Chính trị - Xã hội

UBND thành phố trả lời ý kiến cử tri

07:57, 08/12/2014 (GMT+7)

Hỏi: Đề nghị thành phố quan tâm, đầu tư xây dựng khu vui chơi cho trẻ em và khu sinh hoạt cho người cao tuổi nhằm bảo đảm nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân trên địa bàn phường Mỹ An (cử tri phường Mỹ An)

Trả lời: Theo Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 11-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ Quyết định phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030”, Khu vui chơi cho trẻ em và Khu sinh hoạt cho người cao tuổi không có trong quy hoạch.

Tất cả các hoạt động vui chơi giải trí, sinh hoạt văn hóa, tập luyện thể dục thể thao cho mọi đối tượng quần chúng nhân dân sẽ được tổ chức trong hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở phục vụ cộng đồng; cụ thể là ở trong các Trung tâm văn hóa - Thể thao phường, xã, trong đó, dành 30% thời gian sử dụng trong năm để tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em.

Hiện nay, phường Mỹ An đã có 1 Nhà văn hóa tại địa điểm số 46 Bà Huyện Thanh Quan được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2010, với quy mô xây dựng 2 tầng, cảnh quan sạch đẹp. Hội trường tầng 1 trước đây được sử dụng làm nhà tập luyện aerobic, tầng 2 là phòng truyền thống, trung tâm học tập cộng đồng. Bên cạnh đó, trên địa bàn phường còn có 1 sân bóng đá mini với diện tích 2.000m2 tại khu vực An Thượng.

Tuy nhiên, do diện tích Nhà văn hóa nhỏ nên chưa trở thành nơi vui chơi giải trí cho người dân mà chỉ đáp ứng việc sinh hoạt, hội họp của các đoàn thể và nhân dân địa phương. Sân bóng đá cũng đáp ứng được nhu cầu vui chơi, tập luyện cho một bộ phận thanh - thiếu niên của phường, tuy nhiên do chưa được đầu tư đồng bộ nên hiệu quả hoạt động chưa bảo đảm.

Theo chỉ đạo của UBND thành phố, thời gian qua, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cùng với Viện Quy hoạch xây dựng thành phố đã có nhiều đợt làm việc với UBND quận Ngũ Hành Sơn về việc đề xuất vị trí đất để xây dựng Trung tâm Văn hóa- Thể thao phường trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn nói chung và phường Mỹ An nói riêng. Theo đó, thống nhất đề xuất khu đất công trình Trung tâm Văn hóa-Thể thao phường Mỹ An tại dự án Khu dân cư Nam cầu Trần Thị Lý: giao đường Võ Như Hưng và Phan Hành Sơn, diện tích 2.988m2. Hiện Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đang hoàn thiện quy hoạch tổng thể trình UBND thành phố phê duyệt.

Hỏi: Nhiều cử tri cho rằng việc đặt tên cầu trên tuyến đường vành đai phía Nam là cầu Cổ Cò là chưa hợp lý. Đề nghị thành phố xem xét, đổi tên cho phù hợp (cử tri phường Hòa Hải)

Trả lời: Dự án tuyến đường Vành đai phía Nam có điểm đầu giáp đường Trường Sa, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn và điểm cuối giáp Quốc lộ 1A, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang. Dự án này gồm có các công trình cầu và đường. Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang nghiên cứu và đề xuất đặt tên các cầu, đường và sẽ báo cáo Hội đồng đặt, đổi tên đường và sẽ báo cáo UBND thành phố trình HĐND thành phố xem xét, quyết định.

Qua đợt khảo sát thực tế cùng với đại diện UBND quận Ngũ Hành Sơn vào ngày 15-9-2014 vừa qua, hiện tại tên “Cầu Cổ Cò” đã gắn biển tên. Tuy nhiên, đây chỉ là biển tên tạm đặt theo tên gọi của Dự án công trình cầu và đường Vành đai phía Nam. Do còn nhiều ý kiến khác nhau về việc đặt tên cho cầu này nên Hội đồng đặt, đổi tên đường đã không xem xét, đặt tên cho các cầu đợt này.

Hỏi: Đề nghị thành phố đánh giá hiệu quả hoạt động của mô hình thực hiện thí điểm Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất một cấp hiện nay để có hướng xử lý cho phù hợp (theo cử tri, việc cấp GCNQSD đất hiện nay còn quá chậm, mất thời gian, gây bức xúc cho người dân; hơn nữa đơn vị này thuộc sự quản lý của Sở TNMT, trong khi đó, Phòng TNMT trực thuộc UBND quận nên sự phối hợp thực hiện không hiệu quả; đề nghị thành phố nên có chủ trương chuyển Văn phòng này về lại UBND quận quản lý để đảm bảo thuận tiện hơn trong việc thực hiện); (cử tri nhiều phường).

Trả lời: Thành phố Đà Nẵng là một trong 4 địa phương được Trung ương chọn thực hiện thí điểm mô hình đăng ký quyền sử dụng đất một cấp theo Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 17-4-2012 của Thủ tướng Chính phủ. Qua 2 năm thực hiện Đề án thí điểm từ ngày 1-8-2012, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất một cấp đã cấp 54.679 Giấy chứng nhận với tổng diện tích đất 32.596,33ha, giải quyết trên 110.000 hồ sơ đăng ký biến động sau khi cấp Giấy chứng nhận, đáp ứng kịp thời yêu cầu của tổ chức, công dân trên địa bàn thành phố.

Kết quả nổi bật trong việc thực hiện thí điểm Đề án là việc tập trung đầu mối chỉ đạo nên giải quyết hồ sơ thống nhất về chuyên môn và đúng quy định của pháp luật trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ tại các chi nhánh quận, huyện; đã phát hiện, xử lý rất nhiều trường hợp trước đây giải quyết thủ tục không đúng quy định và giải quyết cơ bản nhiều trường hợp tồn đọng do vướng mắc trong việc cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho người dân.

Chất lượng đội ngũ viên chức, người lao động ngày được nâng cao do thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ; hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai từng bước được xây dựng và củng cố.

Qua đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết quả đạt được trong thời gian thí điểm tại 4 địa phương đã nhận thấy mô hình này cần duy trì, phát huy. Vì vậy, mô hình Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp đã được luật hóa để triển khai trên toàn quốc và đã được quy định tại Điều 5 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013.

Về công tác phối hợp, Sở Tài nguyên và Môi trường và Cục Thuế thành phố trong thời gian thực hiện thí điểm đã ban hành Quy chế phối hợp liên ngành. Trong đó, có sự phối hợp giữa Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất và Chi cục Thuế, cơ quan tài nguyên và môi trường quận, huyện. Để phát huy tốt hơn nữa công tác phối hợp, trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu, rà soát hoàn thiện Quy chế phối hợp để ngày càng phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của tổ chức, công dân.

B.T

.