Chính trị - Xã hội
Những người cứu hộ ở biển Đà Nẵng
Mỗi ngày, đối mặt với biển cả hơn 6 tiếng đồng hồ nhất là vào mùa cao điểm, sau 21 giờ mới được về nhà. Gian khổ là vậy nhưng những người làm công tác cứu hộ ở biển Đà Nẵng vẫn vượt qua tất cả để góp phần bảo đảm an toàn cho các bãi biển du lịch, làm yên lòng du khách khi vui chơi, tắm biển.
Những nhân viên cứu hộ luôn trong tư thế sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố. |
Gắn cuộc đời với biển
Một ngày đầu năm, như thường lệ, Đội cứu hộ thuộc Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng có mặt tại chốt từ 4 giờ 30 sáng. Không ai bảo ai, họ lặng lẽ thay đồng phục, đem dụng cụ, bảng hiệu, phao cứu sinh xuống biển.
Càng về sáng, biển càng nổi gió mạnh hơn nhưng không vì thế mà những người cứu hộ chùn bước. Anh Phan Thanh Hải, thuộc tổ 10, vừa uốn người làm vài động tác khởi động vừa bảo: “Nếu khởi động không kỹ, khi cứu hộ rất dễ xảy ra sự cố cho mình và cả nạn nhân”.
Sau vài hồi tuýt còi cảnh báo một số người dân tắm không đúng nơi quy định, anh lại nói: “Vào lúc cao điểm, người cứu hộ phải lắc lư trên thuyền thúng hơn 6 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Ca làm việc bắt đầu từ 4 giờ 30 đến 7 giờ, từ 15 giờ đến 19 giờ. Những anh em nào vào ca trực thì trực từ 4 giờ 30 đến tận 11 giờ”.
Theo mùa, sóng biển tạo ra các dòng chảy xa bờ. Đây là một trong những nguyên nhân dễ gây ra đuối nước. Với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã cho cắm biển báo nguy hiểm tại những điểm được cho là có dòng chảy xa bờ; đồng thời, khoanh vùng những vùng nước êm để tạo những bãi tắm, phục vụ du khách gần xa.
Với thâm niên hơn 10 năm trong nghề, anh Hải đưa tôi ra gần hơn với mép nước, chỉ tay bảo: “Đây là khu vực có dòng nước xa bờ. Khách nào không biết bơi, rơi vào dòng nước này rất khó thoát ra. Nguy hiểm là vậy nên chúng tôi luôn tuyên truyền, cảnh báo cho mọi người đề phòng, kể cả cắt cử một thuyền thúng trụ ở đó để nhắc nhở mọi người không được phép tắm trong khu vực này”.
Mắt không ngừng chăm chú theo dõi một nhóm thanh niên đang tắm cách bờ khoảng 30m, anh Hải tâm sự: “Năm nay, mùa du lịch dự kiến sẽ rất đông khách. Anh em trong đội kiểu gì cũng phải hoạt động hết công suất”. Dù mệt nhọc nhưng các thành viên trong đội cứu hộ chẳng nản lòng. Họ biết công việc của mình thực sự có ích, vì vậy, tinh thần trách nhiệm lúc nào cũng được đặt lên hàng đầu.
Đội cứu hộ hiện nay có gần 100 thành viên, chia làm 18 tổ, phân bổ suốt dọc 30km đường biển, kéo dài từ bãi tắm Xuân Thiều (quận Liên Chiểu) vào đến bãi Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn). Bình quân từ 3-5 người, mỗi tổ quản lý một bãi tắm dài khoảng 500m.
Từng ấy con người, rõ ràng còn khá khiêm tốn trước một biển người đang thay phiên nhau xuống nước. Anh Nguyễn Quốc Vinh, Đội trưởng Đội cứu hộ nói: “Anh em gắn cuộc đời với nghề cứu hộ chủ yếu là bằng tinh thần trách nhiệm. Cố gắng lấy nhiệt huyết bù lại những thiếu thốn về nhân sự lẫn trang thiết bị.”.
Chiến thắng tử thần
Đèn pha dọc bờ biển vụt tắt khi đồng hồ vừa điểm 5 giờ 30. Mặt trời vẫn chưa ló dạng trên đường chân trời. Dòng người đổ xuống biển mỗi lúc thêm đông, đây được coi là thời gian cao điểm trong buổi sáng. Nhìn biển người đang tắm, anh Nguyễn Quốc Vinh nhớ lại chuyện xảy ra cách đây hai năm.
Khi đó, anh T.Đ.Đ., nhân viên của công ty T.C.X, đang tắm thì bị đuối nước. Nguyên nhân được xác định là do anh Đ. tắm ở khu vực dòng chảy xa bờ, bị sóng cuốn ra xa. Anh Vinh kể: “Lúc chúng tôi tiếp cận anh Đ., anh ấy đã rơi vào tình trạng hôn mê.
Sau khi đưa lên bờ, chúng tôi lập tức thực hiện những thao tác cứu hộ một cách nhanh chóng, đồng thời gọi xe cấp cứu đưa anh đến bệnh viện gần nhất. Sau 5 ngày giành giật sự sống từ tay tử thần, anh Đ. tỉnh lại. Anh Đ. biết bơi nhưng do chủ quan, tắm ở khu vực dòng chảy xa bờ nên bị đuối. May là phát hiện kịp thời”.
Anh Vinh cũng không quên nhắc đến trường hợp cứu hộ một nạn nhân nữ là giảng viên của một trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh, khi chị đến Đà Nẵng du lịch và gặp nạn lúc tắm biển vào buổi sáng sớm. “Khi đó tầm khoảng 6 giờ sáng, tổ cứu hộ phát hiện chị ấy đang bị đuối ở cách bờ khá xa. Ngay lập tức, tổ cứu hộ đã dùng thuyền thúng tiếp cận và đưa chị vào bờ. Nhờ phát hiện kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng”, Anh Vinh nhớ lại.
Theo thống kê của Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, mỗi năm, Đội cứu hộ cứu trung bình trên 100 trường hợp bị đuối nước. Điều đó đã góp phần làm an tâm những người dân địa phương lẫn du khách khi đến Đà Nẵng vui chơi, tắm biển. Tuy vậy, hiện nay Đội cứu hộ cần sự đầu tư nhiều hơn về trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ.
Ông Phan Xuân Tiệp, Phó Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết: “Hiện tại, khu vực biển Đà Nẵng chỉ có một chiếc mô-tô nước và ba chiếc ca-nô. Mỗi tổ cứu hộ được trang bị từ 2 đến 3 chiếc thuyền thúng composite. So với yêu cầu thực tế của công việc thì trang thiết bị của Đội cứu hộ biển Đà Nẵng vẫn còn nhiều thiếu thốn”.
Gian khổ và thiếu thốn là vậy nhưng vẫn có nhiều người gắn bó với đội trên 15 năm. Với họ, cứu hộ không còn là một nghề đơn thuần mà đó là nghiệp, là trách nhiệm với cộng đồng. Và nhờ những người như vậy, biển Đà Nẵng mới thật sự bình yên và là điểm đến lý tưởng của mọi du khách gần xa.
Bài và ảnh: QUỐC PHI