Chính trị - Xã hội
Ghi mãi chiến công R20
Tiểu đoàn R20 ra đời trong giai đoạn cách mạng miền Nam đang trên đà thắng lợi, chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ-ngụy bị phá sản, buộc chúng phải thay đổi bằng chiến lược chiến tranh cục bộ, đưa quân Mỹ và chư hầu vào xâm lược miền Nam Việt Nam hòng cứu nguy cho chế độ Sài Gòn khỏi bị sụp đổ, đẩy chiến tranh lên một nấc thang mới, nguy hiểm hơn, làm thay đổi so sánh tương quan lực lượng.
Do đó, việc thành lập Tiểu đoàn bộ binh R20 đánh dấu một bước trưởng thành của các lực lượng vũ trang nhân dân Quảng Đà, đáp ứng yêu cầu chiến đấu đánh bại hoàn toàn chiến lược chiến tranh đặc biệt và sẵn sàng bước vào giai đoạn đánh Mỹ, thắng Mỹ.
Đêm 19-5-1965, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại bãi cát nằm trên bờ sông Thu Bồn, giữa hai thôn Quảng Đợi, xã Lộc Phước (xã Đại Cường ngày nay) và thôn Giảng Hòa, xã Lộc Quý (xã Đại Thắng ngày nay). Tỉnh ủy, Bộ Chỉ huy Tỉnh đội Quảng Đà tổ chức lễ thành lập và tuyên thệ xuất quân Tiểu đoàn bộ binh, đứa con đầu tiên của lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Đà (mang mật danh R20). Đồng chí Trần Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy (nguyên Trưởng Ban quân sự tỉnh); đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Tỉnh đội trưởng đến dự.
Trong không khí trang nghiêm, hơn 650 cán bộ, chiến sĩ đội ngũ chỉnh tề, trang bị vũ khí đầy đủ, sắp xếp theo từng đại đội, đứng đầu là các đồng chí chỉ huy đã từng xông pha trận mạc trong kháng chiến chống Pháp và tiếp tục chiến đấu với bọn Mỹ-ngụy. Tiêu biểu là các đồng chí chỉ huy cốt cán: Lại Nam Dương, Nguyễn Xuân Mua, Nguyễn Xuân Quang, Trần Tiến, Huỳnh Hồng, Đặng Văn Chi, Lê Dũng Tiến, Nguyễn Chí Sa, Nguyễn Văn Dung.
Ban Chỉ huy Tiểu đoàn gồm có: Đồng chí Võ Xuân Lâm, quyền Tiểu đoàn trưởng; đồng chí Trần Sinh, Chủ nhiệm chính trị Tỉnh đội kiêm Chính trị viên trưởng, Bí thư Đảng ủy tiểu đoàn; đồng chí Nguyễn Chí Sa, Tham mưu trưởng tiểu đoàn.
Chất lượng mọi mặt của tiểu đoàn tương đối cao, trong đó có 50 đảng viên, 350 đoàn viên, trình độ kỹ thuật, chiến thuật được huấn luyện chu đáo, cán bộ, chiến sĩ phần lớn sinh ra trên mảnh đất Quảng Đà nên quen thuộc địa hình, có khả năng cơ động, thọc sâu đánh địch cả trong và ngoài công sự. Trang bị vũ khí, đạn dược cũng tương đối khá hơn các đơn vị, nhưng chủ yếu là súng K44, K50 của các nước xã hội chủ nghĩa và tiểu liên, súng trường của Pháp, Đức, Mỹ.
Trải qua 10 năm xây dựng, chiến đấu (1965-1975), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy (sau là Đặc khu ủy Quảng Đà) và Ban Chỉ huy Tỉnh đội (sau là Bộ Tư lệnh Mặt trận 4 Quảng Đà), sự chi viện, giúp đỡ của các đơn vị, địa phương và sự đùm bọc, nuôi dưỡng của nhân dân trên khắp các địa bàn của tỉnh, Tiểu đoàn R20 đã có những bước trưởng thành vượt bậc, liên tục cơ động chiến đấu lập nhiều chiến công xuất sắc ở Văn Quật, Kiểm Bền, Xuân Diệm, Bồ Mưng, cầu Ông Nở, cây Da Lý, Xuyên Thanh, Gò Nổi, Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 ngụy, Non Nước, Vĩnh Điện, Nam Phước, Đức Dục, Đá Đen, Gò Phan, Gò Hà… Những chiến công đó góp phần đánh bại các âm mưu, thủ đoạn chiến thuật, chiến dịch và chiến lược chiến tranh của Mỹ-ngụy, xây dựng truyền thống “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”.
Với những chiến công đó, Tiểu đoàn được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu đơn vị “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” tháng 12-1973. Cùng với đó, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho các cá nhân: liệt sĩ Võ Xuân Lâm, Tiểu đoàn trưởng “ra quân là chiến thắng”; Phan Hành Sơn, Đại đội trưởng được mệnh danh “người tung hoành trên núi Ngũ Hành Sơn”; liệt sĩ Huỳnh Dạng, Trung đội trưởng, với quyết tâm thề quyết tử để tiêu diệt cứ điểm Gò Hà do quân Mỹ chiếm đóng, mở ra một chương mới “dám đánh Mỹ và thắng Mỹ”; Thiếu tướng Nguyễn Văn Trí, Tiểu đoàn trưởng “Quyết tâm bám trụ chiến trường đến cùng”.
Từ cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn, nhiều đồng chí được phong cấp tướng như: Thiếu tướng Nguyễn Văn Trí, Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ - Bộ Tổng tham mưu; Trung tướng Nguyễn Văn Thảng, nguyên Chính ủy Quân khu 5; Thiếu tướng Trần Minh Hùng, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5; Trung tướng Nguyễn Thành Đức, nguyên Chính ủy Quân khu 5.
Lịch sử và chúng ta cũng không thể quên sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đầu xuân 1968, tiểu đoàn được bổ sung đại đội đặc công cơ giới là những cán bộ, chiến sĩ con em đồng bào miền Bắc ruột thịt vào Nam chiến đấu chia lửa trên mảnh đất Quảng Đà, nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh góp phần tô thắm truyền thống của Tiểu đoàn R20 anh hùng.
Lịch sử đã sang trang nhưng dấu ấn chiến công của Tiểu đoàn R20 còn in đậm trong lòng người dân đất Quảng. Chiến công Văn Quật còn đó, Gò Hà còn đây, hai lần tổng tiến công vào Đà Nẵng đầu xuân 1968 và xuân 1975; những trận đánh Xuyên Thanh, Gò Nổi, Non Nước, Vĩnh Điện, chống càn Vùng B Đại Lộc. Có thể nói rằng bất cứ ở đâu trên mảnh đất Quảng Đà đều ghi đậm chiến công của tiểu đoàn làm cho Mỹ-ngụy phải khiếp sợ.
Có những chiến công ấy, chúng ta nghiêng mình tưởng nhớ đến hàng nghìn đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh, chúng ta biết ơn đồng bào các quận, huyện trên mảnh đất Quảng Đà đã đùm bọc, chở che. Máu của đồng bào, chiến sĩ đã tô thắm nền độc lập tự do của Tổ quốc, luôn sống mãi với thời gian, là niềm tự hào của người lính R20.
Đại tá Lại Nam Dương
Nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng, nguyên Tiểu đoàn trưởng R20 Quảng Đà