Bảo đảm trật tự xây dựng trong vùng quy hoạch 'treo'

.

Hơn 23 năm dự án Làng đại học (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) bị quy hoạch “treo” khiến cuộc sống của người dân trong vùng quy hoạch gặp rất nhiều khó khăn. Dù vậy, bằng nhiều giải pháp hiệu quả của các cấp ủy, chính quyền địa phương, trật tự xây dựng trong vùng quy hoạch luôn được kiểm soát, không để phát sinh vi phạm.

Nhiều hộ gia đình không bảo đảm tính pháp lý hồ sơ đất, nên việc cải tạo, sửa chữa, xây mới lại nhà trong vùng quy hoạch “treo” dự án Làng đại học bị hạn chế. Ảnh: TRỌNG HUY
Nhiều hộ gia đình không bảo đảm tính pháp lý hồ sơ đất, nên việc cải tạo, sửa chữa, xây mới lại nhà trong vùng quy hoạch “treo” dự án Làng đại học bị hạn chế. Ảnh: TRỌNG HUY

Theo ông Huỳnh Cự, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam, Trưởng ban Dân vận Quận ủy Ngũ Hành Sơn, để nâng cao nhận thức chấp hành của người dân sống trong vùng quy hoạch về việc không vi phạm trật tự xây dựng, công tác tuyên truyền, vận động luôn được chú trọng, tăng cường bằng nhiều giải pháp, hình thức cụ thể. Trước hết, cán bộ sống trong khu vực dự án phải gương mẫu, chấp hành chủ trương, không xây dựng trái phép, từ đó mới tuyên truyền, vận động người dân noi theo. “Từ năm 2012, Quận ủy tăng cường chỉ đạo về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc chấp hành chủ trương đền bù, giải tỏa.

Cùng với đó, việc xử lý triệt để, nghiêm minh các trường hợp vi phạm đã tạo hiệu ứng tích cực, giúp người dân nâng cao nhận thức, chấp hành chủ trương của thành phố. Dĩ nhiên, trước những khó khăn của người dân sống trong vùng quy hoạch “treo”, cùng với sự quan tâm của thành phố, Quận ủy, UBND quận luôn theo dõi, nắm bắt những bức xúc, nhu cầu chính đáng của nhân dân để kiến nghị cấp trên tìm hướng tháo gỡ, bảo đảm quyền lợi cũng như giảm bớt khó khăn cho người dân”, ông Cự nói.

Theo ông Cự, hiện nay thành phố có cơ chế riêng cho người dân sống trong vùng quy hoạch dự án Làng đại học được phép xây dựng nhà kiên cố 2 tầng, tầng một đổ bê-tông, tầng hai lợp vật liệu nhẹ trong tổng diện tích đất xây dựng 50m2. Thành phố cũng cho phép hộ dân được tách 1 thửa đối với các hộ bảo đảm pháp lý về thủ tục, hồ sơ đất.

“Quận cũng đang đề xuất thành phố cho phép người dân có đất trong vùng quy hoạch “treo” dự án Làng đại học, sống từ sau năm 1993 đến trước năm 2004 được phép cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (sổ đỏ) lần đầu để tạo điều kiện pháp lý cho hộ dân được làm sổ đỏ, cũng như tách thửa cho con khi lập gia đình, ra riêng thuận lợi. Đối với hộ dân có hồ sơ đất theo Chỉ thị số 299/TTg ngày 10-11-1980 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký ruộng đất (Hồ sơ đất 299), việc chuyển đổi mục đích sử dụng (cấp sổ đỏ) sẽ được cấp hết tất cả diện tích và không phải tính phí”, ông Cự thông tin.

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Quý Ngô Thanh Trà, dự án Làng đại học nằm trong quy hoạch của 5 tổ dân phố, ảnh hưởng đến 325 hộ dân của phường Hòa Quý. Thực hiện công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, UBND phường đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương của Nhà nước, không xây dựng nhà ở, vật kiến trúc trên đất đã được công bố quy hoạch. Mặt khác, UBND phường thường xuyên phân công Tổ kiểm tra quy tắc tổ chức kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng trái phép.

Bí thư Chi bộ khu dân cư Hải An Lê Thị Lợi cho biết, công tác tuyên truyền, vận động từ cơ sở rất quan trọng. Trách nhiệm cán bộ noi gương phải thực hiện nghiêm túc. Chi ủy quán triệt các trưởng chi hội, đoàn thể ở khu dân cư chấp hành nghiêm chủ trương đền bù giải tỏa, sau đó mới tuyên truyền người dân chấp hành. Đối với hộ khó khăn, bức xúc về chỗ ở, tổ dân phố trực tiếp xem xét, kiến nghị cấp trên để có giải pháp, tạo điều kiện gia cố, xây dựng nhà bảo đảm cuộc sống. Hộ nào phát sinh xây dựng trái phép sẽ vận động tự tháo dỡ, báo lên cấp trên để xử lý nếu không chấp hành.

“Mình làm cương quyết vì lợi ích chung, vì chủ trương của thành phố, nhưng phải quan tâm trước hết đến đời sống của nhân dân trong khu vực thì mới đúng trách nhiệm, lương tâm. Như thế người dân mới phục, mới làm theo”, bà Lợi nói.

Cũng theo bà Lợi, có hộ dân do làm ăn thất bát phải bán nhà trả nợ, về sống với cha mẹ trong 1 nhà, bức bách nên cha mẹ tách thửa, cho miếng đất nhưng vướng quy hoạch không xây dựng nhà được. Ban điều hành khu dân cư kiến nghị cấp trên và được xem xét, giải quyết cho xây dựng nhà. Cũng có trường hợp không chỉ xây dựng trái phép mà còn xây lên phần đất người khác, tổ dân phố vận động tháo dỡ, báo lên phường xử lý. Sau đó, hộ dân này chấp hành, việc tháo dỡ được thực hiện triệt để.

“Hiện vẫn còn nhiều hộ 2-3 thế hệ sống trong cùng một nhà. Do vướng thủ tục pháp lý về hồ sơ đất nên không tách thửa, không thể xây dựng nhà được. Rất mong các cơ quan chức năng quan tâm, giải quyết”, bà Lợi cho biết.

Ông Huỳnh Cự khẳng định, để bảo đảm không xảy ra vi phạm trật tự xây dựng trong vùng quy hoạch, ngoài các chủ trương, chính sách đúng đắn, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành, thì sự đồng thuận của người dân hết sức quan trọng.

Dự án Làng đại học và khu tái định cư Làng đại học được công bố quy hoạch từ năm 1997, với tổng diện tích 260,42ha (trong đó Làng đại học 108,42ha, khu tái định cư Làng đại học 152ha), với gần 900 hộ dân trải rộng trên phần đất phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng và phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tính đến năm 2011, tại đây mới triển khai thực hiện được 2 dự án là Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin hữu nghị Việt Hàn (13,8ha), Trường Đại học Sư phạm và ký túc xá sinh viên (19,1ha), còn lại diện tích quy hoạch của Làng đại học là 75,52ha.

Cuối năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 1.000 tỷ đồng cho giai đoạn đầu tư trung hạn 2016 - 2020 để triển khai Làng Đại học Đà Nẵng, tập trung giải tỏa, đền bù trong năm 2020.

TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích