Hỗ trợ người dân sinh kế thoát nghèo

.

Theo chỉ tiêu thành phố giao năm 2020, quận Cẩm Lệ giảm 174 hộ nghèo, tuy nhiên, kết thúc năm 2020, quận đã giảm được 268 hộ nghèo. Đây là nỗ lực rất lớn của quận trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Đại diện nhóm công tác xã hội thành phố Đà Nẵng tặng quà cho người nghèo của quận Cẩm Lệ bị ảnh hưởng do Covid-19. Ảnh: T.V
Đại diện nhóm công tác xã hội thành phố Đà Nẵng tặng quà cho người nghèo của quận Cẩm Lệ bị ảnh hưởng do Covid-19. Ảnh: T.V

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Từ nhiều năm nay, công tác giảm nghèo luôn được các cấp chính quyền, hội, đoàn thể của quận Cẩm Lệ quan tâm và triển khai đồng bộ với nhiều biện pháp nhằm giúp người dân cải thiện kinh tế gia đình. Định kỳ đầu năm, cả 6 phường trên địa bàn quận đều tổ chức đối thoại với các hộ nghèo để nghe họ trình bày hoàn cảnh gia đình cũng như đưa ra nguyện vọng, mong muốn cải thiện kinh tế. Trên cơ sở này, chính quyền địa phương sẽ trao đổi cụ thể, bàn bạc với người dân tìm phương án sinh kế, tiếp cận nguồn vốn vay tốt nhất. Nhờ vậy, trong năm 2020, toàn quận có 283 hộ vay vốn ưu đãi với tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng.

Quận Cẩm Lệ đã triển khai thực hiện kịp thời nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thành phố dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong năm 2020, đã có 30 hộ dân trên địa bàn được hỗ trợ với số tiền gần 500 triệu đồng để sửa chữa và xây mới nhà; cấp 4.309 thẻ bảo hiểm y tế cho các hộ nghèo, cận nghèo và hộ vừa thoát nghèo; miễn giảm học phí, trao học bổng, tặng dụng cụ học tập, xe đạp... cho hơn một ngàn lượt trẻ em thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ tiền điện cho 1.043 hộ nghèo...

Đặc biệt, trước ảnh hưởng của Covid-19 và thiên tai diễn biến phức tạp trong năm qua, quận đã lập danh sách hỗ trợ kinh phí kịp thời (2 đợt) cho gần 10.000 lượt hộ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn Trung ương và theo chuẩn thành phố. Ngoài ra, thông qua kênh vận động, hỗ trợ từ Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, quận và các địa phương đã hỗ trợ, giúp đỡ 165 hộ thuộc diện hộ nghèo... Song song đó, các hội, đoàn thể như phụ nữ, thanh niên, nông dân... tích cực triển khai các chương trình vận động gây quỹ, nhân rộng mô hình làm ăn hiệu quả, giới thiệu việc làm cho hội viên... Nhờ vậy, đã có hàng trăm hội viên nghèo được giúp đỡ để vượt qua khó khăn do đại dịch và thiên tai gây nên.

Đa dạng hóa sinh kế, giúp người nghèo vươn lên

Theo chỉ tiêu thành phố giao, năm 2020 quận Cẩm Lệ giảm 174 hộ nghèo, tuy nhiên, kết thúc năm 2020, quận đã giảm được 268 hộ nghèo. Như vậy, quận đã vượt chỉ tiêu giảm nghèo trong năm 2020. Tuy nhiên, theo bà Đỗ Lê Hạ Yên, Phó phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) quận Cẩm Lệ, kết quả đạt được chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo khá cao. Trong những năm qua, chính quyền các cấp và các hội, đoàn thể đều có nhiều nỗ lực để giúp người dân giảm nghèo nhưng nhìn chung, bức tranh tổng thể vẫn chưa ổn định.

Đặc điểm chung của hơn 1.000 hộ dân thuộc diện hộ nghèo trên địa bàn quận Cẩm Lệ hiện nay chủ yếu là buôn bán, trồng trọt, chăn nuôi quy mô nhỏ. Chính vì vậy, khi xảy dịch bệnh, thiên tai, gần như ngay lập tức, họ rơi vào tình cảnh khó khăn. Điều này thể hiện rất rõ trong năm 2020, quận có 112 hộ tái nghèo, 129 hộ quay trở lại hộ cận nghèo.

Chia sẻ quan điểm này, bà Ông Thị Thủy, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Thọ Tây cho biết thêm, năm 2020, phường giảm 30/30 hộ nghèo, giảm được 20/30 hộ cận nghèo theo kế hoạch đề ra. Đây là kết quả thấp nhất trong những năm qua vì trên địa bàn hiện còn trên 100 hộ diện hộ nghèo và gần 100 hộ cận nghèo. Tương tự bà Phan Thị Kim Diệu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hòa Phát cũng cho biết, năm nay Hội Liên hiệp Phụ nữ chỉ giảm 8/9 hộ hội viên nghèo và 3/4 hộ hội viên cận nghèo. Đây là chỉ tiêu đã được điều chỉnh theo hướng giảm bớt vì ảnh hưởng dịch bệnh nhưng cuối cùng vẫn không thể đạt được.

Để giải bài toán về giảm nghèo theo hướng bền vững, bà Đỗ Lê Hạ Yên cho biết, UBND quận đã xây dựng kế hoạch cho năm 2021 và những năm sau. Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương chính sách của Nhà nước và thành phố dành cho các hộ nghèo và cận nghèo, hướng lâu dài của quận là sẽ giúp người dân đa dạng hóa ngành nghề. Thời gian đến các địa phương sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền vận động người dân học nghề, cũng như giới thiệu nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả để người dân tiếp cận, triển khai.

Bên cạnh đó, quận sẽ tích cực hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để tổ chức làm ăn, sản xuất kinh doanh... Trong khi đó, với đặc điểm địa bàn của địa phương khó phát triển nông nghiệp được, vì vậy theo bà Ông Thị Thủy, phường Hòa Thọ Tây sẽ làm cầu nối cho người dân học nghề, chuyển đổi ngành nghề, khuyến khích người dân làm công nhân tại Khu công nghiệp Hòa Cầm để có việc làm lâu dài, ổn định.

Thiết nghĩ, bên cạnh những nỗ lực của chính quyền, hội, đoàn thể địa phương, về phía người dân cũng cần mạnh dạn thay đổi quan điểm từ làm nông dân, buôn bán nhỏ sang làm công nhân, hoặc chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhằm chủ động cải thiện kinh tế gia đình một cách bền vững.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.