Chính trị - Xã hội

Chuyện tổ, chuyện thôn

Nỗi niềm của tổ trưởng

08:14, 04/02/2015 (GMT+7)

“Nếu không nhiệt tình, không yêu công việc và không có tấm lòng vì dân thì sẽ rất khó làm tốt công việc tổ trưởng tổ dân phố (TDP)”.

Đó là tâm sự của ông Nguyễn Hồng Tân, tổ trưởng tổ 6 phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) và cũng là nỗi niềm của hầu hết tổ trưởng TDP mà tôi gặp.

Ông Nguyễn Hồng Tân chia sẻ: TDP của ông đã đi vào ổn định; công tác vận động, tuyên truyền vì thế giảm vất vả. Hồi ông mới tiếp nhận chức vụ tổ trưởng TDP, ở khu dân cư 2B phường An Hải Bắc vốn tồn tại nhiều vấn đề phức tạp: trộm cắp, chích hút ma túy… Trong ký ức của ông Tân vẫn nhớ câu chuyện về một hộ gia đình có người chồng thường xuyên say xỉn.

Những lúc ngấm men, ông này về quậy trong nhà, không chỉ làm gia đình bất ổn mà ảnh hưởng cả bà con lối xóm. “Nhiều đêm đã khuya, ổng nhậu xỉn về là quậy rầm lên. Mình phải đến giải quyết, khuyên bảo ổng giữ gìn trật tự, yên ổn gia đình. Có lần bực mình quá, tôi bảo với ông ấy rằng, hoặc ông im lặng nếu không tôi và ông đánh nhau xem ai thắng, hoặc tôi với ông đi… nhậu tiếp cho “gục” luôn”. Từ vài năm trở lại đây, ông này “lành” tính trở lại, chăm lo làm ăn và rất hòa đồng với xóm giềng.

Cái khó hiện nay mà đa số tổ trưởng TDP vướng phải, đó là việc thu phí đường bộ. Theo ông Tân, công việc thu các khoản đóng góp ở TDP phải có mẹo, linh hoạt: “Tôi không bao giờ đi thu vào ngày rằm, ngày mồng một hay dịp đầu năm. Cứ nhè dịp gần cuối năm, lúc đó ai cũng sủng sỉnh, với lại tâm lý không ai muốn để “nợ” qua năm mới, nên có tiền thì ai cũng đóng cho xong việc”.

Tuy nhiên, cái khó trong thu phí đường bộ mà ông Tân gặp phải, đó là hiện chưa có chế tài rõ ràng trong việc thu khoản phí này. “Mình tuyên truyền, vận động người dân đóng góp đã đành, nhưng gặp người “chướng tính”, bảo không đóng thì cũng chẳng có cơ sở nào để ép hay buộc họ nhận trách nhiệm gì. Cần phải có chế tài cụ thể, hoặc giải thích rõ ràng từ cơ quan chức năng để người dân hiểu và thức hiện đúng chủ trương, chấp  hành nghiêm túc quy định. Đằng này, ra quy định nửa vời thế, chỉ làm khó cho người đi thu (tức tổ trưởng TDP)”, ông Tân nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Cường, tổ trưởng TDP 62 phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) gặp khó trong công tác tuyên truyền một hộ dân chấp hành sinh đẻ có kế hoạch. Ông Cường cho biết, hộ này nghèo lắm, con lại đông, đang tuổi ăn tuổi học nhưng chỉ mỗi tội “ham” đẻ thôi. Cái “bệnh” này cũng xuất phát từ quan niệm “trời sinh thì trời dưỡng” bởi họ là người theo đạo giáo. Tôi đề xuất đưa hộ này vào diện hộ nghèo để hưởng chút ưu đãi nhưng không được chấp thuận vì không chấp hành chủ trương “sinh đẻ có kế hoạch”.

Dẫu vậy, vào dịp Tết, tôi cũng tạo điều kiện để hộ này có cân gạo, gói bột ngọt... Có những khoản đóng góp, tôi cũng đóng thay. Mà họ chẳng băn khoăn hay đòi hỏi vì sao mình không “được” hộ nghèo hay không được nhận quà này, kiểu chấp nhận cuộc sống bình thản. Nhưng là tổ trưởng TDP, sao để họ đói khổ được, chí ít thì không thể bỏ cuộc sống của bà con”, ông Cường chia sẻ.

Cha mẹ gây nhau, con chạy đi kêu bác tổ trưởng; có người… tiểu bậy, dân thấy cũng đi kêu ông tổ trưởng; thiếu gói mì tôm trong đợt hỗ trợ quà, cũng kêu tổ trưởng; có người đổ nước ra đường, dân kêu tổ trưởng “hỏi tội”; thấy người lạ lai vãng vào tổ mình, dân cũng “mật báo” cho tổ trưởng; cuối năm chưa kịp họp dân làm Tất niên xóm, cũng “dí” tổ trưởng... Và cả việc chậm nộp phí lên phường, xã vì người dân chưa đóng kịp, cũng kêu tổ trưởng, trưởng thôn.

Muôn ngàn chuyện lớn nhỏ ở khu dân cư đều phải qua tay tổ trưởng TDP, trưởng thôn giải quyết và nắm bắt. Nhưng mấy ai hiểu hết nỗi niềm của những người làm công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, trong khi bản thân họ ngày ngày vẫn phải kiếm sống, phải lo toan cho gia đình. Nói như ông Nguyễn Hồng Tân, nếu không kiên trì, không vì dân, sự tín trọng của dân thì chẳng mấy ai chịu làm tổ trưởng TDP. Nhưng làm riết rồi thì cũng lắm người yêu “nghề” này.

TRỌNG HUY

.