Tổng đài 1022 - kênh tiếp nhận thông tin hữu ích của người dân

.

Trung tâm Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng - đơn vị vận hành Tổng đài 1022 đã trở thành kênh tiếp nhận thông tin hữu ích của người dân thành phố. Từ việc hướng dẫn thủ tục hành chính, góp ý của công dân đều được ghi nhận và xử lý kịp thời. Ngoài ra, trung tâm phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ phòng, chống Covid-19.

Đường dây nóng của Tổng đài 1022 luôn có người túc trực, tiếp nhận thông tin để hỗ trợ người dân.Ảnh: NHẬT HẠ
Đường dây nóng của Tổng đài 1022 luôn có người túc trực, tiếp nhận thông tin để hỗ trợ người dân. Ảnh: NHẬT HẠ

Khi dịch bùng phát trở lại giữa năm 2021, mỗi ngày đi làm, chị Đặng Minh Trâm (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) đều qua chốt kiểm soát tại đoạn dự án Cocobay (đường Trường Sa, quận Ngũ Hành Sơn) và phải khai báo y tế. Nhờ cài sẵn ứng dụng “Da Nang Smart City”, chị Trâm khai báo sẵn các thông tin trên app, mỗi lần qua chốt chị chỉ cần quét QR code là xong, rất nhanh chóng, thuận tiện. Ứng dụng “Da Nang Smart City” là một trong số các sản phẩm của Trung tâm Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng triển khai tích hợp các dịch vụ, tiện ích tra cứu dành cho công dân như phản ánh góp ý, tra cứu tiền điện, nước, camera trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến (có cả khai báo y tế để phục vụ phòng, chống Covid-19).

Theo ông Nguyễn Văn Quốc, Giám đốc Trung tâm Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng, ngoài ứng dụng này, đơn vị đã triển khai và vận hành các ứng dụng khác như ứng dụng “Khai báo y tế điện tử và kiểm soát vào, ra qua QR code”, ứng dụng Da Nang Smart City, app Da Nang Smart City có gần 300.000 lượt tải.
Tính đến thời điểm hiện tại có hơn 6,2 triệu lượt khai báo y tế; hơn 7,7 triệu lượt check-in qua quét QR code (tính đến ngày 7-10). Trung tâm đã triển khai cài đặt ứng dụng khai báo y tế, các thiết bị quét QR code phục vụ hoạt động của 20 chốt kiểm soát dịch của thành phố. Đến nay tại các chốt kiểm soát dịch, có khoảng 2,35 triệu lượt quét qua chốt. Các dữ liệu này được trung tâm khai thác, phối hợp với các đơn vị liên quan trích xuất phục vụ việc truy vết dịch tễ, kiểm soát việc vào, ra trên địa bàn thành phố.

Ngoài các ứng dụng, tổng đài gọi tự động thông báo các trường hợp tiếp xúc gần với F0, F1; hỗ trợ người dân khai báo thông tin cũng sớm được triển khai. Cụ thể, với các ca F0 liên quan đến âu thuyền Thọ Quang, chợ siêu thị Nguyễn Kim, tổng đài đã gọi 1.879 người thông báo cho người dân từng đến địa điểm tiếp xúc với F0, trong đó 1.105 người đã nghe máy (cuộc gọi thành công) và có 84 người khai báo thông tin dịch tễ.

Một trong những ứng dụng tiêu biểu khác đã được triển khai để người dân có thể dễ dàng tra cứu được thông tin, chủ động phòng dịch là “Bản đồ Covidmaps”. Đây là cơ sở dữ liệu bệnh nhân và bản đồ dịch tễ Covidmaps được Trung tâm Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng phối hợp Công ty BusMap (nay là Phenikaa Maas) xây dựng, đưa vào hoạt động từ năm 2020. Bản đồ dịch tễ Covidmaps cập nhật thường xuyên thông tin từ các bản tin dịch tễ của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố, bao gồm các thông tin dịch tễ của các bệnh nhân, cơ sở cách ly tập trung, vùng cách ly y tế, các chốt kiểm soát dịch, các địa điểm cảnh báo là nơi bệnh nhân đến trong vòng 14 ngày và ngoài 14 ngày... Trung tâm Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng cũng cập nhật các địa điểm tiêm chủng và 350 điểm bán hàng thiết yếu để người dân thuận tiện tìm kiếm. Theo thống kê đến nay, có khoảng 2,7 triệu lượt truy cập bản đồ Covidmaps.

Ngoài việc triển khai các ứng dụng kịp thời, nhanh chóng, tạo sự thuận tiện trong công tác phòng, chống dịch, Tổng đài 1022 còn thường xuyên cập nhật, tăng cường công tác truyền thông. Hơn 879 lượt tin, bài đã được đăng tải qua các kênh Zalo “Tổng đài 1022 Đà Nẵng”. Hằng ngày Tổng đài 1022 cung cấp thông tin về tình tình Covid-19 đến hơn 900.000 tài khoản Zalo tại Đà Nẵng; đăng tải hơn 950 lượt tin, bài trên Facebook “Tổng đài 1022” với hơn 17.900 lượt người theo dõi. Các tin nhắn từ động từ chatbot Tổng đài 1022 gửi đi các nội dung bao gồm: hướng dẫn khai báo y tế trực tuyến, các thông tin dịch tễ qua Covidmaps, hệ thống tổng đài thông báo tự động và các thông tin dịch tễ quan trọng khác của thành phố...

Ông Nguyễn Văn Quốc cho biết, tới đây, Trung tâm Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng tiếp tục vận hành tốt các ứng dụng hiện tại như khai báo y tế, quản lý việc vào, ra qua quét QR code, Covidmaps. Đơn vị sẽ phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan triển khai hiệu quả cũng như đề xuất thêm các giải pháp để đưa thông tin về lịch tiêm chủng đến với người được tiêm nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm giãn cách tại điểm tiêm chủng, góp phần triển khai công tác tiêm chủng an toàn.

NHẬT HẠ

;
;
.
.
.
.
.