Chính trị - Xã hội
DIFC Đà Nẵng: Sẽ hoành tráng hơn?
Sau thành công ngoài mong đợi của cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế (DIFC 2008) lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam mà Đà Nẵng là địa phương khởi xướng và tổ chức cuộc thi, ngày 2-4 vừa qua, lãnh đạo thành phố đã cùng với các cơ quan, ban, ngành tổ chức một buổi họp tổng kết nhằm đánh giá những thành công, hạn chế lẫn bài học kinh nghiệm.
Hiện nay, Đà Nẵng đang làm văn bản xin phép Chính phủ cho tổ chức DIFC định kỳ hằng năm và Công ty Global 2000 - đơn vị tư vấn góp phần làm nên thành công của cuộc thi - vẫn là nhà sản xuất ưu tiên số 1. Hiệu ứng ánh sáng trên sân khấu cũng như sự lộng lẫy của hệ thống đèn trang trí trên những trục đường Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, cầu Sông Hàn... của Công ty Glorious (Singapore) đảm trách
cũng được Ban tổ chức ghi nhận và Đà Nẵng cũng sẽ cố gắng “kéo” cho được đơn vị này tham gia trong những năm sau.
Nhiều ý kiến cho rằng, cuộc thi tới Đà Nẵng nên tổ chức bắn bên bờ Đông sông Hàn để thuận tiện hơn cho đông đảo người xem. Nhưng để chọn vị trí bắn, Ban Tổ chức đã tham khảo tất cả những yếu tố cần và đủ nhằm bảo đảm thành công của cuộc thi. Vị trí tập kết pháo trước Cảng Đà Nẵng có hàng rào bảo vệ khiến các đội nước ngoài rất yên tâm vì chỉ cần một mẩu thuốc lá, mười mấy nghìn quả pháo sẽ đồng loạt nổ tung.
Trong đêm bắn pháo hoa, 15.200 quả pháo đã được bắn, trong đó có 45 quả pháo bị xì. Đây cũng là bài học rút ra cho Đà Nẵng, cần phải chuẩn bị pháo dự phòng khi xảy ra sự cố kỹ thuật. Một kinh nghiệm nữa - tạo sự yên tâm cho các đội tham gia lẫn sự thành công của cuộc thi là pháo và ống pháo phải theo tiêu chuẩn nước ngoài, đặc biệt ống pháo nên bằng vật liệu composite. Một yêu cầu khi thi bắn pháo hoa, bảo đảm yếu tố công bằng cho Ban Giám khảo chấm điểm kỹ thuật là vị trí tập kết pháo của từng đội phải ở vị trí bằng nhau. Kho cảng Đà Nẵng chỉ có hơn 30 mét dành cho 4 đội dự thi, dự kiến năm sau sẽ là 6 đội (Global 2000 sẽ mời những đội mới) nên yêu cầu đặt ra cho Ban Tổ chức là phải chuẩn bị vị trí to rộng hơn để tập kết pháo. Để tổ chức DIFC, Ban Tổ chức đã kêu gọi tài trợ số tiền đến gần 23 tỷ đồng và điều này không phải là vấn đề dễ dàng thực hiện cho những năm sau.
Ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng: “Có thể lần sau, chúng ta sẽ dành ra những khu tập trung cho khách nước ngoài, khách du lịch, dân chúng ngồi ăn uống, xem ca nhạc, bắn pháo hoa... có bán vé và giảm giá vé cho những đơn vị mua số lượng nhiều...”. Những màn hình lớn cần được đặt thêm trên nhiều vị trí để tạo thêm hiệu ứng đầy đủ khi thưởng ngoạn pháo hoa cũng đã được đề cập đến. Số lượng người dân đứng ken chật cứng trên cầu Sông Hàn rất nguy hiểm cũng được cảnh báo trong buổi họp tổng kết.
Trong 2 ngày diễn ra sự kiện bắn pháo hoa, người dân đã phải trải chiếu, “tổ chức” bữa ăn ngay trên cầu Sông Hàn, dọc những con phố, gây nên một hình ảnh nhếch nhác, mất mỹ quan. Vấn đề này Đà Nẵng sẽ khắc phục bằng những quy định, thông báo cũng như niêm yết rõ ràng để tạo ý thức chấp hành trong người dân. Việc bố trí tăng cường những địa điểm vị trí vệ sinh công cộng cũng là vấn đề thành phố cần tính toán. DIFC đã tạo được một hình ảnh đẹp, ấn tượng nên Đà Nẵng cần làm tốt hơn nữa để tạo nên sức hút trong mắt bạn bè, du khách.
Dải đất miền Trung khi tổ chức một sự kiện văn hóa thường bị cho rằng “na ná” nhau. Tổ chức thành công sự kiện DIFC 2008, Đà Nẵng đã tìm được hướng đi riêng, ấn tượng, thuyết phục cả những du khách khó tính nhất. DIFC năm sau đã được Đà Nẵng chuẩn bị ngay từ bây giờ. Hy vọng, khi Chính phủ chính thức cho phép Đà Nẵng được tổ chức định kỳ hằng năm, người dân và du khách sẽ được thưởng ngoạn hình ảnh một DIFC ngày càng hoành tráng.
LUÂN QUỲNH