Vận động sinh viên, công nhân đi bầu cử

.

Đà Nẵng hiện có số lượng lớn công nhân, sinh viên ngoại tỉnh đang tạm trú sinh sống, làm việc và học tập. Để bảo đảm quyền và nghĩa vụ của công dân trong bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các ngành, địa phương của thành phố đã tích cực triển khai cho công nhân, sinh viên đăng ký bỏ phiếu tại nơi tạm trú và đẩy mạnh tuyên truyền để công nhân, sinh viên tham gia bầu cử đúng quy định.

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) nghiên cứu thông tin các ứng cử viên tại khu vực bỏ phiếu số 13, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu. Ảnh: LAM PHƯƠNG
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) nghiên cứu thông tin các ứng cử viên tại khu vực bỏ phiếu số 13, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu. Ảnh: LAM PHƯƠNG

“Lá phiếu trách nhiệm” của cử tri trẻ

Trên địa bàn thành phố hiện có 10 trường đại học, 13 trường cao đẳng với gần 83.000 sinh viên, trong đó phần lớn sinh viên ngoại tỉnh. Bên cạnh những sinh viên chọn về quê bỏ phiếu, nhiều sinh viên đang sống tại ký túc xá các trường đăng ký bỏ phiếu tại nơi tạm trú. Theo anh Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Đà Nẵng, vừa qua, Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức cuộc thi trực tuyến mang tên “Lá phiếu trách nhiệm” cho đoàn viên, thanh niên, sinh viên nói chung với 22.634 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia cuộc thi.

Riêng trong đối tượng sinh viên, Hội Sinh viên thành phố triển khai làm các bản Infographic (đồ họa thông tin), các bộ câu hỏi-đáp về bầu cử và triển khai về các trường để sinh viên nghiên cứu, tìm hiểu. Tại các trường cao đẳng, đại học, Phòng Công tác sinh viên trường phối hợp với chính quyền địa phương triển khai cho sinh viên đăng ký chọn nơi bỏ phiếu, lập danh sách cử tri; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về bầu cử cho sinh viên.

Theo ông Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng (Đại học Đà Nẵng), trường có khoảng 4.000 sinh viên đăng ký bỏ phiếu. Nhà trường đã phối hợp với phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) lập, niêm yết danh sách cử tri, danh sách ứng cử viên tại 2 khu vực bỏ phiếu trong khuôn viên trường để sinh viên theo dõi; đồng thời treo pano, áp phích, băng rôn tuyên truyền tại các điểm bỏ phiếu.

Trong cuộc bầu cử sắp đến, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) có 721 sinh viên tạm trú tại ký túc xá đăng ký bỏ phiếu. Theo Thạc sĩ Phạm Kim Tuấn, Trưởng phòng Tổ chức, Hành chính, công tác tuyên truyền về bầu cử được thực hiện qua nhiều kênh như: sinh hoạt chủ nhiệm của các lớp, tuyên truyền trực quan. Riêng đối với 721 cử tri tham gia bầu cử, nhà trường tổ chức họp, giao nhiệm vụ cho Tổ sinh viên tự quản ký túc xá quán triệt thông tin về bầu cử đến từng phòng. Bên cạnh đó, trong chương trình phát thanh hằng ngày của ký túc xá cũng thường xuyên đưa thông tin về bầu cử; nhắc sinh viên nhớ và đi bầu cử đúng ngày.

Em Nguyễn Đức Anh (quê Hà Tĩnh), sinh viên Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) đăng ký bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu số 2, phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu). Hằng ngày, qua hệ thống loa phát thanh của ký túc xá trường, Đức Anh được nghe các thông tin về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp. Bên cạnh đó, Đức Anh cũng thường xuyên đến điểm niêm yết đọc danh sách ứng cử viên, nghiên cứu thông tin về từng ứng cử viên để có quyết định sáng suốt trong ngày bầu cử.

Vận động, tạo điều kiện để công nhân đi bầu cử

Để chuẩn bị tốt cho cuộc bầu cử, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố đã ban hành kế hoạch tổ chức tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 để tuyên truyền đến đoàn viên, công nhân, lao động (CNLĐ). Theo Chủ tịch LĐLĐ thành phố Nguyễn Duy Minh, các hoạt động tuyên truyền chia thành 3 đợt: trước, trong và sau bầu cử.

Trước thời điểm Covid-19 xuất hiện trở lại, LĐLĐ quận Hải Châu và huyện Hòa Vang đã tổ chức tuyên truyền bầu cử cho hàng trăm cán bộ Công đoàn cơ sở, đoàn viên, người lao động. Khi Covid-19 diễn biến phức tạp, LĐLĐ các quận, huyện phối hợp cùng chính quyền địa phương linh hoạt chuyển đổi các hình thức tuyên truyền phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch.

Theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Liên Chiểu Lê Thế Nhân, qua rà soát, lập danh sách cử tri, toàn quận có khoảng 6.000 cử tri là công nhân và hơn 9.700 cử tri là sinh viên. Để vận động công nhân đi bầu cử đúng ngày, đúng quy định, chính quyền, Mặt trận, hội, đoàn thể từ quận đến khu dân cư đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung về bầu cử qua mạng xã hội, loa di động, băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi,… đến cử tri nói chung, cử tri là CNLĐ nói riêng. Nội dung tuyên truyền tập trung vào tiêu chí “3 biết”: biết ứng cử viên, biết quy trình bầu cử và biết khu vực bỏ phiếu của mình.

Theo ông Nguyễn Hữu Hà, Phó Chủ tịch HĐND phường Hòa Khánh Bắc, phường có tổng cộng 3.617 công nhân, sinh viên được cấp thẻ cử tri để bỏ phiếu. Bên cạnh đó, Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng tăng cường chỉ đạo tuyên truyền, vận động các chủ doanh nghiệp không tăng ca, tạo điều kiện cho công nhân đi bỏ phiếu bầu cử.

Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng chỉ đạo cán bộ Công đoàn tại các doanh nghiệp thường xuyên đăng tải thông tin, quy định về bầu cử cũng như tuyên truyền về công tác phòng, chống Covid-19 trong các nhóm Zalo, Facebook nội bộ để mọi CNLĐ đều tiếp cận.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.