Chính trị - Xã hội

Phòng, chống HIV/AIDS ngay tại nơi làm việc

14:25, 29/09/2017 (GMT+7)

Thời gian qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS đẩy mạnh công tác phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch HIV/AIDS và hướng tới thực hiện mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV và 90% người điều trị ARV có tải lượng vi-rút dưới ngưỡng phát hiện).

Tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV cho công nhân lao động tại Đà Nẵng.
Tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV cho công nhân lao động tại Đà Nẵng.

Được sự hỗ trợ, phối hợp của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố, LĐLĐ thành phố đã chỉ đạo các cấp Công đoàn triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, tệ nạn xã hội tại nơi làm việc, bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động. Bà Phạm Hoa Lê, Trưởng Ban Tuyên giáo nữ công thuộc LĐLĐ thành phố cho biết, nhằm tạo cơ sở cho các cấp Công đoàn triển khai hoạt động, ngay từ đầu năm nay, LĐLĐ thành phố đã ban hành chương trình hoạt động tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội khác trong công nhân, viên chức, lao động. Không chỉ vậy, nội dung tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, phòng chống tệ nạn xã hội, tội phạm, ma túy còn được đưa vào chỉ tiêu thi đua hằng năm của các cấp công đoàn và là một trong những tiêu chí chấm điểm công nhận danh hiệu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa do LĐLĐ thành phố chủ công. Trong các hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn, các dịp lễ, Tết, hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tháng công nhân, song song với việc tuyên truyền các hoạt động chuyên đề khác, LĐLĐ thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo các cấp công đoàn đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phòng chống HIV/AIDS và xem đây là một trong những nội dung lớn cần được quan tâm. LĐLĐ thành phố Đà Nẵng cũng đã lồng ghép công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS trong các hoạt động tuyên truyền thực hiện đề án nhằm đưa kiến thức về HIV/AIDS đến với người lao động. Chỉ riêng trong năm nay, đơn vị đã tổ chức 2 lớp tập huấn về công tác phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc cho 140 cán bộ công đoàn và cán bộ chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS tại các doanh nghiệp và 5 lớp tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS cho gần 800 công nhân lao động. Tại đây, người lao động được trực tiếp nghe báo cáo viên phổ biến các kiến thức về HIV/AIDS và qua đó, công nhân lao động được nắm rõ hơn về tình hình dịch HIV/AIDS, các kiến thức chung về phòng chống HIV/AIDS. “Việc triển khai công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc đã góp phần xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, bảo vệ sức khỏe của người lao động, sức khỏe của lực lượng sản xuất tại doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp...”, bà Phạm Hoa Lê, Trưởng ban Tuyên giáo-Nữ công thuộc LĐLĐ thành phố nói.

Tại Đà Nẵng, nhiều doanh nghiệp cũng đã chú trọng tuyên truyền công tác phòng chống HIV/AIDS lồng ghép trong các buổi tuyên truyền về sức khỏe sinh sản cho người lao động như Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng, Tổng Công ty Dệt-may Hòa Thọ… Ông Bùi Minh Vũ, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng cho biết, hiện nay đơn vị có gần 6.000 nhân viên, trong đó có hơn 80% là nữ. Ban chấp hành Công đoàn công ty thường xuyên tổ chức các phong trào văn hóa, văn nghệ, hội thi… vào các ngày lễ nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của công nhân. Đồng thời lồng ghép các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng, tuyên truyền về an toàn giao thông, sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV/AIDS giúp công nhân lao động nâng cao hiểu biết. “Việc tuyên truyền cho người lao động về bệnh HIV để có cái nhìn đúng đắn, không còn kỳ thị đối với người bệnh là điều cần thiết”, ông Vũ nói.

Theo thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố, tính đến tháng 6 năm 2017, Đà Nẵng phát hiện hơn 2.000 người nhiễm HIV. Bác sĩ Nguyễn Thành Dương, Trưởng khoa Truyền thông thuộc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Đà Nẵng cho biết, HIV/AIDS đã có sự tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp. Theo bác sĩ Dương, nhiều người lao động vẫn chưa thật sự hiểu hết về các đường lây nhiễm và đường không lây nhiễm HIV nên có tâm lý e ngại, thậm chí không chấp nhận làm việc và sinh hoạt cùng với người lao động bị nhiễm HIV. Điều đó dẫn đến tâm lý kỳ thị, phân biệt đối xử đối với những người bị bệnh, ảnh hưởng đến môi trường làm việc, quan hệ lao động. Thực tế, HIV chủ yếu tấn công vào lực lượng lao động trẻ. Trong số các ca nhiễm HIV chủ yếu rơi vào độ tuổi từ 25-49, chiếm 68,2% và 100% các trường hợp đều lây nhiễm qua đường tình dục. Đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới nhiễm mới HIV có chiều hướng gia tăng với 11,8%.

Bài và ảnh: HƯƠNG SEN

.