Báo Đà Nẵng xuân 2019
Hoa tam giác mạch và lợn "cắp nách"
Chưa lần nào đến vùng Tây Bắc, chỉ “nhìn thấy” Sapa qua một số ảnh và những câu chuyện mang vẻ lung linh huyền thoại của xứ sở đầy hoa. Nhân có một nhà sưu tập tranh ở Hà Nội rủ đi Sapa, tôi nhận lời.
Lợn “cắp nách” đến chợ phiên Sapa. Ký họa: HOÀNG ĐẶNG |
Chỉ mất hơn sáu tiếng đồng hồ ngồi trên xe khi rời Hà Nội là đến thị trấn Lào Cai. Khác sự tưởng tượng của tôi, nơi sắp đến sẽ quạnh hiu sương mù và lạnh, bởi đây đã là tháng gần cuối năm, nhưng dù trời đã về chiều, thị trấn Sapa vẫn ngập tràn ánh nắng. Nhưng, khi ánh nắng mặt trời tắt hẳn, tôi mới biết thế nào là khí núi; khi đêm đầu tiên ngủ chung với khí trời lạnh buốt của núi rừng Sapa.
Hôm sau, chúng tôi đi bộ tìm đến bản làng Cát Cát ở xã San Sả Hồ thuộc huyện Sapa, cách trung tâm thị trấn Sapa khoảng 4km. Bản nằm giữa những đồi núi cao, trong một thung lũng thanh bình, nơi vốn có nét đặc sắc văn hóa và nghề truyền thống của người H’Mông. Đến nơi cũng như khi rời khỏi bản, chúng tôi đi theo những bậc thang đá xếp.
Thỉnh thoảng có những đoạn dốc thoải đường đất. Nhiều quán bán hàng thổ cẩm, lưu niệm hai bên đường. Những chiếc áo và bao gối dệt tay màu sắc hoa văn hòa hợp, trang nhã; các cô gái trong trang phục truyền thống, dịu dàng chào mời khách với những lời lẽ chân chất, mộc mạc. Đôi chỗ trên đường có vài chòi tranh tre để người thưởng ngoạn nghỉ chân. Cuối con dốc giữa bản là cầu tre dài bắc ngang qua dòng thác. Tiếng thác nước vọng vang như muốn mang về sức sống yên vui cho người dân núi rừng.
Ở bản có một vài nhà trưng bày những sản phẩm tiêu biểu của nghề truyền thống như đan lát, dệt vải thổ cẩm, chạm trổ bạc hay làm những vật kỷ niệm bằng tre, gỗ. Ngoài nghề nông, đa số gia đình ở bản đều có thêm nghề truyền thống này, không những để kiếm sống mà đây như là bản sắc riêng của bản Cát Cát.
Bây giờ là tuần lễ đầu tiên tháng 11. Lễ hội Mùa hoa tam giác mạch ở Fansipan, Sapa đã qua. Vậy mà tôi cứ nghĩ rằng loài hoa tam giác mạch màu tím hồng này chỉ có ở Đồng Văn (Hà Giang).
Tuy hoa giác mạch mong manh, chóng tàn nhưng sống cùng nhau tạo nên từng mảng rộng, gây ấn tượng về loài hoa sống tươi tắn, trên vùng cao nguyên đá sỏi. Thân cây hoa non còn giúp con người làm thức ăn với mùi ngai ngái, hoang dã. Hoa ba cánh như hình tam giác. Hạt hoa sấy, phơi rồi xay nhuyễn để nấu cháo hay làm bánh. Ngoài ra, hạt hoa tam giác mạch còn làm được thuốc chữa trị một số bệnh thông thường; đàn ông lấy hạt ngâm rượu. Phụ nữ lấy hạt làm kem sữa dưỡng da.
Cũng như nhiều nơi ở thị trấn, khu du lịch Sun World Fansipan Legend có nhiều hàng quán, nhất là thức ăn. Đủ thứ từ thịt nai, ngựa, cá tầm, gà… Cái tên món “Lợn cắp nách” khá lạ lẫm đã làm tôi chú ý.
Có lẽ không nhất thiết phải đến huyện Mường Khương mới có lợn. Các làng bản ở Sapa đều có giống lợn màu đen và hơi xám nâu. Trong một vài quán ăn treo quảng cáo để quyến rũ khách du lịch đến với món lợn rừng chính hiệu: “Mắn may ăn thịt heo rừng/Tai ương, bệnh tật cũng đừng (hòng) đến thăm”.
Nhưng thật ra chúng là “lợn lai rừng”. Hầu hết người dân tộc thiểu số chọn lợn cỏ, lợn Mường và cho lai giống với lợn rừng, gọi chung là “Lợn bản”. Chúng được nuôi thả rông trên nương rẫy, sống “tự lập”, mặc sức ăn rau, hoa cỏ. Mỗi chú lợn bản chỉ hơn chục kg nên thịt rắn chắc. Từ “Lợn cặp nách” trở nên thông dụng qua những hình ảnh người dân tộc thường kẹp chúng vào nách mang đến những buổi chợ phiên để bán. Rất ít khi bỏ chúng vào gùi, bao bị. Ra đến chợ, chú lợn được buộc dây đi lui đi tới trong khi người đàn ông bán lợn ngồi bên cạnh với điếu thuốc lá vấn dài trên môi, mơ màng đợi khách mua.
Hoa và hàng lưu niệm bày bán trước nhà thờ đá cổ Sapa. Ký họa: HOÀNG ĐẶNG |
Quán chế biến lợn bản ra nhiều món: Tiết canh tươi, ngọt hợp vị với khách hàng thích nhắm chút rượu rừng; thịt xay nhuyễn làm chả nướng ướp riềng; thịt lợn hon hay hấp sả; lòng luộc; xương hầm với khoai; dồi lợn mượt như những khúc lạp xưởng... thỉnh thoảng có một vài quán bán thịt lợn quay nguyên con. Dưới ánh lửa than, mảng da lợn chín vàng đỏ, tỏa mùi thơm ngậy…
Không có thời gian để đi hết các bản làng, trở lại thị trấn, tôi gặp lại và chào tạm biệt các em nhỏ đã trò chuyện cùng tôi, những em nhỏ với đôi mắt ngơ ngác, hồn nhiên mặc áo quần, đội mũ truyền thống bản địa, hằng ngày đi quanh thị trấn Sapa chào đón du khách, bán quà lưu niệm, hình ảnh này đã góp thêm phần bản sắc nơi đây và đã giúp tôi có thêm chất liệu làm tranh hay minh họa. Những lúc dừng chân để ghi chép hay vẽ ký họa cảnh vật, các em đều vây quanh tôi, vừa xem tôi làm việc vừa chỉ trỏ nói cười bi bô, rất dễ thương.
Chuyến đi đến Sapa lần này, đối với tôi như thể một chuyến đi thực tế “vùng sâu vùng xa”, thu nhặt tư liệu để sáng tác, một dịp may mắn giúp tôi không ít về cảnh quan xứ sở, đời sống và con người cao nguyên. Chào tạm biệt Sapa với nhiều tiếc nuối, mong dịp sau sẽ trở lại nơi đây, có thể vào tiết đông để nhìn ngắm hoa và tuyết phủ.
HOÀNG ĐẶNG