Chính trị - Xã hội
Bữa cơm nghẹn đắng
ĐNĐT - Bữa cơm tối 13-2 của chị em khu nhà phụ nữ đơn thân (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) dở dang, nguội lạnh, nghẹn đắng. Suốt từ chiều hôm đó, các chị gần như không còn tinh thần làm việc khi nghe tin ông Nguyễn Bá Thanh qua đời.
Chị Thành (đi xe lăn) và chị Thảo buồn héo hắt trước sự ra đi của ông Nguyễn Bá Thanh. |
Ngồi trên xe lăn trong căn nhà tầng trệt khu A, vừa nghe nhắc đến tên ông Thanh, chị Hồ Thị Thành nghẹn ngào bật khóc. Chị nói cuộc đời chị em ở đây, đặc biệt là những phụ nữ tật nguyền nếu không có ông Nguyễn Bá Thanh thì giờ chẳng biết những thân phận này trôi nổi về đâu. Cũng như nhiều chị em khác, chị Thành được ở khu 126 căn nhà liền kề dành cho phụ nữ nghèo đơn thân vào năm 2008.
Có một chỗ ở cho người mẹ nghèo đơn thân và khuyết tật là ước mơ quá lớn lao và bỗng chốc thành hiện thực. Năm 2009, sau cơn bão lớn, khu nhà này bị hư hỏng nặng. Đến 2012, các chị được “lên đời” khi chuyển về dãy nhà chung cư khang trang, sạch đẹp và đủ sức chịu bão cũng được xây dựng tại mảnh đất này.
Giờ cơm tối nhà chị Thành còn có thêm một chị hàng xóm nữa. Hai người đàn bà ngồi buồn bã rồi tự hỏi nhau sao người như ông Thanh lại ra đi sớm vậy. “Chúng tôi đã mất một điểm tựa”, các chị đồng thanh nói. Chị Thảo (39 tuổi) làm nghề chai bao nuôi 3 con nhỏ kể: “Nhiều năm mấy mẹ con phải ở trong phòng thuê bé tí, làm gì dám ước ao chỗ ở như thế này khi cơm ăn, áo mặc, học hành còn không đủ đâu vào đâu”.
Không chỉ nói chuyện nhà, các chị còn cho biết nhờ có ông Thanh mà cuộc sống của phụ nữ ở đây mới tốt lên. “Cứ lễ, Tết là chúng tôi ngóng ông Thanh. Bận rộn nên ông ấy không đến thăm chị em nhiều, nhưng quà của ổng thì chị em nhận đủ. Tết mỗi người có 1 triệu đồng; lễ có quà với gạo, dầu, mắm; bão thì được cho tiền sửa nhà và trẻ con có sách vở mới. Tụi tui không thể kể hết những gì ông Bá Thanh đã giúp chị em, chỉ biết nói tóm lại là ổng làm cho chúng tôi nhiều hơn mức tưởng tượng”, chị Thảo nói. Một chị khác nói thêm: “Ông Thanh đã cho chúng tôi sức sống để vươn lên”.
Với chị em khu nhà này, đơn giản là “ông Thanh thương chúng tôi nhiều thì chúng tôi cũng thương lại nhiều”. Quán tạp hóa tại nhà chị Thành chủ yếu làm ăn được nhất vào mấy ngày giáp Tết, nhưng giờ chị chẳng màng gì ngoài việc được phép đến nhà ông Thanh thắp một nén nhang như lời chào, lời cảm ơn chân thành từ trái tim các chị.
Hôm ông Nguyễn Bá Thanh điều trị ở Bệnh viện Đà Nẵng, biết là không được vào thăm, nhưng chị Thành cũng chạy xe ba bánh đến đứng ngóng trước cổng. Lần này, mấy chị rủ nhau đến nhà ông. “Lạy trời cho chúng tôi được vào”, chị Thành nói. Chị hỏi: “Trường hợp quá đông người đến viếng, chị em tôi chưa được vào thì mai mốt chúng tôi sẽ về nơi ông nằm nghỉ để được ngồi lại tâm sự những điều chưa thể nói cùng ông”.
HƯỚNG DƯƠNG