Chính trị - Xã hội
Truyền thông dân số ở Hòa Vang
Cứ mỗi dịp triển khai chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) và thực hiện kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), các xã của huyện Hòa Vang lại rộn ràng như ngày hội.
Cộng tác viên dân số tham gia một chiến dịch truyền thông. |
Nhiều hình thức truyền thông được thực hiện như: cấp phát tài liệu, tổ chức các buổi nói chuyện truyền thông, các loại khẩu hiệu và tranh cổ động chuyển tải thông điệp đến cộng đồng dân cư… thu hút đông đảo người dân hưởng ứng; qua đó góp phần chuyển tải đến bà con thông tin, thông điệp về SKSS và KHHGĐ một cách sinh động, cụ thể, thiết thực nhất.
Nhờ vậy, tính đến ngày 30-4 vừa qua, toàn huyện đã thu hút 5.500 đối tượng thực hiện gói dịch vụ KHHGĐ, đạt 103% chỉ tiêu; gói phòng chống viêm nhiễm đường sinh sản đạt trên 100% chỉ tiêu. Điểm mới trong chiến dịch lần này là cộng tác viên dân số ở các xã đã khảo sát, lập danh sách các nhóm đối tượng có 2 con chưa thực hiện KHHGĐ, đặc biệt chú trọng tư vấn đối tượng sinh con một bề và tổ chức tuyên truyền, tư vấn nhóm, tư vấn tại hộ gia đình.
Ngoài ra, Hòa Vang còn tăng cường tuyên truyền việc chọn lựa giới tính khi sinh, hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh, lợi ích khi tham gia sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Trạm y tế xã cung cấp dịch vụ KHHGĐ và phân công cụ thể cán bộ phụ trách từng công việc để tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng thực hiện.
Để chiến dịch truyền thông đạt kết quả cao, tất cả các xã đã huy động lực lượng cộng tác viên dân số đến từng nhà, gặp từng đối tượng, vận động anh chị em tham gia để được cung cấp nhiều dịch vụ chăm sóc SKSS hiện đại. Chị Lê Thị Lan (tổ 1, thôn Phú Túc, xã Hòa Phú) cho biết: “Nhờ cộng tác viên dân số đến trò chuyện, tư vấn, tôi quan tâm vấn đề SKSS hơn trước. Vợ chồng tôi sinh con một bề nên trong chiến dịch lần này, tôi đến Trạm y tế đặt vòng tránh thai lâu dài, từ đó vợ chồng an tâm làm ăn, ổn định kinh tế gia đình. Cán bộ y tế tư vấn tôi phải thường xuyên thăm khám phụ khoa định kỳ, vì nếu mắc bệnh mà không điều trị kịp thời, để lâu sẽ ảnh hưởng sức khỏe, nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm tính mạng”.
Anh Lê Bá Cường, cộng tác viên dân số thôn Phú Túc, vui vẻ nói: “Bên cạnh tăng cường tuyên truyền giúp chị em lựa chọn các biện pháp tránh thai phù hợp để xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, tôi còn tranh thủ lồng ghép giới thiệu nhiều nội dung các đề án như: kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, lợi ích khi tham gia sàng lọc trước sinh và sơ sinh, chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng giống nòi. Cách thức tuyên truyền nhờ vào biện pháp mưa dầm thấm lâu, mỗi ngày nói một ít, dần dà chị em hiểu được lợi ích thiết thực của việc chăm sóc SKSS. Trong chiến dịch truyền thông dân số đợt 1-2015, tôi đã vận động được một đối tượng triệt sản và 3 đối tượng cấy tránh thai”.
Qua truyền thông, nhận thức và hành vi về dân số, chăm sóc SKSS của người dân Hòa Vang có sự chuyển biến rõ rệt hơn, người dân đã tự nguyện sử dụng các biện pháp KHHGĐ. Nhiều người tán thành và tích cực thực hiện việc sinh ít con, sinh thưa để có điều kiện chăm sóc và nuôi dạy con tốt hơn. Đặc biệt, phụ nữ đã xóa bỏ được tâm lý e ngại khi thực hiện các gói dịch vụ trong ngày chiến dịch, chủ động tham gia và có hiểu biết tốt hơn về công tác dân số, chăm sóc SKSS và thực hiện KHHGĐ.
Với nhiều cách làm hay, sáng tạo, chiến dịch truyền thông dân số đã thu hút đông đảo người dân tham gia và hưởng ứng nhiệt tình. Từ đó, tạo tiền đề cho việc thực hiện hiệu quả các mục tiêu của chiến lược dân số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống, thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Hòa Vang.
Bài và ảnh: MAI HOA