Chính trị - Xã hội
Nhớ vị tướng chí tình, chí nghĩa
Nhớ về Tướng Nguyễn Đôn là nhớ một vị tướng chí tình, chí nghĩa, liêm khiết, giản dị, dành gần cả cuộc đời cho mảnh đất Khu 5.
Trung tướng Nguyễn Đôn (thứ 2, từ phải sang) với các đại biểu dự kỷ niệm lễ đón Anh hùng LLVTND của Đội Du kích Ba Tơ năm 2010. |
19 tuổi, ông vào Đảng Cộng sản Đông Dương, bị Pháp bắt nhốt lao tù rồi bị đày lên nhà lao an trí Ba Tơ. Tại đây, ông cùng những đồng chí trung kiên lãnh đạo khởi nghĩa Ba Tơ (tháng 3-1945) và sau đó lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Ngãi (tháng 8-1945). Ở nơi bị giam lỏng, người thanh niên Nguyễn Đôn mới 24 tuổi đã sáng tạo in tài liệu cho Đảng bằng cách qua mắt địch, sắm chiếc thuyền con trên sông Liên, tự mày mò in hàng trăm trang tài liệu kêu gọi yêu nước. Cũng người cộng sản gầy yếu vì đói ăn và bệnh tật ấy đã nhìn xa trông rộng, thấy được sức mạnh đoàn kết của toàn dân, lặn lội lên núi Cao Muôn cắt máu ăn thề với người dân tộc thiểu số, thuyết phục đồng bào nơi đây ủng hộ Việt Minh xây dựng Ba Tơ thành khu căn cứ của đội du kích và là phên dậu vững vàng phía tây Quảng Ngãi.
Sau này, khi có dịp suy ngẫm, ông viết hồi ký Bình minh Ba Tơ, không nói nhiều về mình mà ca ngợi sức mạnh nhân dân đã làm nên cuộc khởi nghĩa kỳ diệu. Đôi chân đã yếu, từ lâu không đi xa được, vậy mà đầu năm 2015, ông đã làm mọi người ngạc nhiên khi về dự lễ kỷ niệm 70 năm khởi nghĩa Ba Tơ, đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND của Đội, thăm lại những nơi đã từng in dấu chân ông và đồng chí của mình.
Ở Trung tướng Nguyễn Đôn lúc nào cũng toát lên sự giản dị, gần gũi, chí tình, chí nghĩa. Ông có sức thu hút rất lớn với người xung quanh. Đại tá Nguyễn Kim Hồ, nguyên Chủ nhiệm Phòng không Quân khu 5, cũng là cháu của ông, kể lại: Những năm ông thôi chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng để làm Trưởng ban Công tác miền Tây của Trung ương Đảng, người ta thấy đồng chí Cay-xỏn Phôm-xi-hản, nguyên Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào coi ông như người thân thiết, thường xuyên đến thăm ông ở căn nhà 30 Lý Nam Đế, Hà Nội.
Chuyện ông được Bộ Quốc phòng tặng chiếc xe Volga, một tài sản rất lớn lúc đó khi rời quân ngũ, nhưng ông đã tặng lại cho Quân khu 5 vẫn được nhiều người nhắc tới. Hạn hữu lắm ông mới yêu cầu xe đón rước. Những nơi gần ông thường đi bộ. Có khi ông chống ba-tong đến thăm Bộ Tư lệnh Quân khu.
Sinh thời, ông sống giản dị trong căn nhà đã cũ ở kiệt 32 Phan Đình Phùng, Đà Nẵng. Có nhiều người không tin rằng, một vị tướng trường chinh với các cuộc kháng chiến lại có cơ ngơi bình thường như vậy. Nhưng ông tự cho rằng như vậy là đủ và thường nói với con cháu không bao giờ đòi hỏi gì cả. Ông luôn dành nhiều thời gian thăm đồng đội, thăm các miền quê đã cưu mang ông trong chiến tranh. Ông đau đáu việc tìm hài cốt liệt sĩ ở nghĩa trang đầu tiên của Liên khu 5 tại Quy Nhơn, Bình Định năm 1955 mà ông trực tiếp chỉ đạo xây dựng, khánh thành trên cương vị Tham mưu trưởng Liên khu 5. Năm 2010, ông cùng các cựu chiến binh gửi thư cho Quân khu, bày tỏ nỗi trăn trở không biết đồng đội của ông đã được di dời hết hay còn ẩn khuất đâu đó dưới lớp đất sâu và muốn có một tượng đài ghi danh nơi đây.
Từ lá thư của ông, đã có cuộc họp quan trọng giữa Bộ Tư lệnh Quân khu với UBND tỉnh Bình Định. Những ai ở bên khi ông làm Bí thư Liên khu ủy 5, Tư lệnh Quân khu 5 (1961-1967) hay về Bộ Quốc phòng sau này đều hết mực kính trọng ông, xem ông là tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa yêu nước và đạo đức cao đẹp của người cộng sản. “Lão tướng” Nguyễn Đôn vẫn là biểu tượng kỳ vĩ của đỉnh núi Cao Muôn, in bóng dài trong tâm thức những thế hệ mai sau.
Bài và ảnh: HỒNG VÂN