Chính trị - Xã hội

Không thể quên một phần biển, đảo đang bị chiếm đóng trái phép

09:21, 24/03/2016 (GMT+7)

Sáng 23-3, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) làm việc tại tổ để thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của QH, các cơ quan của QH; Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Chánh án TAND Tối cao; Viện trưởng Viện KSND Tối cao; Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Qua thảo luận, cơ bản các ý kiến thống nhất với nhiều nội dung trong các báo cáo tổng kết. Các ý kiến đánh giá các bản báo cáo của cơ quan Nhà nước, QH và Chính phủ đã nghiêm túc, thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế, yếu kém, nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém và các bài học kinh nghiệm.

Chưa có thêm quyết sách quyết tâm bảo vệ chủ quyền

Thảo luận về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ QH, ĐB Võ Thị Dung cho rằng, 5 năm qua nổi lên vấn đề chủ quyền đất nước. “Đáng tiếc là chưa có thêm quyết sách, quyết định công bố trước toàn dân về quyết tâm bảo vệ chủ quyền, nhất là trong thời điểm nhiều thách thức. Nếu làm được vậy thì nhân dân, cử tri cả nước sẽ hài lòng hơn với QH”, ĐB Võ Thị Dung bày tỏ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Trần Đình Long cũng nói rằng, chúng ta thường xuyên khẳng định giữ vững độc lập chủ quyền nhưng không thể quên một phần biển đảo đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép bằng vũ lực, rồi việc Trung Quốc lấn chiếm khu vực Trường Sa, hằng ngày ngư dân bị xua đuổi. ĐB Trần Đình Long nêu vấn đề: Vừa qua, Mỹ và một số nước có nghị quyết liên quan đến Biển Đông, nhưng “chúng ta lại không có nghị quyết chính thức về Trường Sa, Hoàng Sa”.

ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hóa) cũng cho biết, nhiều cử tri băn khoăn về vấn đề nêu trên và “mong muốn có một tiếng nói mạnh mẽ thể hiện ý chí của dân tộc”. Theo ĐB, QH nhiệm kỳ này đã hoàn thành một khối lượng công việc lớn, với khoảng 107 đạo luật đã và đang được xây dựng. Bài học rút ra ở đây “lợi ích của nhân dân phải là cái gốc của mọi đạo luật”.

Trong khi đó, nhận xét về báo cáo của QH, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa cho rằng, cơ quan quyền lực chưa nghiêm. Không phủ nhận thành tích đề cập trong các báo cáo, song ĐB Huỳnh Nghĩa muốn dành thời gian để nói về “những điều chưa làm được”.

Theo Phó chủ nhiệm Văn phòng QH Thân Đức Nam, cần có cơ chế và điều kiện để nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu chuyên trách, nhất là việc xây dựng luật và giám sát chuyên đề.

Chưa thống nhất tăng độ tuổi trẻ em lên 18

Chiều 23-3, các ĐBQH làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi). Hầu hết các ĐB tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ QH về việc đổi tên Luật hiện hành thành “Luật trẻ em”. Việc đổi tên sẽ phản ánh đầy đủ hơn nội dung và phạm vi của Luật, tương tự như tên của một số luật về đối tượng đặc thù đã được QH thông qua như Luật Thanh niên, Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật.

Về nội dung điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi, ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng, việc điều chỉnh này hoàn toàn phù hợp. ĐB Đinh Xuân Thảo nêu rõ việc điều chỉnh tuổi của trẻ em lên dưới 18 tuổi xuất phát từ lý do sinh học, tâm sinh lý thể chất trẻ em mà y học đã chứng minh sự phát triển hoàn hảo là từ 18 tuổi trở lên, gọi là thành niên.

Tại một số quốc gia đã có quy định người bước sang tuổi 18 là người hoàn toàn độc lập, tự chủ, không chịu sự ràng buộc của cha mẹ. Ở Việt Nam, tuổi thành niên đã được xác định trong Hiến pháp và nhiều luật. Hiến pháp năm 1946 quy định người đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử - đó chính là dấu mốc để xác định tuổi thành niên.

Trái lại, các ĐB Trương Trọng Nghĩa, Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), Hoàng Đức Thắm (Quảng Trị) nhận định không cần thiết phải tăng độ tuổi trẻ em vì như vậy nhóm người ở độ tuổi này sẽ mất đi nhiều quyền lợi.

ĐB Trương Trọng Nghĩa phân tích: Quy luật phát triển của con người nói chung cho thấy đến nay tại nhiều quốc gia, trẻ em ngày càng trưởng thành. Do đó, tuổi trẻ em, đặc biệt là tuổi chịu trách nhiệm hình sự và tuổi chịu trách nhiệm dân sự, có xu hướng trẻ dần.

Nếu quy định từ 16 đến dưới 18 tuổi vẫn là trẻ em sẽ dẫn đến một loạt hành vi dân sự của các thanh thiếu niên ở lứa tuổi này sẽ phải tính toán lại. Như vậy sẽ phải tính toán lại Bộ Luật Hình sự; vấn đề kết hôn; vấn đề giao cấu với trẻ em; vấn đề tội phạm… Điều này đi ngược xu thế chung của các nước.

Nếu nói quy định như vậy không xung đột với các quy định hiện hành là chưa đúng, cần có sự giải trình các xung đột này trước khi thông qua quy định dưới 18 tuổi được coi là trẻ em. “Không cần thiết bắt thanh thiếu niên từ 16-18 tuổi trở về thành thân phận trẻ em, như vậy họ sẽ mất nhiều quyền lợi khác nhau. Nếu muốn chăm sóc cho lứa tuổi từ 16 đến dưới 18, nhóm người ở lứa tuổi này muốn cái gì thì chăm sóc cái đó, không cần thiết phải biến họ thành trẻ em để được chăm sóc”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Thảo luận về quyền và bổn phận của trẻ em, ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), Trần Thị Hiền (Hà Nam), Hoàng Đức Thắm (Quảng Trị) chỉ rõ: Việc dự án Luật quy định quyền trẻ em gồm 25 quyền đã tiến gần đến các nhóm quyền cơ bản quy định tại Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng không phải là liệt kê bao nhiêu quyền mà là cơ chế pháp lý thực hiện quyền đó như thế nào, để quyền trẻ em được tôn trọng và được thực thi trong cuộc sống. ĐB Trần Thị Hiền khẳng định nếu chỉ liệt kê đầy đủ các quyền trẻ em nhưng không có cơ chế bảo vệ quyền, trẻ em vẫn là đối tượng dễ bị xâm hại nhất.

Tự bản thân trẻ em không thể tự bảo vệ quyền của mình trước những nguy cơ bị tổn hại. Vì vậy, trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em phụ thuộc vào người nuôi dưỡng, người giám hộ, sau đó là nhà trường, các cơ sở nuôi dưỡng giáo dục và cả hệ thống chính trị. ĐB kiến nghị trong dự án Luật cần quy định cụ thể hơn cơ chế thực hiện quyền trẻ em và cơ chế này được thể hiện rõ ràng trong từng điều Luật.

B.T tổng hợp

.