Chính trị - Xã hội

Cuộc gặp đầu tiên

07:30, 18/02/2015 (GMT+7)

Biết là ngày này rồi cũng sẽ đến nhưng vẫn thấy bất ngờ. Một nỗi đau buồn bao chiếm tâm can. Trong sự tiếc thương này, tôi nhớ lại lần gặp gỡ đầu tiên, xin kể ra đây để tưởng nhớ vị lãnh đạo mà tôi kính trọng.

Tôi gặp ông lần đầu vào cuối năm 2008, lúc tôi quyết định về đầu quân cho Đà Nẵng. Ngày 27-12-2008, tôi được mời đến gặp ông tại trụ sở HĐND thành phố Đà Nẵng. Sau khi chào hỏi, ông hỏi tôi: “Ông nghiên cứu lịch sử à, rứa có biết cái Hải Vân Quan thuộc về nơi mô không?”. Tôi nói: “Dạ, thuộc về Thừa Thiên-Huế”. “Bằng chứng mô?”. Tôi liền dẫn chứng một loạt sử liệu để chứng minh.

Ông hỏi tiếp: “Cứ tạm tin tư liệu của ông đi, nhưng tui hỏi ông là Đà Nẵng giữ Hải Vân Quan hay hơn hay Huế giữ thì hay hơn?”. Tôi chưa kịp trả lời thì ông nói tiếp: “Vậy hòn Sơn Trà con của Đà Nẵng sao Huế lại giữ?”. Tôi nói: “Quả thực là em không biết chuyện này”.

Vậy là ông ngồi kể một hồi về lai lịch tranh chấp hòn Sơn Trà con và Hải Vân Quan giữa Đà Nẵng với Huế rồi bảo: “Của ai cũng là của nước Việt Nam, nhưng bên nào quản lý, khai thác tốt, bảo đảm an ninh quốc phòng, phục vụ tốt kinh tế - xã hội thì nên ủng hộ bên đó giữ”.

Rồi ông hỏi tôi: “Ông mạnh điểm gì? Yếu điểm gì?”. Tôi nói: “Dạ, em chuyên nghiên cứu về bảo tồn, bảo tàng, di sản văn hóa…”. Ông cắt lời: “Tui không hỏi chuyện chuyên môn mà là hỏi về năng lực, tính cách, sở trường, sở đoản của ông”. Tôi nói: “Dạ, năng lực thì em không dám nhận xét nhưng em tự tin trong công việc, nhất là trong chuyên môn của em, và rất chịu khó làm việc, đọc sách, nghiên cứu. Về điểm yếu thì tính em rất nóng và rất hay cãi”.

Ông nói: “Ông cãi hơn người Quảng không mà đòi cãi. Nóng tính thì có nóng bằng tui không?”. Ông nói tiếp: “Có tinh thần phản biện là tốt, nhưng nhớ đừng phản đối. Nhất là với cấp trên. Ông cũng nên nhớ là không phải lãnh đạo nào cũng có thể hiểu ngay những đề xuất, kiến nghị của mấy người nghiên cứu, vì họ không phải là nhà nghiên cứu, là tiến sĩ như ông.

Vì thế họ có thể không quan tâm hoặc phản đối ý tưởng của ông. Nhưng không vì thế mà ông chê họ kém và bất mãn vì họ bỏ ngoài tai đề nghị của ông. Cái chi ông nghiên cứu tâm huyết, thấy hay và có ích thì cứ đề xuất với lãnh đạo và tìm cách thuyết phục lãnh đạo nghe ý kiến của mình. Nói một lần họ không nghe thì nói nhiều lần. Nói ở cơ quan không xong thì tới nhà nói...”.

Tôi cắt ngang lời ông: “Nhưng em không tới nhà lãnh đạo bao giờ cả, vì sợ người ta hiểu nhầm em nịnh nọt lãnh đạo”. Ông nói: “Đó, đó. Chưa nghe xong mà đã cãi. Nếu mình tới nhà lãnh đạo vì việc chung thì cứ tới, ngày tới không gặp thì đêm tới. Lần này họ không tiếp thì lần sau tới lại. Làm sao cho lãnh đạo hiểu mới là thành công, chứ mới nói một vài câu họ chưa thông mà đã nản thì không ra chi”.

Rồi ông kể cho tôi nghe chuyện ông 5 lần xin gặp Trung tướng Phan Hoan, Tư lệnh Quân khu 5, để xin Quân khu nhường đất để mở rộng đường Núi Thành và đường Duy Tân. Lúc đầu tướng Phan Hoan không chịu tiếp, ông phải đăng ký mấy lần mới được gặp và sau quá trình thuyết phục cam go thì Trung tướng Phan Hoan mới đồng ý với kiến nghị của ông để đề xuất Bộ Quốc phòng cho phép Quân khu 5 nhường cho Đà Nẵng một ít đất để mở rộng hai tuyến đường này.

Ông nói: “Lúc đầu gay go lắm, nhưng tui cứ xin gặp ổng mãi, giải thích mãi, cuối cùng ổng cũng đồng ý, cho nên chỗ đó bây giờ mới khang trang như rứa. Đó! Mình chân thành và kiên trì thì người ta đâu quay lưng với mình. Ông còn trẻ, nên bỏ cái tính sĩ diện đó đi thì mới làm được việc lớn”.

Ông hỏi tôi: “Ông định làm gì khi về Viện (Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH Đà Nẵng, nơi tôi đang làm việc hiện nay)?”. Tôi nói: “Dạ em có sở trường về nghiên cứu văn hóa, lịch sử, bảo tàng. Lĩnh vực này em thấy Đà Nẵng còn nhiều đất trống nên em nghĩ em có thể phát huy?”. Ông dặn tôi nên để tâm nghiên cứu văn hóa xứ Quảng và thử tìm xem một mô hình nào đó để phát triển du lịch ở nông thôn huyện Hòa Vang.

Rồi ông nói tiếp: “Thực ra Đà Nẵng với Huế không có chi mâu thuẫn cả. Chẳng qua là do ngày xưa Huế là kinh đô, dân Quảng phải ra Huế học, còn dân Huế thì vô Quảng làm quan nên hai bên có vẻ xa cách. Dân Huế nghĩ mình là tầng lớp trên, dân Quảng thì có chút tự ti vì điều kiện học hành không bằng dân Huế. Từ đó mà sinh ra chuyện không thích nhau. Nhưng đó là chuyện ngày xưa chứ bây giờ khác trước nhiều rồi. Đà Nẵng bây giờ cũng là một trung tâm giáo dục và văn hóa. Người Đà Nẵng hay người Quảng nói chung bây giờ học hành, thành đạt nhiều nên không còn tự ti, tự ái với Huế như trước nữa.

Ông ngẫm coi tui nói đúng không? Tui đã tổ chức giải đá banh với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế, mời ông Mãn (ông Hồ Xuân Mãn, lúc đó là Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế) đem quân vô đây đá giao hữu. Chơi vài trận banh là hiểu nhau thôi. Mai mốt tui tính đưa đội tennis của Đà Nẵng ra Huế giao lưu với đội của ông Mãn”. Chia tay, ông vỗ vai tôi nói tiếp: “Về sửa cái tính bộp chộp và sĩ diện đi nghe. Với lại phải nhớ là phản biện thì được mà phản đối là không được với tui mô”.

Đó là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với ông Nguyễn Bá Thanh, người đã tạo cho tôi một cảm giác dung dị và gần gũi nhưng cũng đầy “dọa dẫm”, khiến tôi vừa phục, vừa lo: “Không biết sau này sẽ phải làm việc thế nào dưới quyền của một vị lãnh đạo “ăn to nói lớn” mà sâu sát như ông Nguyễn Bá Thanh đây?”.

Sau này tôi còn được gặp và làm việc với ông Nguyễn Bá Thanh thêm mấy lần nữa, kể cả khi ông đã ra Hà Nội giữ chức Trưởng ban Nội chính Trung ương. Lần nào ông cũng chỉ đạo ngắn gọn, sâu sát, chí lý, chí tình. Cứ nghĩ sẽ còn được nghe ông chỉ giáo dài dài, với những việc lớn lao hơn. Vậy mà…!

Kính cẩn vĩnh biệt Ông!

TRẦN ĐỨC ANH SƠN

.