Chính trị - Xã hội

Rứa mà…

07:56, 17/02/2015 (GMT+7)

Một lát, sau cú điện thoại của ông Mười Nhựt, ông Nguyễn Lai xóm bên chạy xe sang. Cả hai ngồi bên bộ bàn đá ngoài trời, cùng ôn lại những chuyện buồn vui chung quanh ông Nguyễn Bá Thanh trong cương vị Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp 3 Hòa Nhơn (dân hay gọi tắt là HTX 3 Hòa Nhơn) những năm 1981 – 1984.

Ông Mười Nhựt (trái) và ông Nguyễn Lai ôn lại kỷ niệm một thời với Chủ nhiệm HTX 3 Hòa Nhơn  Nguyễn Bá Thanh. 						Ảnh: V.T.L
Ông Mười Nhựt (trái) và ông Nguyễn Lai ôn lại kỷ niệm một thời với Chủ nhiệm HTX 3 Hòa Nhơn Nguyễn Bá Thanh. Ảnh: V.T.L

1. Trong ký ức của ông Lai, lúc đó ông làm phó trưởng ban Định mức của HTX, xã viên bấy giờ mỗi ngày công 10 điểm chỉ được 3,5 lạng lúa, ăn không đủ. Trước tình hình bế tắc này, lãnh đạo huyện Hòa Vang điều động ông Nguyễn Bá Thanh đang làm đội trưởng Đội Thanh niên xung phong đóng ở Phú Túc (nay thuộc xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) về làm chủ nhiệm HTX.

Việc đầu tiên của chủ nhiệm mới là thay đổi cơ cấu nhân sự, nhờ xã viên giới thiệu người có năng lực thực sự vào ban quản lý HTX, ông Nguyễn Thanh Nhựt (Mười Nhựt) nằm trong số mới này. Chính ông Nhựt, sau khi nhận lệnh của chủ nhiệm mới, đã lặn lội trèo non lội suối khắp địa bàn HTX gần nửa tháng để khảo sát và phác thảo sơ đồ địa hình của HTX. Xong đâu đó, Mười Nhựt vẽ trực tiếp lên tấm cót ép, dựng trên tường văn phòng HTX để mọi người có thể hình dung ra toàn cảnh sông núi, nhà cửa, ruộng vườn của mình.

Xuống thăm xã viên, thấy đời sống bà con quá nhọc nhằn, khổ cực, chủ yếu ăn sắn lát qua bữa, chủ nhiệm than với anh em trong ban quản lý HTX: Làm cực như ri mà ăn sắn lát thì dân chỉ có chết. Còn anh em thấy ông chủ nhiệm mới trẻ măng, chạy xe từ Hòa Tiến lên làm việc mà không có chỗ ngủ đàng hoàng, có bữa ngồi lại với nhau, làm bài thơ tức cảnh sinh tình. Hơn 30 năm rồi, ông Lai chỉ còn nhớ có đoạn: Cuộc đời chủ nhiệm thật là sang/ Ngày ăn cơm mắm tối ngủ bàn/ Ba lạng ngày công, dân quá đói/ Lạnh trời mền mỏng chẳng kín chân…

Bài thơ đến tai chủ nhiệm, ông họp các đội lại, tỉ tê tâm sự như nói với người trong nhà: “Anh em mình phải làm răng phấn đấu mỗi ngày công lên 5 lạng hay 1kg, chứ tui thấy rứa thì quá đói”.

Khi đó sắp đến Tết Nhâm Tuất 1982, trời lạnh, đồng vắng, xã viên ai cũng lo lắng ra mặt. Chủ nhiệm cầm lòng không đậu, bèn tức tốc về quê nhà Hòa Tiến mượn 4 xe tải lúa chở lên Hòa Nhơn tạm ứng cho xã viên có cái ăn trong mấy ngày Tết.

Ông Lai đặt ly nước xuống bàn, mắt như nhìn vào khoảng không nào đó: Chừ Tết lại đến, dân Hòa Nhơn nói riêng, cả huyện nói chung mô còn lo đói nữa. Rứa mà…

2. Lúc đó, đường từ ngã ba Cây Thông chạy lên HTX còn gọi là đường công hương, chật hẹp, trơn trượt. Ông Lai thấy chủ nhiệm của mình chạy chiếc Honda 67 lên, bị “đo đất” mấy lần vì đường mùa mưa trơn như mỡ. Họp các đội, chủ nhiệm bàn anh em làm đường giao thông nông thôn: Đường sá như huyết mạch, làm kinh tế nông nghiệp mà đường sá kiểu ni thì làm răng mà cất cánh cho được.
Nói là làm. Việc đầu tiên là làm đường, xây cầu.

Nhận thấy sự thông thương giữa hai bờ Khe Ngang quá bất tiện, Ban Quản lý HTX lên kế hoạch làm cầu mới, vừa giải quyết cho dân đi lại thuận lợi, vừa đưa được vật liệu lên làm hồ chứa Trước Đông lấy nước tưới tiêu. Ông Nguyễn Bá Thanh quen biết nhiều, nhờ mỗi nơi giúp một việc: Xưởng đóng tàu (nay thuộc Công ty Sông Thu), bộ đội Tên lửa đóng ở Phước Tường, Công ty Thủy sản, Công ty Dệt may 29-3… Bà con xã viên hăng hái làm ngày làm đêm, vừa mở đường vừa làm cầu, chỉ chưa tới 4 tháng đã xong tất cả.

Ông Nhựt sẵn có nghề vẽ trong tay, những đêm trăng, ông tới hiện trường phác họa cảnh xã viên làm cầu. Về, ông vẽ tất cả 21 bức tranh, sau khi hoàn thành cầu, gửi tặng cho các sở, ban, ngành của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ). Trong mỗi bức tranh đều có ghi 4 câu thơ của chủ nhiệm HTX: “Công trình nhộn nhịp đêm trăng/ Niềm mơ ước đó phải chăng lâu rồi?/ Gian nan song rất yêu đời/ Không ai ngăn nổi sức người đi lên”.

Năm ngoái, ông Nhựt nhờ họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ vẽ lại cảnh đêm trăng làm cầu bằng sơn dầu trên vải khổ lớn theo gợi ý của mình. Bức tranh có hai bản, ghi 4 câu thơ cũ, ông Nhựt giữ lại một bản, bản kia dành tặng người chủ nhiệm HTX một thời của mình để ghi dấu kỷ niệm khó phai.

Ông Nhựt đưa chúng tôi vào phòng khách, nơi treo bức tranh kỷ niệm, giọng buồn buồn: “Anh Thanh nhìn tranh, hình dung ra không khí làm việc khẩn trương, nhiệt huyết của mọi người ngày đó mà xúc động lắm. Ảnh nói, đi mô rồi ảnh cũng không quên được tình cảm của bà con HTX 3 Hòa Nhơn dành cho ảnh. Rứa mà…”.

3. Trong mắt xã viên HTX 3 Hòa Nhơn, chủ nhiệm của mình ngày đó là người hòa nhã, gần gũi với mọi người.

Lần đó trạm bơm Túy Loan gần cầu Giăng có kế hoạch đưa nước tưới tiêu về thôn Phước Hưng bằng kênh thủy lợi. Chủ nhiệm cho rằng việc này sẽ thành công, cánh đồng Phước Hưng sẽ không “khát” nước nữa. Nhưng ông Lai, người Phước Hưng, đọc câu ca dân gian “Bon bước nước chảy qua đèo/ Bà già lật đật mua heo cưới chồng” với ngầm ý cho rằng việc đưa nước về Phước Hưng là không hiện thực như chuyện bà già cưới chồng. Mỗi người một ý, không ai chịu ai. Cuối cùng đi đến cá độ: Hễ ai thua thì người đó phải “chung” cho người kia 20 cây kem cắt - loại kem bán dạo bằng xe đạp phổ biến lúc đó.

Trạm bơm xả nước, lúc đó mương chưa được bê-tông hóa nên nước chảy tới đầu thôn Phước Hưng thì khựng lại, quyết không tiến thêm xăng-ti-mét nào nữa. Chủ nhiệm cười xòa: Chà, rứa là mất 20 cây kem cho cái ông làm phó ban định mức ni rồi. Chủ nhiệm người Hòa Tiến thì làm răng sâu sát bằng cái ông địa phương ni hỉ?

Sau cái vụ nước non này, chủ nhiệm quyết tâm làm cái hồ chứa nước Trước Đông. Một ngọn núi nơi đây chia ra thành 5 cái hố, dân gian gọi là núi Năm Hố, bà con xã viên đắp đập ngăn hố, gom nước hết lại thành hồ chứa đến 2,5 triệu m3 nước. Ông Nguyễn Tường, trưởng thôn Trước Đông cho biết đến nay hồ nước này vẫn thừa sức tưới cho 115ha đất trên địa bàn HTX.

Trở lại chuyện “cá độ” giữa chủ nhiệm và phó ban định mức HTX. Sau đó, khi làm kế hoạch thi công đào máng đặt máy bơm cứu hạn cho đồng Phước Hưng, ông Lai đưa ra định mức khoán 5 công, lúc này mỗi ngày công đã được 5 lạng lúa, vị chi là 2,5kg lúa. Chủ nhiệm thấy thế, khoát tay: Tính chi nhiều dữ rứa, chỉ cần 1 - 2 công là xong ngay. Nếu tui làm ít hơn định mức thì ông phải trả lúa cho tui đó nghe?

Nói xong, chủ nhiệm rủ ông Bùi Hữu Ký, trưởng ban Kế hoạch HTX, cả hai người đào cật lực chỉ mất đúng… một công!

Ông Lai dừng lại một lát, trầm ngâm: Hơn 30 năm rồi, tui vẫn chưa trả nợ 2,5kg lúa cho ảnh. Rứa mà…

4. Vợ ông Nhựt, bà Bùi Thị Hương, sắp sửa đi chợ, nghe chúng tôi chuyện trò, mạn phép chen vô một ý. Bà kể, có lần bà đi gặt, thấy có mấy người nghèo xuống ruộng mót lúa, bị ban kiểm soát HTX đẩy đuổi. Lúc đó, ông chủ nhiệm đi qua, thấy thế liền gọi họ lại, phát cho mỗi người một nắm lúa. Dân người ta quý mến ông từ những việc nhỏ nhặt như thế.

Dân mến, dân thương, lo chủ nhiệm mình được cái gì hay cái nấy. Nghe tin chủ nhiệm sắp cưới vợ, bà con xã viên góp tiền mua gỗ đóng ngay tại văn phòng HTX một chiếc giường cưới rồi cho chở về Hòa Tiến. Hôm đám cưới, xã viên xuống dọn dẹp, soạn sửa như người nhà. Ông Mười Nhựt lo khâu trang trí, nhà báo Minh Luận bấy giờ phụ trách chuyên mục Mỗi tuần một chuyện rất có tiếng vang trên Đài Phát thanh Đà Nẵng đứng ra làm quản trò. Chừ gọi văn vẻ là MC, nhưng lúc đó gọi quản trò là đúng với tính cách bình dân mà hóm hỉnh, tếu táo mà nghiêm trang của con người nhà báo Minh Luận.

Gần 4 năm làm chủ nhiệm HTX 3 Hòa Nhơn, ông Nguyễn Bá Thanh đã vực dậy đời sống xã viên. “Từ hồi làm chủ nhiệm ổng đã giỏi rồi – bà Hương góp tiếng. Dân nói Tết mọi năm mua 5 - 6 chậu bông, năm ni mua một chậu cho có Tết, chứ không ai còn bụng dạ mô…”.

Theo nhìn nhận của ông Mười Nhựt, nhiều người dân bàn nhau treo cờ rũ để tang cho người chủ nhiệm của mình. Thời mình khó khăn ổng giúp, chừ mình đã khấm khá hơn xưa, chưa làm được chi để tỏ lòng nhớ ơn ổng. Rứa mà…

Trưa 14-2-2015

VĂN THÀNH LÊ

.