ĐNO - Sáng 13-11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố cho biết, UBND thành phố vừa ban hành Công văn số 7451/UBND-SLĐTBXH ngày 12-11-2020 về hỗ trợ thiệt hại nhà ở do bão. Cũng trong sáng nay nhiều người dân, ngư dân, doanh nghiệp, đơn vị... khẩn trương triển khai phòng, chống bão số 13.
Trong sáng 13-11, nhiều người dân tranh thủ thời tiết khô ráo để chằng chống thêm cho mái tôn phòng, chống bão số 13. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Theo đó, UBND thành phố thống nhất mức hỗ trợ nhà ở bị thiệt hại do bão số 9, gồm: Hỗ trợ cho nhà đang ở bị sập hoặc cháy hoàn toàn 40 triệu đồng/hộ; hỗ trợ nhà đang ở bị sập một phần, tốc mái hoàn toàn, không ở được là 20 triệu đồng/hộ; hỗ trợ cho nhà đang ở bị sập một phần, tốc mái hoàn toàn nhưng vẫn còn ở được 10 triệu đồng/hộ.
Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố sử dụng nguồn kinh phí cứu trợ của thành phố để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai cho 107 nhà ở bị thiệt hại do bão. Ngoài các trường hợp trên, UBND các quận, huyện chỉ đạo các địa phương chủ động cân đối nguồn ngân sách của địa phương và huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ khắc phục, sửa chữa nhà ở do bão.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng nhắc nhở các ngư dân chằng chống, neo đậu tàu cá an toàn tại âu thuyền Thọ Quang. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đà Nẵng, từ sáng sớm 13-11, tại khu vực âu thuyền Thọ Quang, vịnh Mân Quang, cầu cảng CT.15..., nhiều ngư dân tiếp tục neo buộc, phủ nilon che chắn các tàu thuyền. Những người nuôi thủy sản trên các lồng bè cũng tranh thủ neo buộc lồng bè để tránh trôi dạt.
Tại các khu dân cư, nhiều người dân tranh thủ thời tiết tạnh ráo để chằng chống mái tôn, chống ngập tầng hầm.
Nhiều tàu thuyền được bổ sung thêm các vật dụng để chống hư hại khi va đập do gió bão. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, đến sáng 13-11, 1.240 tàu cá của ngư dân Đà Nẵng đều đã neo đậu tại bến, chỉ còn 2 tàu cá đang hoạt động trên vùng biển Vũng Tàu, nằm ngoài khu vực nguy hiểm trên biển. 24 tàu du lịch neo đậu tại khu vực Đảo Xanh và sông Cổ Cò (phía thượng nguồn sông Hàn), tạm ngừng hoạt động. Các địa phương đã chỉ đạo, tổ chức neo, đậu lồng bè, nuôi trồng thủy sản, nghiêm cấm, không cho người ở lại trên lồng bè khi thiên tai kể từ 15 giờ ngày 13-11-2020.
Từ ngày 11-11, các sở, ngành, quận, huyện, xã, phường, cơ quan, đơn vị đã triển khai ứng phó với bão số 13. Các cơ quan chức năng và địa phương đã tăng cường, thường xuyên thông báo tin bão đến nhân dân chủ động phòng chống bão. Hiện nay, các địa phương đang rà soát lên danh sách và triển khai kế hoạch sơ tán nhân dân, công nhân, sinh viên... ở trong các nhà không bảo đảm an toàn đến nơi tránh trú bão an toàn.
Lực lượng chức năng xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) đến tận nhà đưa người dân đi sơ tán để bảo đảm an toàn. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Sở Xây dựng, các ngành, địa phương đã chỉ đạo tổ chức phòng, chống ứng phó với bão cho các công trình xây dựng; kiểm tra, triển khai các biện pháp phòng, chống ngập úng do mưa lớn cho các khu dân cư, công trình đang thi công dở dang; kiểm tra các tuyến đường có nguy cơ sạt lở để triển khai biện pháp bảo vệ; chuẩn bị sẵn sàng các thiết bị, phương tiện (xe cẩu, ô-tô, thuyền,…) để ứng cứu trong bão...
Họa đồ vị trí và hướng di chuyển của bão số 13. (Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia) |
* Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 7 giờ ngày 13-11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,3 độ vĩ bắc, 115,7 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 410km về phía đông đông nam với sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 15.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 7 giờ ngày 14-11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ vĩ bắc, 111,4 độ kinh đông trên vùng biển phía nam của quần đảo Hoàng Sa với sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 15.
Trong từ 24-48 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc với tốc độ từ 15-20km/giờ. Đến 7 giờ ngày 15-11, vị trí tâm bão ở khoảng 16,9 độ vĩ bắc, 107,4 độ kinh đông, ngay trên bờ biển từ Quảng Bình đến Quảng Nam với sức gió mạnh nhất cấp 8-9, giật cấp 12.
Từ đêm nay (13-11), vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn) có gió mạnh dần lên cấp 7-8, vùng gần tâm bão cấp 9-10, giật cấp 12; biển động rất mạnh. Từ sáng 14-11, trên đất liền từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng ven biển có nơi cấp 9, giật cấp 11.
Từ ngày 14 đến 16-11, từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 150-250 mm, có nơi trên 350 mm; ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi có mưa to với lượng mưa từ 50-150mm.
HOÀNG HIỆP