Số ca nhiễm Covid-19 mới vẫn tiếp tục được ghi nhận, nguy cơ lây nhiễm, bùng phát trên địa bàn thành phố vẫn tồn tại. Trước tình hình đó, lãnh đạo Thành ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố tiếp tục yêu cầu các địa phương, sở, ngành triển khai nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo kế hoạch của Trung ương và địa phương.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (trái) trao giấy ra viện cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã được điều trị khỏi tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang sáng 13-8. Ảnh: PHAN CHUNG |
Nhanh chóng khắc phục khó khăn, hạn chế
Chiều tối 13-8, phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố và các sở, ngành, địa phương, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhìn nhận, qua thực tiễn đã diễn ra, địa phương đang kiểm soát được tình hình, được Trung ương đánh giá cao.
“Thường trực Thành ủy ghi nhận sự vào cuộc quyết liệt, nhanh chóng của các sở, ngành, địa phương, đơn vị, nhanh chóng khắc phục những hạn chế, yếu kém, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Trong quá trình thực hiện, cần tổ chức triển khai các kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế, kịp thời báo cáo, đề xuất và tháo gỡ để phù hợp với tình hình.
Đối với những khu vực có nguy cơ cao, đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố, Sở Y tế cùng các địa phương sớm triển khai các kế hoạch phù hợp với tình hình, bảo đảm tính pháp lý và hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.
Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố cho biết, quá trình điều tra dịch tễ, xét nghiệm trong ngày 13-8 đã ghi nhận 14 trường hợp nhiễm Covid-19 mới. Trong số những trường hợp này có 3 bệnh nhân liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng trong thời gian từ 15 đến
26-7. Điều đáng lưu ý, theo CDC, trong số 14 ca nhiễm không có một trường hợp F1 nào được xác định, truy vết trước đó.
Ngoài ra, 5 bệnh nhân trong 1 gia đình tại phường Hòa Khê (quận Thanh Khê) cũng được xác định dương tính với SARS-CoV-2. Đây là địa phương đã từng ghi nhận 4 trường hợp trong 1 gia đình nhiễm Covid-19 vào các ngày 3 và 5-8. “Điều này đặt ra một vấn đề chúng ta phải tìm hiểu, phân tích kỹ, đó là có lây nhiễm chéo hay không. Hiện CDC đang phối hợp với địa phương tiếp tục điều tra dịch tễ, giám sát các ca nhiễm mới để khoanh vùng, xác định nguy cơ kịp thời”, bác sĩ Thạnh cho biết.
Theo thống kê của ngành y tế, đến thời điểm hiện tại đã ghi nhận, xác định 38 điểm có nguy cơ, ghi nhận 2 ca nhiễm Covid-19 trở lên. CDC Đà Nẵng đề xuất Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện sẵn sàng phương án cách ly, sớm lập các chốt chặn, tổ chức kiểm soát, giám sát. Ngoài ra, cần mở rộng quy mô xét nghiệm đối với những trường hợp có nguy cơ. Theo đó, khi ghi nhận một trường hợp F0, cần lập tức xét nghiệm trên diện rộng đối với các khu vực xung quanh.
Liên quan đến những ca nhiễm mới ghi nhận tại khu vực phường Hòa Khê, UBND quận Thanh Khê cho biết, địa phương đã phối hợp lấy mẫu xét nghiệm hơn 1.200 mẫu bệnh phẩm liên quan đến 4 ca bệnh được ghi nhận vào các ngày 3 và 5-8, qua đó tiếp tục phát hiện thêm 5 ca mới. Ngoài ra, địa phương tổ chức các biện pháp kiểm soát, chốt chặn tại khu vực 12 tổ dân cư với 377 hộ và hơn 1.600 nhân khẩu.
Liên quan đến những ca nhiễm Covid-19 mới được ghi nhận vào ngày 13-8, UBND quận Cẩm Lệ đã tổ chức cách ly 36 cán bộ phường Hòa An, khi địa phương này ghi nhận 1 một cán bộ phường nhiễm Covid-19. Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ Lê Quang Nam cho biết, ngay sau khi ghi nhận tình hình, Ban Thường vụ Quận ủy đã họp khẩn, thống nhất thành lập một tổ công tác đặc biệt do Phó Chủ tịch UBND quận làm tổ trưởng, trực tiếp phụ trách, điều hành các hoạt động phòng, chống dịch, bảo đảm bảo an ninh trật tự, an sinh xã hội trên địa bàn. “Hiện tất cả 36 cán bộ phường đã được cách ly để đảm bảo an toàn, xác định nguy cơ.
Những cán bộ này sẽ được lấy mẫu xét nghiệm, theo dõi sát tình hình sức khỏe trong thời gian cách ly, đồng thời chúng tôi cũng tạo điều kiện để các cán bộ trong thời gian cách ly vẫn hỗ trợ làm việc trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin nhằm bảo đảm bảo các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn được vận hành thông suốt”, ông Lê Quang Nam cho biết.
Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế đề xuất, các điểm nóng mới tiếp tục được ghi nhận, các phương án phòng, chống dịch phải được gấp rút triển khai trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tế các địa phương để hạn chế lây nhiễm. “Đề nghị các quận nghiên cứu kỹ phương án cách ly mà Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố đã ban hành để thực hiện hiệu quả. Hiện nay, vẫn chưa có sự phối hợp ăn ý, kịp thời giữa ngành y tế và các địa phương, đặc biệt là trong công tác truy vết, khoanh vùng và xác định các yếu tố nguy cơ. Điều này hết sức bất lợi, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống dịch”, bác sĩ Yến cho biết.
Tuyệt đối không chủ quan, bỏ sót một trường hợp nào
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố đã chỉ đạo đôn đốc các địa phương tiếp tục rà soát, thống kê, xét nghiệm những trường hợp liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng trong thời gian từ 15 đến 26-7. Tính đến chiều 13-8, về cơ bản các địa phương đã rà soát và tiến hành xét nghiệm đối với các trường hợp này.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (trái) và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố chiều tối 13-8. Ảnh: PHAN CHUNG |
Cụ thể, quận Thanh Khê xác định và lấy mẫu xét nghiệm hơn 1.800 người liên quan (trong đó có hơn 600 bệnh nhân), quận Cẩm Lệ 372 ca, đã lấy mẫu xét nghiệm; quận Ngũ Hành Sơn lấy mẫu gần 2.000 trường hợp; huyện Hòa Vang hơn 600 trường hợp… Theo Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Phạm Nam Sơn, công tác điều tra, truy vết các trường hợp liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng vẫn tiếp tục thực hiện.
Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố Huỳnh Đức Thơ cho rằng, trong bản đồ lây nhiễm Covid-19 hiện nay đã xuất hiện thêm nhiều điểm mới. Đặc biệt, ca nhiễm mới tiếp tục thể hiện có nguồn gốc của Bệnh viện Đà Nẵng vẫn còn tồn tại khá rộng rãi trong cộng đồng. Thực tế này cho thấy việc truy vết của các ngành, địa phương dù đã có định hướng rõ ràng nhưng vẫn còn chậm so với thực tế.
Về trường hợp nhiễm Covid-19 là cán bộ đang làm việc tại phường Hòa An, lãnh đạo thành phố đề nghị quận Cẩm Lệ song song với việc tổ chức truy vết, cách ly, xét nghiệm, cần bố trí nhân lực, lập kế hoạch cụ thể để bảo đảm các nhiệm vụ kinh tế xã hội, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn phường được thực hiện theo đúng kế hoạch. “Các ngành, các cơ quan chức năng tại địa phương phải đưa ra nhận định đánh giá nguy cơ tiếp theo.
Trên cơ sở nhận định đó, đề ra những kịch bản của đỉnh dịch và các điểm cách ly phong tỏa cục bộ. Các địa phương phải chủ động cho việc ký kết với những nhà cung cấp lượng thực, thực phẩm, vật dụng chủ yếu. Những khu có nhiều ca nhiễm, nguy cơ lây lan lớn, đặc biệt là các chung cư cần đặc biệt chú ý và có biện pháp kịp thời”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ giao UBND các quận, huyện, các sở, ban, ngành liên quan xem xét việc cách ly, khoanh vùng các điểm nóng có người nhiễm Covid-19 và tiến hành thực hiện ngay các bước phòng, chống dịch tiếp theo theo quy định; nghiên cứu việc hỗ trợ điều kiện ăn, ở, đưa người lao động về quê nếu có nhu cầu, không để tình trạng người lao động ở lại các công trình, lán trại, không bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, dễ lây lan dịch bệnh; tăng cường kiểm tra chặt chẽ tình hình thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg tại các doanh nghiệp; khẩn trương hoàn thành các thủ tục pháp lý, đưa ra xét xử kịp thời các vụ án vi phạm trong thời gian dịch, bệnh để kịp thời tuyên truyền, răn đe. “Lực lượng chức năng đang làm tốt việc rà soát các trường hợp liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng nhưng chắc chắn vẫn chưa rà soát hết. Đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, làm mới con số mỗi ngày, tuyệt đối không chủ quan, bỏ sót một trường hợp nào”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ kết luận.
Bộ Y tế tăng cường các giáo sư đầu ngành vào miền Trung Ngày 13-8, Bộ Y tế cử thêm 3 giáo sư đầu ngành vào khu vực miền Trung để tiếp tục nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là bệnh nhân nặng. Ba chuyên gia hàng đầu trong Tổ hội chẩn, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng được cử vào miền Trung đợt này là GS.TS Nguyễn Gia Bình - Tổ trưởng Tổ hội chẩn, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng; GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội đồng chuyên môn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ba chuyên gia sẽ phối hợp với “Bộ chỉ huy tiền phương” của Bộ Y tế tại Đà Nẵng cùng các chuyên gia đã có mặt tại khu vực này từ khi dịch bệnh bùng phát, tiếp tục nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là bệnh nhân nặng. GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đến nay Bộ Y tế đã cử đội ngũ chuyên gia đầu ngành, tinh nhuệ nhiều lĩnh vực như hồi sức, truyền nhiễm, cấp cứu, thận nhân tạo, xét nghiệm, dịch tễ, tim mạch, ung bướu... của các viện, bệnh viện lớn như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương... Số lượng các chuyên gia đã lên đến hàng trăm người vào hỗ trợ Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, Bệnh viện Đà Nẵng, Trung tâm y tế Hòa Vang, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và một số cơ sở y tế khác của Đà Nẵng về điều trị, xét nghiệm, cách ly, khoanh vùng, dập dịch...Theo Báo Tin tức |
Nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19 sẽ xuất viện trong thời gian tới Ngày 13-8, Bệnh viện dã chiến Hòa Vang cho xuất viện 10 bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã được điều trị khỏi. Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang cho biết, các bệnh nhân được xuất viện lần này lớn tuổi nhất là 59 tuổi, nhỏ nhất mới 8 tháng tuổi, bao gồm bệnh nhân 466, 469, 495, 555, 581, 638, 682, 685, 665 và 730. Chia sẻ vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, việc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và Bệnh viện dã chiến Hòa Vang điều trị khỏi cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 là một tín hiệu đáng mừng. Đà Nẵng ghi nhận nhiều bệnh nhân có bệnh nền về huyết áp, tiểu đường, suy tim, cao tuổi... nhưng với sự nỗ lực của ngành y tế bước đầu đã điều trị thành công. Hiện có nhiều bệnh nhân khác cũng đã âm tính lần 1, lần 2 với SARS-CoV-2, ngành y tế đang tiếp tục theo dõi, điều trị. Sau khi có kết quả xét nghiệm 3 lần âm tính với SARS-CoV-2 sẽ được đưa về cách ly 14 ngày tại địa phương để có thể bảo đảm an toàn cho người bệnh và cộng đồng. “Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi sát diễn biễn của các ca bệnh nặng. Tiểu Ban điều trị của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 thường xuyên hội chẩn, điều chỉnh và áp dụng các phác đồ điều trị mới, nhất là đối với các bệnh nhân có bệnh nền, để tích cực theo dõi, điều trị thích ứng với thể trạng, bệnh lý, hạn chế thấp nhất tỉ lệ tử vong. Hy vọng trong thời gian tới, với sự nỗ lực của các chuyên gia đầu ngành thông qua hội chẩn trực tuyến, chúng ta sẽ tập trung được nguồn lực, trí tuệ của ngành y tế để cứu chữa cho các bệnh nhân nặng”, ông Nguyễn Trường Sơn cho biết. Vẫn còn tình trạng buông lỏng Đại tá Trần Đình Chung, Phó Giám đốc Công an thành phố nhìn nhận, mặc dù các đơn vị, sở, ngành đã, đang triển khai các biện pháp phòng, chống dịch nhưng vẫn còn tình trạng buông lỏng trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Hiện nay những khu vực giáp ranh giữa các địa phương, giáp ranh ở các vùng quê vẫn còn tình trạng vi phạm quy định về công tác phòng, chống dịch. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố, tính đến chiều ngày 13-8, các địa phương đã tiến hành xử phạt 451 trường hợp với số tiền hơn 551 triệu đồng, trong đó nhiều nhất vẫn là các hành vi vi phạm không đeo khẩu trang theo quy định, tụ tập đông người, tụ tập sử dụng ma túy trái phép, đánh bạc... PHAN CHUNG |
Tính đến 18 giờ chiều 13-8, Việt Nam có tổng cộng 905 ca mắc Covid-19, trong đó, số ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25-7 đến nay là 438 ca. Trong đó 20 bệnh nhân đã tử vong. |
PHAN CHUNG