QUYẾT LIỆT PHÒNG, CHỐNG COVID-19

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Khẩn trương xây dựng kịch bản đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch

.

Sáng 10-4, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; hỗ trợ người lao động; bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó với Covid-19.

Chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, 4 nội dung bàn thảo tại đây rất quan trọng trong bối cảnh Covid-19 đã ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Tại Việt Nam, để giảm thiểu tác động của dịch, Chính phủ đã sử dụng tất cả các biện pháp, từ giãn cách xã hội, nới lỏng tiền tệ tới các biện pháp quản lý hành chính. Tuy nhiên, số người nhiễm bệnh vẫn tiếp tục gia tăng.

Vì vậy, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương đánh giá, phân tích để thấy được tình hình nghiêm trọng của thế giới và trong nước; qua đó tìm các biện pháp, giải pháp đủ mạnh, dễ hiểu, dễ vận dụng để ngăn chặn dịch bệnh, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trên tinh thần biến nguy cơ thành thời cơ, cần tập trung chỉ đạo tái cơ cấu nền kinh tế với giải pháp mạnh mẽ trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng xí nghiệp. Trong đó, cần chú ý đẩy mạnh sản xuất, kể cả công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp; đồng thời xử lý nghiêm hành động đầu cơ, để đẩy PCI lên… Đặc biệt, phải tìm thị trường mới, phải đổi mới cách làm, phải thay đổi thói quen; xử lý nghiêm sự chậm chạp, vô trách nhiệm, từ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đến đầu tư, an sinh xã hội, trật tự xã hội. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh sản xuất cùng với xuất khẩu, chú trọng thị trường trong nước với 100 triệu dân; sản xuất và lưu thông thuận lợi; đồng thời đẩy mạnh công tác đối ngoại khi năm nay Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN.

Về truyền thông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải tạo nên động lực mới, tạo sự đồng lòng, nhất trí của nhân dân. “Với tinh thần đó, tôi tin một khí thế mới, quyết tâm mới trong giai đoạn sắp tới đây sẽ vượt khó đi lên, bảo đảm sản xuất, đời sống, ổn định xã hội để thực hiện mục tiêu kép, đó là đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế-xã hội”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Lãnh đạo thành phố chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC PHÚ
Lãnh đạo thành phố chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC PHÚ

Sau Covid-19, các cấp, ngành phải làm thế nào cho nền kinh tế tăng tốc, không chỉ bù đắp những tổn thất rất to lớn vừa qua mà còn đạt được những tầm nhìn, những quyết tâm về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế, tổng hợp các khó khăn của doanh nghiệp (DN) và đề xuất Chính phủ các giải pháp tháo gỡ ngay. Sau hội nghị này, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trên cả 3 lĩnh vực: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội ứng phó với Covid-19.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1-2020 chỉ tăng 3,82%. Đây là mức tăng thấp nhất trong hơn 10 năm qua, chỉ bằng hơn nửa so với kế hoạch đề ra. Theo ước tính sơ bộ, 19% DN đã tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô; 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc; 78% lao động ngành vận tải, da giày, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc; 98% lao động ngành hàng không tạm nghỉ việc. Tỷ lệ thiếu việc làm tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Hàng triệu người lao động đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là lao động giản đơn, thu nhập thấp, không thường xuyên…

Trong bối cảnh đó, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng đã đặt ưu tiên hàng đầu là phòng, chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân; đồng thời, liên tiếp ban hành các “cú hích”, gói hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực. Như gói hỗ trợ về an sinh xã hội, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19 với quy mô dự kiến khoảng 62.000 tỷ đồng, hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng thuộc 6 nhóm khác nhau. Về chính sách tài khóa, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Gói này được tăng từ hơn 80.000 tỷ đồng như dự kiến trước đó lên tới hơn 180.000 tỷ đồng, đồng thời mở rộng quy mô về đối tượng doanh nghiệp, tổ chức được hưởng ưu đãi. Ước tính, có tới 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong cả nước được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất. Ngoài ra, gói hỗ trợ tiền tệ hiện đã được nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng.

Đà Nẵng triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân

Về phía Đà Nẵng, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ báo cáo, tình hình sản xuất, kinh doanh của thành phố quý 1-2020 chịu sự tác động mạnh mẽ của Covid-19. Một số DN buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, hoạt động cầm chừng hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh. Các DN bị ảnh hưởng trực tiếp kéo theo sự khó khăn của các DN trong những ngành khác, kể cả các DN không xuất nhập khẩu trực tiếp với Trung Quốc, châu Âu… Lượng khách du lịch giảm đến 25% so cùng kỳ 2019; thu ngân sách giảm 8% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống; doanh thu du lịch lữ hành; kim ngạch nhập khẩu, xuất khẩu phần mềm; ngành thông tin và truyền thông và các ngành khác… đều sụt giảm dưới kế hoạch.

Tập trung giải ngân vốn đầu tư công là một trong 4 nhóm giải pháp trọng tâm của thành phố trong thời gian tới. Trong ảnh: Nhà đầu tư đang thi công dự án cầu và đường qua sông Cổ Cò.  Ảnh: THÀNH LÂN
Tập trung giải ngân vốn đầu tư công là một trong 4 nhóm giải pháp trọng tâm của thành phố trong thời gian tới. Trong ảnh: Nhà đầu tư đang thi công dự án cầu và đường qua sông Cổ Cò. Ảnh: THÀNH LÂN

Tuy nhiên, nhờ ban hành các giải pháp quyết liệt từ đầu năm, thành phố tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc và đẩy nhanh công  tác giải phóng mặt bằng; phân cấp mạnh và cải cách các thủ tục hành chính; đẩy nhanh các công trình động lực trọng điểm; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư… nên nhiều lĩnh vực đời sống, an ninh chính trị tiếp tục có nhiều tiến bộ.  Trước những khó khăn đó, thành phố đã chủ động lập danh sách các đối tượng khó khăn, áp dụng mở rộng thêm cho một số đối tượng riêng của thành phố như hộ chính sách, các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn của thành phố, đội ngũ giáo viên các trường tư thục, sẽ sớm báo cáo Thành ủy, HĐND thông qua, hỗ trợ trong tuần tới, dự kiến khoảng 195 tỷ đồng theo diện của Chính phủ và 30 tỷ đồng cho các đối tượng theo diện của thành phố.

Về tình hình phòng, chống Covid-19, Đà Nẵng đến nay ghi nhận tổng cộng 6 ca nhiễm, trong đó 5 ca về và đến từ nước ngoài, 1 ca trong cộng đồng. Đến ngày 10-4, thành phố đã chữa khỏi cho cả 6 trường hợp. Thời gian qua, Đà Nẵng đã thực hiện rất nghiêm và hiệu quả các biện pháp chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, của Thủ tướng Chính phủ…; đồng thời rất chủ động, sớm áp dụng các biện pháp phòng ngừa, cách ly đối với khách du lịch. Người dân thành phố đã ủng hộ, đồng thuận rất tốt Chỉ thị 16 của Thủ tướng…

Trước mắt, thành phố chủ động dự báo tình hình để đưa ra các kịch bản chỉ tiêu kinh tế - xã hội dự kiến đạt được trong năm. Trên cơ sở dịch bệnh sẽ tương ứng với tăng trưởng kinh tế ở mức 4,67%; thu ngân sách dự kiến đạt từ 50-60%; đề ra các biện pháp cắt giảm một số các dự án đầu tư chưa thật sự ưu tiên lúc này, đồng thời ưu tiên các dự án trọng điểm. Hiện nay, Đà Nẵng không còn nợ vay đầu tư công nên thành phố đề nghị các bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ tiếp cận các nguồn vay để triển khai các dự án trọng điểm; ngoài ra, giảm dự toán và tiến độ chi thường xuyên, chi các khoản hoạt động thường xuyên, chi các hoạt động sự nghiệp… ước khoảng 10%; cắt bỏ các khoản chi không thực hiện được do điều kiện dịch bệnh khoảng 600 tỷ đồng.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; hỗ trợ người lao động; bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó với Covid-19, Sở KH&ĐT đưa ra kịch bản 4 nhóm giải pháp trọng yếu. Đó là, tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh, kịp thời thông tin, tuyên truyền, ổn định tâm lý để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; tập trung hỗ trợ, duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh góp phần hạn chế suy giảm tăng trưởng kinh tế; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để đẩy mạnh thu hút đầu tư. Đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án và thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong giải pháp tháo gỡ khó khăn lần này là tập trung hỗ trợ, duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, góp phần hạn chế suy giảm tăng trưởng kinh tế. Theo đó, về du lịch, thành phố tiếp tục xây dựng và công bố Chương trình kích cầu du lịch năm 2020, kế hoạch phát triển kinh tế đêm trong lĩnh vực du lịch; xây dựng kế hoạch và tổ chức các lễ hội văn hóa quy mô lớn, đặc sắc sau khi dịch bệnh được kiểm soát để tạo sự kiện thu hút khách du lịch. Đáng chú ý là chủ trương triển khai xúc tiến các đường bay quốc tế mới và xúc tiến khai thác khách tàu biển; tiếp tục triển khai kế hoạch phát triển thị trường nội địa giai đoạn 2019-2020 và kế hoạch đa dạng hóa thị trường khách du lịch quốc tế giai đoạn 2019-2021, điều chỉnh cơ cấu lại các thị trường mới sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Riêng về lĩnh vực thương mại, cần quản lý chặt chẽ việc bình ổn giá, triển khai công tác chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là các sản phẩm vật tư, thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh việc ứng dụng và đa dạng hóa các phương thức kinh doanh thương mại điện tử, mua bán trực tuyến; đẩy nhanh tiến độ khai trương Trung tâm thương mại miễn thuế (VVmall). Vận động các trung tâm thương mại tăng thời gian phục vụ đến 24 giờ hằng đêm sau khi dịch bệnh được kiểm soát.  

THÀNH LÂN – NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.