vận động hội viên tham gia phân loại rác thải nguồn tại gia đình. Hiểu được mục đích, ý nghĩa của mô hình, tất cả hội viên tích cực tham gia để góp đầy bình hoa mỗi tháng. Qua đó, chi hội mang rác thải tài nguyên bán lấy tiền ủng hộ nguồn quỹ, thực hiện công tác an sinh xã hội.
Mô hình “Bình hoa an sinh xã hội” của Chi hội phụ nữ Khu dân cư Thanh Tân 1, phường Thanh Khê Đông cũng phát huy hiệu quả tích cực. Bà Nguyễn Thị Hoài, Chi hội trưởng cho biết, để thực hiện tốt mô hình, chi hội trưởng vạch ra kế hoạch, họp hội viên trong chi hội đề ra biện pháp triển khai.
Các hộ gia đình tiến hành phân loại, thu gom rác thải tại gia đình. Vào chủ nhật cuối tuần của tháng, các hội viên đưa rác thải tài nguyên về mô hình “Bình hoa an sinh xã hội”, sau đó tiếp tục phân loại đem bán gây quỹ. Mỗi tháng, chi hội thu được từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng, từ đó tiến hành hỗ trợ các hộ khó khăn trong khu dân cư.
“Từ khi triển khai mô hình, đã hỗ trợ hơn 30 trường hợp khó khăn trên địa bàn khu dân cư, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của những hoàn cảnh khó khăn”, bà Hoài cho biết.
Bà Văn Nguyễn Thị Anh Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê) cho biết, mô hình “Bình hoa an sinh xã hội” được Hội LHPN quận Thanh Khê phát động từ đầu năm 2022. Ngay sau khi quận phát động, Hội LHPN phường triển khai thực hiện, đặt bình hoa tại 16/16 chi hội khu dân cư và nhận được sự hưởng ứng hết sức tích cực từ hội viên.
Ông Hồ Văn Dũng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thanh Khê cho biết, Đề án “Thanh Khê - Quận môi trường” giai đoạn 2020-2025 có nhiều lĩnh vực, trong đó có phân loại rác thải tại nguồn, phòng đã tham mưu triển khai nhiều mô hình, trong đó có mô hình “Bình hoa an sinh xã hội”. Mô hình do Hội LHPN quận làm nòng cốt, triển khai ở tất cả các cấp hội phụ nữ và đã đạt được những kết quả tích cực.
Qua 2 năm triển khai, toàn quận có 384 “Bình hoa an sinh xã hội”. “Đây là cách làm sáng tạo, không chỉ giúp giảm thải rác thải ra môi trường mà còn góp phần vào công tác an sinh xã hội ở địa phương như: tặng thẻ bảo hiểm cho học sinh, cấp học bổng, hỗ trợ người nghèo; đặc biệt, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án “Thanh Khê - Quận môi trường”, ông Dũng nhấn mạnh.
Thực hiện mô hình “Phân loại rác tái chế, xây dựng quỹ an sinh xã hội” do Hội LHPN huyện Hòa Vang phát động, thời gian qua, Hội LHPN xã Hoà Nhơn xây dựng kế hoạch phối hợp với UBND xã tổ chức lễ phát động và tổ chức tập huấn cho các chị chi hội trưởng và thành viên tổ thu gom trên địa bàn14 thôn; đồng thời tổ chức thành lập 14 tổ “Thu gom rác tái chế xây dựng quỹ an sinh”.
Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Nhơn Ngô Thị Kim Tuyến cho biết, để cho hội viên hiểu rõ hơn về mô hình, Hội LHPN xã trực tiếp xuống từng chi hội triển khai về ý nghĩa mô hình, cách thức vận động, sau đó các chi hội đến từng nhà gia đình hội viên tuyên truyền vận động hội viên phân loại rác tái chế, đồng thời, vận động hội viên phụ nữ chung tay thực hiện mô hình, với những cách làm cụ thể, rõ ràng và thiết thực, hiệu quả. Đến nay, có 2.557 cán bộ hội viên phụ nữ trên địa bàn xã tham gia thực hiện mô hình. Từ nguồn rác tài nguyên đem bán, thu được gần 42 triệu đồng, giúp đỡ cho 55 hội viên phụ nữ nghèo, ốm đau bệnh tật và 24 trẻ mồ côi trên địa bàn xã.
Với em Nguyễn Thị Thanh Yến (SN 2010, học sinh Trường Phạm Văn Đồng) - trú thôn Hoà Khương Tây, xã Hòa Nhơn không thể nào quên ơn của Hội LHPN xã và chi hội phụ nữ thôn. Hiểu được hoàn cảnh mồ côi cha, khó khăn của em Yến thông qua nguồn quỹ tái chế rác thải, chi hội phụ nữ thôn và Hội LHPN xã thường xuyên hỗ trợ cho em. Những phần quà đó giúp em cũng gia đình vượt qua khó khăn trong cuộc sống, em Yến có điều kiện để học tập.
Cũng như em Yến, cháu Trương Quốc Mỹ, Trương Quốc Thiện đều là trẻ mồ côi tại thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn. Thương hoàn cảnh hai cháu, bằng nguồn quỹ từ rác thải được phân loại, tái chế, Chi hội Phụ nữ thôn Thạch Nham Đông và xã Hòa Nhơn hỗ trợ kinh phí hàng tháng cho hai cháu.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Hòa Vang Trần Thị Kim cho biết, năm 2023, thực hiện mô hình “Phân loại và thu gom rác tái chế, xây dựng quỹ an sinh xã hội” do UBND huyện triển khai, Hội LHPN huyện và Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp tổ chức tập huấn nhân rộng mô hình cho 138 cán bộ hội. Qua đó, hội LHPN 11 xã ra mắt 11 điểm mô hình “Phân loại và thu gom rác tái chế, xây dựng quỹ an sinh xã hội” tại 11 thôn. Hội LHPN các cấp trên địa bàn huyện tổ chức 40 điểm tuyên truyền phân loại rác thải tại nguồn, truyền thông về “Phân loại chất thải rắn tại nguồn” và phong trào “Chống rác thải nhựa”. Tại các hoạt động, các đơn vị đã trao 230 thùng phân loại rác tái chế, 50 giỏ đi chợ, 50 thùng cho các chị phụ nữ để làm phân hữu cơ cho hội viên.
113 chi hội phụ nữ thôn với mô hình thường xuyên ra quân thu gom rác thải tại nguồn, rác thải nhựa, xây dựng nguồn kinh phí hoạt động, thực hiện các chương trình an sinh xã hội, thăm và tặng quà cho phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mô hình tiếp sức đến trường, bảo hiểm y tế cho bệnh hiểm nghèo khó khăn, bảo hiểm y tế cho trẻ em khó khăn, mẹ đỡ đầu….
“Qua 1 năm triển khai, số tiền từ mô hình này, các chi hội nhận đỡ đầu cho 28 trẻ em mồ côi, với kinh phí 123 triệu đồng và tổ chức trao 813 suất quà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn, đau ốm, trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi với số tiền hơn 236,6 triệu đồng”, bà Kim chia sẻ.
Ghi nhận tại các địa phương quận Cẩm Lệ, Hải Châu, Sơn Trà, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn cho thấy, phong trào tái chế rác thải được triển khai mạnh. Từ nguồn quỹ bán từ rác tái chế, nhiều chi hội phụ nữ khu dân cư làm những việc làm hết sức ý nghĩa, thiết thực, phục vụ cho người nghèo, người có hoảnh khó khăn.
Cứ đều đặn vào thứ Ba hằng tuần từ 10 giờ đến 12 giờ trưa tại 137 Nguyễn Công Hoan (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ), “bếp ăn 0 đồng” của Chi hội phụ nữ Khu dân cư số 15 mở bán hơn 100 suất cơm với giá “0 đồng” đầy đủ chất dinh dưỡng, kèm nước uống. Khách đến mua hầu hết là người bán vé số, chạy xe ôm, xích lô, mua ve chai, bán hàng rong. Mô hình “Bếp ăn 0 đồng” của Chi hội Phụ nữ Khu dân cư số 15 hình thành từ khi Covid-19 bắt đầu bùng phát ở thành phố Đà Nẵng.
Theo Chi hội Phụ nữ Khu dân cư số 15, tác động của Covid-19 khiến một bộ phận người dân, nhất là lao động tư do gặp nhiều khó khăn. Do đó, cùng với sự hỗ trợ của mạnh thường quân, các hội viên phụ nữ tích cực triển khai thực hiện mô hình gom rác tại nguồn, rác tái chế tại khu dân cư để có nguồn thu như các loại giấy, vỏ lon, chai nhựa đem bán để thực hiện bếp ăn 0 đồng và hỗ trợ đời sống cho hội viện phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) Lê Thị Thủy Tiên cho biết, thời gian, qua Hội LHPN phường phát động nhiều mô hình để thực hiện công tác bảo vệ môi trường, trong đó nổi bật nhất là mô hình “Thu gom phân loại rác thải tại nguồn”. Mô hình được triển khai từ năm 2015, đến nay, triển khai rộng rãi trên 20 chi hội khu dân cư và đã huy động sự vào cuộc tích cực của hội viên phụ nữ, cán bộ quân, dân chính ở khu dân cư. Từ nguồn rác thải phân loại, các chi hội đem bán để tạo nguồn quỹ an sinh xã hội, góp phần hỗ trợ vào chương trình “Mẹ đỡ đầu” để nhận nuôi trẻ mô côi.
“Hiện có 5 chi hội thuộc Hội LHPN phường nhận nuôi 5 trẻ mồ côi, mỗi năm hỗ trợ 6 triệu đồng, giúp các em có kinh phí học tập. Đây là nỗ lực của các hội viên phụ nữ toàn phường để góp sức cùng xây dựng "Đà Nẵng - thành phố môi trường", cũng như thực hiện công tác an sinh xã hội”, Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa An Lê Thị Thủy Tiên.
Chủ tịch Hội LHPN thành phố Đà Nẵng Hoàng Thị Thu Hương cho biết, những năm qua, các cấp hội xây dựng nhiều mô hình thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, qua đó vận động chị em chuyển đổi hành vi bằng những cách làm hay, sáng tạo. Trong đó, mô hình “Phân loại rác thải rắn sinh hoạt” nhằm tái chế, góp phần vào công tác an sinh xã hội ở địa phương mang lại hiệu quả.
Theo bà Hương, đối với rác tái chế như chai, lọ bằng nhựa, kim loại, các loại giấy báo, bìa catton… chi hội hướng dẫn chị em phân loại, thu gom vào túi của UBND xã/phường đã phát, hoặc các thùng thu gom rác tái chế của các cấp hội tại các khu dân cư; sau đó, tận dụng bán hoặc tự nguyện hỗ trợ nguồn phế liệu từ rác thải để chi hội phụ nữ bán gây “Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo”, hỗ trợ thực hiện công tác an sinh xã hội tại khu vực dân cư.
Định kỳ hàng tuần hoặc tháng 2 lần, chi hội tiến hành “thu gom rác bán gây quỹ”. Số tiền thu được, chi hội dùng để hỗ trợ tặng sổ tiết kiệm, gạo, quà cho các hộ phụ nữ nghèo, khó khăn; trao tặng học bổng, đồ dùng học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhận đỡ đầu, tặng quà cho trẻ em mồ côi theo chương trình “Mẹ đỡ đầu”.
Từ năm 2018 đến nay, 100% cơ sở hội triển khai phân loại và thu gom, phân loại, bán gây quỹ được hơn 5,5 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 16.809 trường hợp phụ nữ nghèo, khó khăn và học sinh nghèo vượt khó.