Emagazine
Bài 1: Cơ hội của nông dân thời hội nhập
![]() |
![]() |
![]() |
Căn nhà khang trang nằm trên đường ĐH2 thuộc thôn Phú Hạ, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang có đóng góp lớn từ những chuyến đi lao động tại huyện Yeongyang (Hàn Quốc) của chị Huỳnh Thị Tuyết (sinh năm 1976). Hai vợ chồng chị bươn chải đủ nghề như làm đá, làm công nhân, nấu rượu, nuôi heo nhưng không mang lại thành công, nhiều lúc lỗ cả vài trăm triệu đồng, phải vay nợ ngân hàng.
Cùng thời điểm, con trai đầu của vợ chồng chị vào đại học nên cuộc sống càng khó khăn hơn. May mắn thay, huyện Hòa Vang triển khai đề án đưa người nông dân sang Hàn Quốc để lao động có thời hạn.
![]() |
Ban đầu, nhiều nông dân tại huyện Hòa Vang nói chung, xã Hòa Sơn nói riêng còn băn khoăn, lo lắng không biết đi như thế nào, thu nhập ra sao, có bị cản trở về ngôn ngữ hay không. Bỏ qua những băn khoăn ấy, với mong muốn thay đổi hướng đi, năm 2018, chị Tuyết mạnh dạn đăng ký với xã để xét duyệt đi lao động.
Chị cho biết, những ngày đầu sang Hàn Quốc rất lạ lẫm, ngôn ngữ là một thứ rào cản lớn. Tuy nhiên, chiếc điện thoại thông minh chính là người “phiên dịch” và làm cầu nối giao tiếp giữa chị với chủ lao động. Nhờ vậy, những bỡ ngỡ ban đầu được tháo gỡ, chị lao vào công việc với mong muốn sẽ có thu nhập cao, trang trải nợ nần, nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình.
![]() |
“Là lao động chân tay, đã bươn chải đủ nghề nên những khó khăn đối với mình không có vấn đề gì. Mình tập trung vào làm việc với phương châm “hết việc chứ không hết giờ” nên được chủ lao động rất quý mến. Vì vậy, những ngày lễ, tết của Hàn Quốc, người lao động như mình được chủ lì xì, thưởng thêm, tạo thêm động lực cho mình những ngày tha phương tại đất khách quê người”, chị Tuyết chia sẻ.
Đợt đầu tiên chị Tuyết đi 3 tháng, cho thu nhập gần 80 triệu đồng. Những khoản nợ cũ từ đó cũng được giải quyết. Những năm sau, được chủ quý mến, yêu cầu tiếp tục sang lao động và được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, chị Tuyết tiếp tục được đi thêm 3 đợt, mỗi lần kéo dài hơn 7 tháng, mang lại thu nhập hơn 200 triệu đồng/đợt. Có vốn, chồng chị mua dưa hấu và dừa để bỏ cho các đại lý, cơ sở kinh doanh buôn bán, công việc ổn định và có tương lai hơn.
![]() |
Anh Nguyễn Văn Quảng, thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang cũng như những người nông dân khác, luôn nỗ lực để lao động nhưng cuộc sống vẫn chưa thể khấm khá hơn. Năm 2018, anh đăng ký và được địa phương duyệt đi lao động 3 tháng tại Hàn Quốc. Năm 2019, 2022, 2023, 2024, anh tiếp tục được duyệt để đi lao động, thời gian từ 3 đến 7 tháng, cho thu nhập từ 80 đến hơn 200 triệu đồng/đợt.
Điều may mắn hơn, ngoài anh được đi “xuất ngoại”, vợ anh cũng đăng ký và được địa phương cho tham gia hai lần. Chính nhờ vậy, hai vợ chồng đã có những tích lũy, cuộc sống ngày càng khấm khá hơn.
Anh chia sẻ: “Để được lao động dài ngày, mình phải thân thiện với chủ; làm việc phải linh hoạt, phải hiểu chủ và tận tâm với công việc. Chính nhờ vậy, chủ luôn yêu cầu mình quay lại lao động”, anh Quảng chia sẻ.
Theo anh, nông dân Hàn Quốc lao động rất chăm chỉ. Từ khi đi làm ở Hàn Quốc về, thói quen của anh trong lao động cũng thay đổi rất nhiều, tích cực làm việc, kỷ luật bản thân, bỏ bớt những thú vui vô bổ hằng ngày…
Năm 2017, khi huyện Hòa Vang thực hiện chương trình, chị Nguyễn Thị Dũng (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) là một trong những người tiên phong đi làm việc tại huyện Yeongyang. Gia đình chị Dũng từng là hộ nghèo, làm nông, thu nhập không ổn định.
![]() |
Sau khi được phổ biến về chương trình làm việc tại Hàn Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp, chị đăng ký và được chọn. Sau khi hoàn thành đợt làm việc đầu tiên, chị tiếp tục đăng ký và đi thêm 3 đợt nữa, mỗi đợt kéo dài khoảng 3 tháng. Sau 4 đợt đi, chị tích lũy hơn 300 triệu đồng, có vốn làm ăn và xây nhà mới, thoát nghèo bền vững.
Còn anh Nông Quang Tự, thôn Quang Châu, xã Hòa Phong sau khi xuất ngũ, trở về địa phương làm đủ mọi công việc để nuôi gia đình. Dẫu vậy, cuộc sống của gia đình anh cũng không thể khấm khá khi công việc bấp bênh, thu nhập tháng có tháng không. Đầu năm 2024, anh đăng ký sang Yeongyang (Hàn Quốc) để lao động. Là bộ đội xuất ngũ nên anh được ưu tiên hàng đầu.
Sau 5 tháng lao động, anh được chủ lao động gia hạn thêm 2 tháng. Tận dụng cơ hội, anh tập trung làm ngày làm đêm và đã có thu nhập khá. Số vốn 200 triệu đồng sau 7 tháng lao động là một con số không hề nhỏ đối với những người lao động chân tay như anh.
Anh cho biết, ở Hàn Quốc, máy móc được sử dụng triệt để vào tất cả các khâu trong việc trồng trọt vì vậy, dù là xứ lạnh, đất đai không màu mỡ nhưng năng suất cây trồng rất cao. Thời gian tới, anh mong địa phương của hai bên tiếp tục phối hợp, kéo dài thời gian lao động và tạo điều kiện cho được nhiều người hơn nữa đi lao động để có thu nhập cho gia đình.
![]() |
Chương trình tuyển chọn lao động sang làm việc thời vụ tại Hàn Quốc được nông dân 11 xã huyện Hòa Vang hưởng ứng. Qua tìm hiểu, Hòa Khương là địa phương có số lượng nông dân, người lao động tham gia đông nhất.
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Khương Đinh Ngọc Dũng cho biết, trên cơ sở huyện giao, xã thành lập hội đồng xét duyệt. Các tiêu chí được lựa chọn và ưu tiên là thanh niên xuất ngũ, gia đình hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, giải tỏa đền bù, thu hồi đất sản xuất nông nghiệp. Trên cơ sở đó lập danh sách để xét duyệt từng trường hợp cụ thể.
Từ 2017 tới nay, Hòa Khương có hơn 500 lượt người tham gia. Qua ghi nhận của địa phương, mỗi lao động đi đợt 3 tháng cho thu nhập khoảng 90 triệu đồng; 5 tháng mang về thu nhập 150 triệu đồng, góp phần ổn định cuộc sống, các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo. Nhiều hộ dân từ nguồn thu nhập đó đầu tư kinh doanh, sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng.
![]() |
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Khương Đinh Ngọc Dũng cho biết, năm 2025, trong đợt 1, UBND huyện giao cho xã 30 chỉ tiêu chính thức, 9 chỉ tiêu dự bị, hội đồng đã xét duyệt, bảo đảm theo tiêu chuẩn của huyện và xã đề ra. Tuy nhiên, số lượng người dân tham gia đăng ký đi lao động rất nhiều, với 175 hồ sơ.
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Khương Đinh Ngọc Dũng cho biết, rất nhiều người sau khi lao động trở về đã thay đổi cuộc sống rõ rệt. Thời gian tới, Hòa Khương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia chương trình tuyển chọn lao động sang làm việc thời vụ tại Hàn Quốc.
Từ năm 2018 tới nay, xã Hòa Châu có gần 100 lượt người lao động nghèo được đưa sang lao động có thời hạn tại huyện Yeongyang, tỉnh Gyeongsangbuk (Hàn Quốc). Ông Trần Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Châu cho biết, những ngày đầu triển khai, chương trình còn gặp nhiều khó khăn, bởi người dân chưa biết tiếng Hàn, chưa biết phong tục, tập quán nên trong năm 2018, số lượng người tham gia đăng ký còn khá khiêm tốn.
![]() |
Để giúp nông dân không bị rào cản trong việc giao tiếp, địa phương phối hợp với huyện để đào tạo tiếng Hàn, cũng như tìm hiểu phong tục, tập quán. Qua đó, người dân địa phương đi lao động đã mang lại hiệu quả, không chỉ cho thu nhập mà còn mang lại sự uy tín của người dân địa phương khi sang Hàn, góp phần tạo tiếng vang cho huyện Hòa Vang khi thực hiện chương trình.
“Chương trình tuyển chọn lao động sang làm việc thời vụ tại Hàn Quốc góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo tại địa phương, một số hộ vươn lên khá giả, đầu tư con cái học hành. Cùng với đó, bảo đảm công tác an sinh xã hội trên địa bàn xã; góp phần bảo đảm tình hình an ninh trật tự”, ông Tuấn chia sẻ.
![]() |
Theo ông Tuấn, chương trình tuyển chọn lao động sang làm việc thời vụ tại Hàn Quốc không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, mà người dân học được kỹ năng lao động của người Hàn Quốc. Đặc biệt, nhiều nông dân sau khi lao động trở về đã áp dụng kỹ thuật, máy móc vào để sản xuất và cho thu nhập cao. Cùng với đó, góp phần giao lưu văn hóa giữa người dân hai địa phương, nâng cao vai trò của Việt Nam.
Trong khi đó, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Sơn Nguyễn Thị Giang Thủy cho biết, thực hiện chương trình đưa người lao động sang Hàn, từ năm 2020, địa phương đã giới thiệu 123 lượt tham gia.
![]() |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang Nguyễn Thúc Dũng cho biết, từ năm 2017 đến năm 2023, toàn huyện đã tổ chức cho 1.871 người lao động tham gia chương trình. Đây là chương trình cụ thể hóa Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài trong tình hình mới và các kế hoạch của thành phố.
Với địa bàn huyện Hòa Vang diện tích đất nông nghiệp đang bị thu hẹp, mặt khác, vào mùa mưa gió một số nơi ngập cục bộ khó sản xuất, thì xuất ngoại làm nông là cứu cánh cho rất nhiều gia đình.
Qua theo dõi, đánh giá, sau 3 tháng tham gia lao động, thu nhập của người lao động dao động từ 80 - 120 triệu đồng; đối với lao động làm việc 5 tháng (E8) thu nhập của người lao động giao động từ 130 - 200 triệu đồng.
![]() |
Chính nguồn thu nhập này đã giúp người lao động giải quyết các vấn đề khó khăn của đời sống. Bên cạnh đó, trong quá trình làm việc, người dân được học hỏi, tiếp thu các kiến thức và kinh nghiệm mới trong lao động sản xuất của ngành nông nghiệp Hàn Quốc.
Nhiều người lao động trở về sau 3 tháng làm việc với tinh thần hết sức phấn khởi, vui mừng và có nguyện vọng được tiếp tục tham gia trong những đợt tuyển dụng sau.
Ngoài những hiệu quả tích cực từ chương trình này mang lại cho nhân dân huyện Hòa Vang và chính quyền huyện đối với công tác an sinh xã hội, chương trình tuyển chọn lao động sang làm việc thời vụ tại Hàn Quốc còn được Cục quản lý lao động nước ngoài, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (cũ) đánh giá là 1 trong 19 đơn vị thực hiện tốt nhất chủ trương đưa lao động tham gia lao động thời vụ tại Hàn Quốc.
![]() |