Chính trị - Xã hội

Ký ức không phai

07:28, 18/02/2015 (GMT+7)

ĐNĐT - Ở thành phố Đà Nẵng, với anh Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương, nguyên Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng, người đã gặp và cả những người chưa một lần gặp mặt tất thảy đều có cảm tình đặc biệt.

Chẳng thế mà, khi hay tin anh bị bệnh hiểm nghèo ai nấy đều cầu mong cho anh chóng lành bệnh để cống hiến nhiều hơn nữa cho nước, cho dân. Và khi anh nằm xuống, mọi người đều nghẹn ngào đau xót, thương tiếc như người thân ruột thịt của mình.

Tôi thuộc thế hệ anh và kém anh 1 tuổi. Là người lính nhập ngũ trước ngày miền Nam giải phóng, cùng thế hệ với nhau nên mỗi khi tiếp xúc với anh tôi khá tự nhiên. Qua những lần gặp và trò chuyện với anh, tôi càng hiểu hơn sự khó khăn của người đứng mũi chịu sào cầm lái con tàu Đà Nẵng vươn ra biển lớn và tấm lòng của anh đối với mọi người, nhất là bà con các xã miền núi Hòa Vang.

Với người dân Đà Nẵng, cầu Sông Hàn đưa vào sử dụng là sự kiện trọng đại, tạo bước đột phá về phát triển đô thị ở khu vực phía Đông. Chủ trương nối nhịp 2 bờ bằng cây cầu bê-tông cốt thép vĩnh cữu là chủ trương đúng đắn và táo bạo của lãnh đạo thành phố. Thế nhưng, liệu mấy ai biết được rằng để có công trình mang tầm thế kỷ này của Đà Nẵng, anh Nguyễn Bá Thanh đã phải lao tâm khổ tứ biết chừng nào.

Chả là hồi đó, khi đề ra chủ trương xây dựng cầu trong điều kiện kinh tế hết sức khó khăn, không phải ai cũng đồng tình ủng hộ, thậm chí nhiều kẻ phản đối quyết liệt, rắp tâm phá hoại. Tôi biết được điều này qua lời  tâm sự chân tình của anh tại buổi họp giải quyết vướng mắc về cung ứng dầu cho hoạt động sản xuất của thành phố sau khi cầu Sông Hàn đưa vào sử dụng vài tháng.

Dạo đó, trong thời gian anh Thanh đi họp ở Hà Nội, lấy lý do không thể vận chuyển xăng dầu lên kho bên đường 2 Tháng 9 (đường Tiểu La cũ), các hoạt động sản xuất ở Đà Nẵng bị đình trệ. Thực ra, sự cố này do một số người không đồng tình với chủ trương xây dựng cầu Sông Hàn gây nên nhằm làm mất uy tín anh Thanh. Hơn 7 giờ buổi họp đã đông đủ thành phần. Là phóng viên Báo Đà Nẵng, tôi được cử tham dự theo dõi đưa tin.

Chủ trì buổi họp hôm đó là Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Bá Thanh. Nhưng do từ Hà Nội bay vào nên ai nấy được thông báo 9 giờ anh Thanh mới có mặt. Thế là gần 2 tiếng đồng hồ, hội trường họp chẳng khác nào cái chợ. Người ta thao thao bất tuyệt đủ điều, không ít người chẳng hề giấu giếm sự phê phán chủ trương của thành phố về xây dựng cầu Sông Hàn dẫn đến khó khăn trong cung cấp xăng dầu cho sản xuất.

Đúng 9 giờ, anh Thanh xuất hiện. Tất cả hội trường im bặt. Như biết trước sự việc diễn ra trước đó, vừa ngồi xuống, anh đã lên tiếng. “Nói đi, mọi người hãy nói đi. Tôi biết, lúc nãy đến giờ ai nấy nói hăng lắm. Tôi sẵn sàng ngồi nghe mọi người nói đây”. Quan sát hết lượt, tôi thấy những người lúc nãy mạnh mồm nhất ngồi im thin thít, không dám ngẩng mặt nhìn lên.

Hồi lâu, thấy không có ai lên tiếng, với giọng trầm ấm, anh Thanh như thôi miên mọi người bằng lối kể chuyện rất cuốn hút của mình. Anh kể về sự gian nan vất vả trong thực hiện chủ trương xây dựng cầu Sông Hàn, nếu anh không quyết liệt, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có lẽ công trình này khó thành hiện thực.

Rồi anh kể về âm mưu chống phá của một số người. “Có đêm ruột gan cồn cào không thể nào chợp mắt nổi. Khoảng 2 giờ sáng trở dậy, tôi bảo lái xe chở đến cơ quan. Gọi thêm trợ lý và mấy người bên công an, chúng tôi xuống một chiếc ca-nô chạy ra trụ cầu chính, nơi hàng chục công nhân đang làm việc.

Lúc đó, súng ngắn đã cầm chắc trong tay, nói thật, chỉ cần phát hiện có biểu hiện bất thường là tôi nổ súng ngay. Biết đâu kẻ xấu hãm hại tôi bằng cách ném mìn vào khung thép chắn nước gây sập làm chết những người đang làm việc phía trong. Tình huống này rất có thể xảy ra. Đêm trên sông Hàn đen kịt như vậy, kẻ xấu rất dễ thực hiện hành động đen tối của chúng. Không cảnh giác có khi hối không kịp. Chạy đi chạy lại mấy vòng trên sông, thấy mọi việc diễn ra bình thường, chúng tôi mới yên tâm trở về...”. Vị Chủ tịch UBND thành phố như móc hết gan ruột của mình khi nói về điều đáng lẽ không bao giờ phải nói.

Thế rồi, qua câu chuyện anh kể ai nấy đều cảm động. Có lẽ vì vậy mà buổi họp giải quyết vướng mắc về việc đóng mở cầu Sông Hàn để tàu chở dầu lưu thông lên đoạn thượng lưu cấp dầu đến kho diễn ra rất thuận lợi và chóng vánh.

Khoảng giữa năm 2000, anh có chuyến ngược núi làm việc với 2 xã Hòa Bắc, Hòa Liên (huyện Hòa Vang). Tôi được cơ quan cử đi theo lấy thông tin để viết bài. Do chiều làm việc tiếp tại xã Hòa Liên, trưa hôm đó, xã Hòa Bắc có bữa cơm mời anh Thanh và đoàn cùng đi. Bữa cơm được tổ chức tại nhà anh Lực, cán bộ phụ trách mảng xóa đói giảm nghèo của xã.

Hồi đó xã Hòa Bắc rất nghèo. Bữa cơm đạm bạc được dọn trên mấy chiếc bàn của quán khá đơn sơ. Duy chỉ có món cá sông là khá ấn tượng. Khi vừa ngồi xuống, ngó khắp lượt không thấy đồ uống, anh Thanh hỏi như để xóa tan không khí trầm lắng: “Thế không có bia à?”.

Được lời như cởi tấm lòng, khi đó, ông Hồ Phú Nhất, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc mới gọi chủ quán bê ra thùng bia. Chả là, trước đó, ai nấy đều sợ Chủ tịch UBND thành phố phê bình dùng bia rượu nên không dám đưa ra. Bữa cơm thật ấm cúng. Vừa ăn anh Thanh vừa trò chuyện với mọi người rất thân tình, thỉnh thoảng anh còn pha trò nữa.

Ăn uống xong ai nấy tìm chỗ nghỉ trưa. Sau khi ghé thăm vài ba nhà dân gần đó, hình như ngại làm phiền đến các gia đình này, anh Thanh nhanh chóng chia tay họ rồi bước tới gốc cây ngồi nghỉ. Thấy anh ngồi một mình tôi đến bắt chuyện. Đã gặp anh vài ba lần trước đó, tôi và anh chuyện trò khá cởi mở. Một chặp, có người mắc võng chéo qua 2 gốc cây, mời anh nằm nghỉ trưa, tôi xin phép đi ra chỗ khác. Trưa hôm đó, các thành viên trong đoàn và bà con xóm nhỏ gần trụ sở UBND xã Hòa Bắc không ai nghỉ. Nhiều người đứng từ xa nhìn anh Thanh nằm trên võng nghỉ trưa tại thôn xóm họ, không khỏi xúc động.  Với tôi, tôi có cảm tình đặc biệt với anh từ hôm đó. Là vị lãnh đạo cao nhất của thành phố lớn mà anh rất giản dị, gần gũi với nhân dân.  

Chiều hôm đó, đoàn về làm việc tại xã Hòa Liên. Khi đến trụ sở xã này, toàn Đảng bộ đang nghe phổ biến nghị quyết. Hội trường đông chật người. Phòng làm việc của Bí thư Đảng ủy xã sát đó không có ai. Trong thời gian chờ người đón tiếp, anh Thanh đứng phía sau theo dõi buổi phổ biến nghị quyết của Đảng bộ xã khá lâu. Khi thấy nhiều người chẳng hề tập trung nghe, thậm chí mấy người phụ nữ lớn tuổi tụm đầu trò chuyện, bỏm bẻm nhai trầu, thỉnh thoảng chạy đến góc hội trường nhổ nước trầu, anh Thanh rất buồn.

Khi lãnh đạo xã tiếp đoàn, câu đầu tiên anh Thanh nhắn nhủ với Bí thư Đảng ủy xã Hòa Liên là nếu xét thấy ai không tâm huyết với Đảng nữa, hoặc già cả sức yếu thì cho họ nghỉ sinh hoạt Đảng, chứ nghe  phổ biến nghị quyết mà nhiều người không hề quan tâm, mấy bà lớn tuổi ăn trầu nhổ nước bẩn cả hội trường như vậy, thì nghỉ còn hơn.

Tại buổi làm việc anh Thanh còn chỉ ra  nhiều hạn chế trong phát triển kinh tế-xã hội và giải quyết thỏa đáng nhiều kiến nghị của địa phương. Sau chuyến đi đó, anh quyết định hỗ trợ cho 4 xã miền núi và xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, mỗi  xã 200 triệu đồng/năm, kéo dài trong nhiều năm. Từ sự quan tâm hỗ trợ kịp thời này các xã miền núi Hòa Vang có bước đột phá trong xóa đói giảm nghèo.

Với bất cứ người Đà Nẵng nào, ký ức về vị nguyên Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh, kể nhiều ngày không hết, mà toàn là dấu ấn rất đậm nét không phai trong tâm trí. Trong đó sâu đậm nhất là bà con xóm nhà chồ dọc phía đông sông Hàn, những chị em đơn thân nghèo khó, bà con làng Vân, những người hành nghề xe thồ,  anh chị em ở Công ty Môi trường đô thị, bà con khu vực Cồn Dầu, phường Hòa Xuân (quận Cẩm lệ), những thiếu niên hư chậm tiến, những người trở về từ các trại giam...  

Ai nấy đều ghi tạc công ơn của anh, người có công rất lớn khi biến thành phố nhỏ, cơ sở hạ tầng khá nghèo nàn bên sông Hàn mấy chục năm trước thành đô thị tầm cỡ khu vực. Chính anh đã làm đổi thay biết bao thân phận con người từ nghèo đói thành khá giả, được học hành đến nơi đến chốn, có việc làm thu nhập ổn định.

Nhân dân Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung mãi mãi biết ơn anh và mãi nhớ về anh, một con người luôn chăm lo cho cuộc sống của mọi người. Xin kính cẩn nghiêng mình đưa tiễn anh về với tổ tiên và cầu mong anh siêu thoát.

NGUYỄN CẦU

.