Emagazine

Tiềm năng thị trường dịch vụ dành cho người cao tuổi

15:27, 19/12/2024 (GMT+7)

 

 

Bà N.T.C (60 tuổi, phường Thuận Phước, quận Hải Châu) sống cùng chồng là thương binh hạng 1/4 và mẹ ruột già yếu 85 tuổi. Từ tháng 11-2023, bà C gặp chấn thương vùng hông, không thể làm những công việc nặng. Vì vậy, việc chăm sóc chồng và mẹ ruột từ chuyện thường ngày bỗng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Bà C gặp khó khăn trong việc thuê người chăm sóc cho người cao tuổi vì nhiều lý do như: thiếu chuyên môn, không có kỹ năng chăm sóc người cao tuổi; yêu cầu mức lương quá cao; làm việc thiếu sự tận tâm;…

Chị T.M (40 tuổi), con gái bà C, vì tính chất công việc nên không có nhiều thời gian để hỗ trợ chăm sóc cho hai thành viên trên, phần lớn chỉ có thể hỗ trợ về kinh tế.

Chị M mong muốn, thành phố có những dịch vụ, cơ sở chăm sóc người cao tuổi hằng ngày hoặc theo từng tháng; phát triển các mô hình trợ giúp những người bận rộn có thể chăm sóc tốt cho người thân lớn tuổi.

Chồng qua đời, con cái đã có gia đình riêng, ở độ tuổi 60, bà T.N.H (quận Hải Châu), hiện đang sống một mình dự định sẽ vào viện dưỡng lão trong vòng 1-2 năm tới. Bà H cho biết, dự định này đã được bà cân nhắc và chuẩn bị từ rất lâu.

“Tuổi già, sức yếu. Vào viện dưỡng lão, tôi có người chăm sóc và theo dõi sức khỏe hằng ngày, có người cùng tuổi để trò chuyện đỡ buồn chán hơn. Làm vậy vừa khỏe cho mình, vừa giảm gánh nặng cho con”, bà H nói.

Hiện nay, rất nhiều trường hợp khác đang cần đến những dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Theo thống kê của Tổng cục Dân số Việt Nam, hiện tại, tỉ lệ người cao tuổi (người cao tuổi) từ 60 tuổi trở lên chiếm khoảng 12% dân số (năm 2023) và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.

Việt Nam được dự báo là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới và sẽ bắt đầu thời kỳ dân số già khi tỷ lệ người cao tuổi tăng lên 20,21% vào năm 2038.

Tại Đà Nẵng, dân số người cao tuổi chiếm tỷ lệ khoảng 12,2% so với dân số thành phố (dựa trên số liệu ghi nhận đến ngày 1-10-2024 của Chi Cục Dân số, trực thuộc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng), và phần lớn trong số đó có nhu cầu chăm sóc sức khoẻ do mắc các bệnh mãn tính hoặc cần hỗ trợ sinh hoạt hằng ngày. Đáng chú ý là sự gia tăng tỷ lệ người cao tuổi sống một mình.

Theo Th.S Phùng Thị Hương Hạnh (Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số), hiện nay, lực lượng lao động trẻ phải bận rộn với nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, khiến quỹ thời gian dành cho việc chăm sóc người cao tuổi bị hạn chế. người cao tuổi khi ở nhà một mình, không có môi trường giao tiếp, dễ gặp các vấn đề sức khỏe về thể chất lẫn tinh thần.

Bên cạnh đó, sự khác biệt về nếp sống giữa các thế hệ khiến việc sống chung dễ dẫn đến bất hòa, mâu thuẫn trong gia đình. Đồng thời, thu nhập của người cao tuổi trong những năm gần đây và trong tương lai sẽ có xu hướng cao hơn (lương hưu + tài sản tích luỹ), điều này giúp họ không còn phụ thuộc quá nhiều vào con cái.

Cùng với đó, số lượng người Việt Nam sinh sống và làm việc ở nước ngoài quay trở về nước để tìm nơi an dưỡng tuổi già cũng đang tăng lên. Ngoài ra, sự gia tăng dân số cơ học khi người dân từ nhiều nơi đến Đà Nẵng sinh sống và làm việc cũng khiến số lượng người cao tuổi gia tăng.

 

Dù thành phố đã có những bước đầu tư vào an sinh xã hội, nhưng các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Hiện nay, thành phố chỉ có 1 cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp công lập (chăm sóc nuôi dưỡng 114 người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa miễn phí và 9 người cao tuổi có thu phí tự nguyện). Ngoài ra, có 2 cơ sở ngoài công lập (1 mái ấm gia đình chăm sóc miễn phí và 1 trung tâm dưỡng lão có thu phí). Một con số khá khiêm tốn về cơ sở chăm sóc người cao tuổi so với các địa phương khác như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh.

Đà Nẵng rất cần có giải pháp để chăm sóc và hỗ trợ người cao tuổi, trong đó, phát triển những cơ sở chăm sóc người cao tuổi (viện dưỡng lão, trung tâm dưỡng lão, trung tâm chăm sóc sức khoẻ ban ngày) - nơi người cao tuổi được ở, sinh hoạt và chăm sóc sức khỏe, được đáp ứng tối đa những nhu cầu cần thiết và nâng cao đời sống tinh thần, giúp họ sống vui sống khỏe là một nhu cầu cấp thiết, phải được triển khai ngay từ bây giờ.

Tại Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố Đà Nẵng (Đà Sơn, quận Liên Chiểu), hiện đang nuôi dưỡng 114 người cao tuổi (73 nữ, 41 nam) theo hình thức không thu phí.

Thực hiện Đề án chăm sóc người cao tuổi tự nguyện (có thu phí) từ đầu năm 2022 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận tổng cộng 24 lượt đối tượng. Mức dịch vụ 6.546.000 đồng/tháng, đối với người cao tuổi tự phục vụ và 10.049.000 đồng/tháng đối với người cao tuổi không còn tự phục vụ. 

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội thành phố Đà Nẵng Trần Đình Sang, cơ sở hạ tầng của trung tâm có thể tiếp nhận chăm sóc tối đa 50 đối tượng người cao tuổi theo mô hình dịch vụ tự nguyện có thu phí.

Dù trung tâm đã quảng bá về dịch vụ, tuy nhiên vẫn chưa thu hút được nhiều người cao tuổi tham gia, hiện trung tâm chỉ đang chăm sóc cho 9 đối tượng theo mô hình dịch vụ tự nguyện có thu phí.

“Để thu hút thêm nhiều đối tượng người cao tuổi tham gia, thời gian tới, trung tâm sẽ cải tạo cảnh quan; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá phương thức dịch vụ tự nguyện đối với người cao tuổi; đa dạng hoạt động nâng cao đời sống tinh thần; chuyên nghiệp hóa đội ngũ nhân viên chăm sóc người cao tuổi”, ông Sang cho hay.

Tuy nhiên, tâm lý người Việt thường muốn sống cùng con cháu, nhiều người vẫn giữ quan niệm rằng đưa cha mẹ hoặc người thân lớn tuổi vào viện dưỡng lão là bất hiếu. Điều này khiến không ít gia đình dù gặp khó khăn về thời gian, kinh tế hay khả năng chăm sóc vẫn e ngại tiếp cận các dịch vụ chuyên nghiệp, sợ bị đánh giá tiêu cực từ cộng đồng dẫn đến nhu cầu và số lượng người cao tuổi đưa vào cơ sở này còn khiêm tốn.

Bên cạnh đó, số người cao tuổi đưa vào nuôi dưỡng đi lại khó khăn, ốm đau thường xuyên, nằm một chỗ nên thời gian qua các hoạt động của trung tâm chỉ mới hướng đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, chưa có nhiều hoạt động nâng cao văn hóa tinh thần, vui chơi giải trí nên chưa thu hút được nhiều người cao tuổi tham gia.

Hoạt động từ tháng 4-2022, là một trong số ít cơ sở chăm sóc người cao tuổi, hiện nay, Trung tâm dưỡng lão Thiện Tâm (quận Ngũ Hành Sơn, thuộc Công ty TNHH MTV Chăm sóc sức khỏe Thiện Tâm An) đang chăm sóc 16 cụ. Đây là trung tâm dưỡng lão tư nhân, hướng đến xây dựng dịch vụ dưỡng lão cao cấp dành cho những khách hàng có điều kiện kinh tế.

Chị Nguyễn Thị Hà, chủ sở hữu trung tâm cho hay, mỗi khách hàng đều có kế hoạch chăm sóc riêng phù hợp với tình trạng sức khỏe của từng người. Tuỳ vào đối tượng và tình trạng sức khỏe của người cao tuổi, trung tâm sẽ phân cấp dịch vụ từ 0-4 với mức giá dao động khoảng 10 triệu đồng - 30 triệu đồng/tháng.

Dù đông con cháu nhưng ông Nguyễn Trung Chính (SN 1934, trú tại thành phố Đà Nẵng) vẫn quyết định tận hưởng những năm tháng tuổi già tại Trung tâm dưỡng lão Thiện Tâm An. Đến nay, ông Chính đã sống tại trung tâm hơn 2 năm. Dịp cuối tuần, ngày nghỉ, con cháu thường đến thăm ông, cùng với việc liên lạc qua điện thoại.

Tại trung tâm, mỗi tháng, ông Chính chi trả khoảng 14 triệu đồng cho các dịch vụ bao gồm: ăn uống theo chế độ dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, ở phòng VIP (dành cho một người ở với diện tích 22m2, có phòng vệ sinh và ban công, cùng một số tiện nghi khác).

Tâm sự về quyết định sống tại trung tâm dưỡng lão, ông Chính cho biết, bản thân đã dự định sống tại đây từ rất lâu khi có dịp ghé thăm những mô hình nhà dưỡng lão tại Thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy, khi còn đang trong độ tuổi lao động, ông đã trích một khoản tiền hằng tháng để gửi tiết kiệm, nhằm chuẩn bị cho cuộc sống khi về già không phụ thuộc con cháu.

Theo ông Chính, nhiều người bạn của mình và nhiều người cao tuổi khác cũng có nhu cầu sống tại viện dưỡng lão. Tuy nhiên, mức dịch vụ cao vẫn là một trở ngại lớn đối với họ. 

“Cá nhân tôi có tiền tích luỹ nên khá dễ dàng trong việc lựa chọn sống tại đâu, rất nhiều người cao tuổi khác không có tiền tích luỹ và tiền tích luỹ cũng không nhiều nên còn phụ thuộc vào con cái. Tôi mong rằng trong thời gian gần, thành phố sẽ có những mô hình dưỡng lão miễn phí hoặc giá rẻ để đáp ứng cho nhiều người cao tuổi không có thu nhập và thu nhập thấp”, ông Chính bày tỏ.

Th.S Nguyễn Thị Hà, Chủ Sở hữu Công ty TNHH MTV Chăm sóc sức khỏe Thiện Tâm An cho biết, trong quá trình xây dựng và phát triển cơ sở, chị đã gặp rất nhiều khó khăn. Chi phí đầu tư ban đầu cho cơ sở vật chất và thiết bị y tế cao hơn 30-40% so với các loại hình kinh doanh khác. Chi phí đào tạo đội ngũ nhân sự chăm sóc chuyên môn cũng chiếm khoảng 20-25% tổng ngân sách hằng năm của cơ sở, chưa kể đến các chi phí vận hành hằng tháng khác. Đến nay, dù hoạt động hơn 2 năm, cơ sở vẫn chưa thể thu được lợi nhuận.

Từ việc phải đầu tư chi phí ban đầu lớn, dẫn đến việc giá dịch vụ tại các cơ sở chăm sóc ngoài công lập cao, khiến nhiều gia đình có thu nhập trung bình và thấp không thể tiếp cận.

Bên cạnh đó là các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực này chưa hoàn thiện, thiếu khung pháp lý rõ ràng về tiêu chuẩn hoạt động, quyền lợi của người cao tuổi cũng như trách nhiệm của các cơ sở chăm sóc; nguồn nhân lực còn thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Phần lớn nhân viên chưa được đào tạo chuyên sâu về chăm sóc sức khỏe người già, đặc biệt là các kỹ năng xử lý tình huống liên quan đến bệnh mãn tính, tâm lý người cao tuổi hoặc phục hồi chức năng,…

Dành nhiều năm trăn trở cho lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi, theo bà Nguyễn Thị Hà, để phát triển viện dưỡng lão tại Đà Nẵng, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ như tăng cường hỗ trợ chính sách, khuyến khích đầu tư từ cả khu vực công và tư nhân thông qua ưu đãi về đất đai, thuế và vốn vay.

Đồng thời, cần đào tạo chuyên sâu nguồn nhân lực có chuyên môn trong chăm sóc người cao tuổi, bao gồm điều dưỡng và nhân viên y tế, để bảo đảm chất lượng dịch vụ.

Nâng cấp cơ sở vật chất hiện đại, kết hợp với ứng dụng công nghệ, sẽ giúp tối ưu hóa việc chăm sóc người cao tuổi. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông nhằm thay đổi nhận thức cộng đồng, khuyến khích gia đình coi viện dưỡng lão là lựa chọn chăm sóc chuyên nghiệp, nhân văn và phù hợp trong xã hội hiện đại.

“Để thu hút người cao tuổi sử dụng dịch vụ, những mô hình dưỡng lão phải đáp ứng không chỉ nhu cầu ăn ở, sinh hoạt mà còn cần đến yếu tố giải trí, nâng cao đời sống tinh thần, xây dựng không gian xanh phù hợp với người cao tuổi.

Ngoài ra, có thể vận động, thu hút các thế hệ trẻ đến giao lưu, nói chuyện cùng người cao tuổi để không chỉ giúp người cao tuổi vui tươi, phấn khởi, mà còn giúp các thế hệ của nước nhà gắn kết với nhau. người cao tuổi là vốn quý, là những bài học sống động mà thế hệ trẻ cần phải học hỏi”, chị Hà nói.

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, việc chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi đã được thành phố quan tâm từ nhiều năm qua.

Trong thời gian tới, việc phát triển các cơ sở chăm sóc người cao tuổi đang được Sở, thành phố quan tâm quy hoạch, đã dành khu đất và đang giao cho các ngành kêu gọi đầu tư xây dựng viện, trung tâm dưỡng lão để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi có nhu cầu tại thành phố hiện nay. 

Phát triển cơ sở chăm sóc người cao tuổi không chỉ đáp ứng nhu cầu xã hội mà còn là biểu hiện của một xã hội nhân văn, coi trọng sự đóng góp của một thế hệ đã tận tâm vì đất nước.

Với lợi thế về một môi trường an lành, yên bình; người dân hiền hòa, dễ mến; hệ thống y tế hiện đại, có chuyên môn cao và đang ngày càng được nâng cấp, Đà Nẵng có tiềm năng trở thành thành phố tiên phong trong chăm sóc người cao tuổi tại miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung.

 

 
.