Báo Đà Nẵng Xuân 2020
Phẩm chất hiếu học của người Quảng xưa
Trong tiếng Việt, chữ hiếu có khi biến âm thành háo, chẳng hạn như hiếu sắc có thể đọc trại thành háo sắc, hiếu thắng có thể đọc trại thành háo thắng, hiếu danh có thể đọc trại thành háo danh…, nhưng xưa nay không ai đọc trại hiếu học thành háo học cả. Hiếu học thực sự là một phẩm chất, không thể đứng cùng hàng với hiếu sắc hay hiếu thắng hoặc hiếu danh.
Thế nhưng thực tế cho thấy, theo đuổi việc học có thể là do hiếu học nhưng cũng có khả năng là bởi hiếu danh. GS. Trần Ngọc Thêm từng phân biệt giữa hiếu học với hiếu danh: “Sự khác biệt giữa hiếu học với hiếu danh thể hiện ở chỗ người hiếu học đi học trước hết quan tâm đến việc nâng cao tri thức và năng lực, còn người hiếu danh đi học là nhằm để có địa vị cao trong xã hội” (1). Đương nhiên học để nhằm có địa vị cao còn hơn là muốn có địa vị cao mà không chịu học!
Khi nghĩ tới truyền thống hiếu học của quê hương, người Quảng thường liên tưởng đến danh xưng Ngũ phụng tề phi - năm con chim phượng hoàng cùng bay gắn với sự kiện năm người Quảng đều đỗ đại khoa trong khoa thi năm Mậu Tuất 1898, gồm ba người cùng đỗ tiến sĩ và hai người cùng đỗ phó bảng. Thực ra, vào thời quân chủ ở nước ta, việc một địa phương có nhiều sĩ tử cùng đỗ cao trong một khoa thi tuy chưa phổ biến nhưng không phải cá biệt.
Chỉ tính riêng trong lịch sử khoa cử triều Nguyễn, ngoài Quảng Nam một lần ngũ-phụng-tề-phi vào khoa thi năm Mậu Tuất 1898 như vừa nêu thì Hà Nội cũng ba lần ngũ-phụng-tề-phi vào các khoa thi năm Tân Sửu 1841, năm Ất Sửu 1865, năm Kỷ Sửu 1889; Nghệ An cũng ba lần ngũ-phụng-tề-phi vào các khoa thi năm Ất Hợi 1875, năm Ất Mùi 1895, năm Đinh Mùi 1907 và một lần thất-phụng-tề-phi vào khoa thi năm Canh Tuất 1910; Thừa Thiên cũng một lần ngũ-phụng-tề-phi vào khoa thi năm Tân Hợi 1851 và một lần lục-phụng-tề-phi vào khoa thi năm Giáp Thìn 1844.
Tuy nhiên, động thái ban bức trướng Ngũ phụng tề phi mang màu sắc chính trị của Tổng đốc Nam-Ngãi Đào Tấn và Đốc học Quảng Nam Trần Đình Phong cũng đem lại cho học giới đất Quảng một sự khích lệ tinh thần đáng kể. Đặc biệt, đối với trường hợp Phó bảng Ngô Chuân xuất thân nghèo khổ và thân phận dân ngụ cư, sống cùng mẹ trong căn nhà tranh bên rìa làng, đêm đêm bắt đom đóm làm ánh sáng để học bài. Và, không phải ngẫu nhiên mà bốn chữ Ngũ phụng tề phi nhanh chóng trở thành biểu tượng cho truyền thống hiếu học/học giỏi của người Quảng.
Tuy nhiên với người Quảng, hiếu học không chỉ là coi trọng việc học chữ mà còn coi trọng việc học nghề. Trên hành trình Quảng-Nam-mở-cõi, những thế hệ lưu dân người Việt từ Đàng Ngoài vào xứ Quảng khẩn đất lập làng, cộng cư cùng người Chăm bản địa, tiếp biến văn hóa Chămpa, đã học được nhiều nghề liên quan đến kinh tế biển như nghề đóng ghe; trong đó chủ yếu là đóng ghe nghề và ghe bầu, như nghề làm nước mắm hay nghề chài lưới khơi xa…
Ngay học chữ thì cũng không phải lúc nào người Quảng cũng hiếu danh, cũng chăm chăm với mục đích học để thi đỗ và ra làm quan. Và ngay làm quan thì người Quảng vẫn có những quan chức thật sự hiếu học như Phạm Phú Thứ - người từng đỗ thủ khoa cả hai kỳ thi hương và thi hội đã biết tận dụng cơ hội xuất ngoại công du để nghiền ngẫm kỹ càng về những điều trông thấy; từ đó, có những đóng góp cụ thể cho đất nước đặc biệt là trên phương diện khoa học và công nghệ. Tương truyền, kiểu xe nước ngày nay còn thông dụng ở Quảng Nam và một số tỉnh miền Trung là kiểu xe nước trâu kéo ở Ai Cập vào các thế kỷ trước do Phạm Phú Thứ vẽ kiểu mang về áp dụng vào thời ấy.
Và không phải ngẫu nhiên mà nhà Quảng học Nguyễn Văn Xuân đã dùng danh xưng Lục phụng bất tề phi - sáu con chim phượng hoàng không cùng bay - để gọi sáu người Quảng hiếu học, học giỏi và đỗ đạt cao; tuy không cùng đỗ một khoa nhưng người nào cũng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp của dân tộc: Tiến sĩ Phạm Phú Thứ, Hoàng giáp Phạm Như Xương, Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu, Tiến sĩ Trần Quý Cáp, Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng và Phó bảng Phan Châu Trinh. Chính “bộ ba Quảng Nam” Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng và Phan Châu Trinh đã khởi xướng phong trào Duy tân đất Quảng đầu thế kỷ XX với chủ trương khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, mở trường học đi liền với mở hội buôn - lấy hội buôn nuôi trường học, điển hình như trường Diên Phong gắn với Hợp thương Diên Phong và một trong những người sáng lập - cụ Phan Thúc Duyện là nhà kinh doanh có tiếng hơn là thầy giáo giỏi.
Chỉ trong vòng hai năm từ 1906 đến 1907, trường học duy tân được mở ra nhiều nơi ở đất Quảng, nổi tiếng như các trường Diên Phong, Bảo An, Phú Bông, Quảng Huế, La Châu, Lạc Thành, Quảng Phước, Phước Bình, Phú Lâm... Nói chung, số phận lịch sử của những trường học duy tân đất Quảng quá ngắn, chưa đủ để có thể hình dung người học khi tốt nghiệp ra trường có được nhận bằng cấp gì không. Nhưng có lẽ từ người chủ trương mở trường, người dạy cho tới người học, chắc không ai nghĩ rằng vào học tại các trường học duy tân/các nghĩa thục là cốt để giành được một bằng cấp nào đó. Vì lý do rất giản đơn thôi: nội dung học tập đã khác trước! Cũng có thể hiểu ngược lại: nội dung học tập khác trước là bởi mục đích học tập đã hoàn toàn không giống trước.
Theo tư duy giáo dục của “bộ ba Quảng Nam”, người Quảng ngày ấy đi học ở các nhà trường duy tân/các nghĩa thục là để được biết mình có những quyền gì, và cũng là để được biết mình chưa hề được hưởng những quyền ấy. Đương nhiên, đi học ở các trường học duy tân/các nghĩa thục còn là để biết chữ - chữ quốc ngữ thậm chí chữ Pháp, biết buôn bán và biết nhiều thứ khác nữa. Đi học mà cốt để biết những điều cần biết, đi học mà không bị sức ép của bằng cấp và đi kèm là sức ép của thi cử đè nặng, người học dễ đến gần với thực học hơn. Thực học ở đây vừa được hiểu là học thực sự chiếm lĩnh tri thức thực sự và có khả năng sáng tạo thực sự; lại vừa được hiểu là học gắn liền với thực tiễn đời sống, tức là gắn liền những gì thiết thân với số phận của cộng đồng, với đòi hỏi bức xúc của nhân dân, và đó cũng chính là phẩm chất hiếu học thật sự.
Bùi Văn Tiếng
(1) Xem Chi Mai, “Cần cù là huyền thoại, hiếu học là ngộ nhận”, Vietnamnet ngày 17 tháng 12 năm 2016.