Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 đã yêu cầu Bộ Y tế, bệnh viện, nhân lực y tế các địa phương dốc lực hỗ trợ cho Đà Nẵng trong giai đoạn này. Hiện các nhiệm vụ phòng, chống Covid-19 tại Đà Nẵng vẫn đang gấp rút triển khai, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đã được huy động tối đa, vừa bảo đảm công tác phòng, chống Covid-19, vừa thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.
Tăng cường truy vết, dốc lực điều trị bệnh nhân Covid-19
Liên quan tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Đà Nẵng, ngày 28-7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 đã họp trực tuyến với Sở Y tế Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển, Bệnh viện Đồng Nai, Bệnh viện Trung ương Huế về công tác điều trị các bệnh nhân Covid-19.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh, cần phải lường đến tình huống xấu, tính đến cả tình huống xấu nhất. Hơn lúc nào hết, ngay bây giờ cả hệ thống chính trị, trước hết là ngành y tế cần “chia lửa” với Đà Nẵng, không phân biệt bệnh viện tuyến Trung ương với địa phương hoặc địa phương với địa phương, dốc sức toàn lực hỗ trợ Đà Nẵng trong giai đoạn này.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế điều động các lực lượng, sử dụng các công nghệ xét nghiệm để tìm ra nguồn bệnh nhanh nhất có thể; lưu ý các bệnh viện nghiêm túc thực hiện các quy định, hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch; sẵn sàng chi viện cho các bệnh viện khác khi cần thiết. Toàn bộ hệ thống bệnh viện phải nâng cao cảnh giác, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định khi tiếp nhận người đến khám, chữa bệnh. Việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phải làm rất đồng bộ.
Để bảo đảm năng lực điều trị, thành phố Đà Nẵng đã khẩn trương thiết lập trung tâm điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và vừa. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố giao Sở Y tế tiếp tục điều tra yếu tố dịch tễ, truy vết tất cả các khu vực, trường hợp có liên quan đến bệnh nhân mắc Covid-19 để áp dụng các biện pháp khoanh vùng, cách ly; khẩn trương xây dựng phương án giám sát và theo dõi chặt chẽ các trường hợp có triệu chứng sốt, ho, khó thở... tại cộng đồng. Hiện nay, việc lấy mẫu xét nghiệm, điều tra các yếu tố dịch tễ được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố phối hợp với các Trung tâm Y tế quận, huyện tổ chức triển khai.
Theo bác sĩ Phạm Hồng Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, hiện nay địa phương đã lấy hơn 300 mẫu xét nghiệm đối với những trường hợp có nguy cơ cao để xét nghiệm, khoanh vùng. Bên cạnh đó, các trường hợp cách ly tại các khách sạn trên địa bàn quận (gồm nhân viên y tế, các bệnh nhân thận nhân tạo, người tiếp xúc gần, người nhập cảnh trái phép…) cũng đang được theo dõi để phát hiện các biểu hiện nghi nhiễm, từ đó có biện pháp kịp thời.
Bên trong khu điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG |
Hiện tại Bộ Y tế đã tăng cường nhân lực hỗ trợ Đà Nẵng trong công tác phòng, chống Covid-19. Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế cho biết, ngoài 3 tổ công tác đặc biệt thực hiện nhiệm vụ điều tra dịch tễ, xét nghiệm và điều trị của Bộ Y tế, các ê-kip y bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) và Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng đã được huy động và có mặt tại Đà Nẵng trong ngày 28-7.
Hiện các lực lượng được tăng cường đang tích cực hỗ trợ cho Bệnh viện Đà Nẵng về máy móc, trang thiết bị y tế và công tác phân luồng bệnh nhân, cách ly, giám sát nhiễm khuẩn, hồi sức tích cực cho các bệnh nhân nặng. Ngoài ra, Bệnh viện Trung ương Huế cũng đang khẩn trương chuẩn bị trang thiết bị, cơ sở vật chất để tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 nặng, đặc biệt là những người có nhiều bệnh nền, chạy thận nhân tạo, góp phần giảm tải cho Đà Nẵng.
Bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn
Bên cạnh bảo đảm công tác phòng, chống Covid-19, bác sĩ tại Bệnh viện Đà Nẵng vẫn duy trì tốt việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn. Khoa Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Đà Nẵng hiện đang có 26 nhân viên y tế cùng 9 bệnh nhân và người nhà được cách ly. Đây là những bệnh nhân có các bệnh lý về tim mạch nặng, không thể di chuyển đến các khu vực cách ly trong bệnh viện nên được bố trí cách ly tại chỗ.
Các nhân viên y tế đang dốc lực điều trị cho các bệnh nhân. Trong ảnh: Nhân viên y tế khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng theo dõi các chỉ số sức khỏe bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở bên trong khu điều trị. Ảnh: PHAN CHUNG |
Bác sĩ Hồ Văn Phước, Trưởng khoa Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, ngay sau khi áp dụng biện pháp cách ly và khoanh vùng, xác minh các trường hợp mắc Covid-19 trong bệnh viện, toàn bộ nhân viên y tế được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 và thực hiện cách ly tại chỗ. “Ngoài bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch, chúng tôi thực hiện khám, điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân theo đúng chuyên môn. Hiện có một bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, tụt huyết áp, rất may đã được can thiệp, điều trị kịp thời nên đã qua cơn nguy kịch”, bác sĩ Phước cho biết.
Tương tự, tại Khoa Lão, 20 nhân viên y tế tại đây đang được cách ly đồng thời thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho 47 bệnh nhân lớn tuổi đang được điều trị, cách ly tại chỗ. “Bệnh nhân đa phần lớn tuổi, nhiều bệnh nền, sức đề kháng yếu nên ngoài nhiệm vụ chuyên môn, chúng tôi triển khai các biện pháp phòng, chống dịch một cách tuyệt đối, bảo đảm an toàn, không có nguy cơ lây nhiễm trong thời gian cách ly”, bác sĩ Phạm Văn Tú, Trưởng khoa Lão cho biết.
Theo bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, công tác chuyên môn trong bệnh viện vẫn được bảo đảm để chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân tại chỗ. Hiện có khoảng 800 bệnh nhân đang được theo dõi, điều trị. “Bệnh viện phân luồng, giãn cách, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đơn vị cũng quán triệt, động viên tinh thần toàn thể cán bộ, nhân viên cùng nhau đoàn kết, đồng lòng và quyết tâm vượt qua giai đoạn khó khăn này”, bác sĩ Trung cho biết.
PHAN CHUNG