Chính trị - Xã hội

Mạnh tay với nạn khai thác khoáng sản trái phép

08:55, 26/09/2022 (GMT+7)

Công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn huyện Hòa Vang từng bước được siết chặt, kịp thời ngăn chặn và xử lý nhiều trường hợp cố tình khai thác khoáng sản trái phép.

Lực lượng chức năng xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang bắt quả tang đối tượng xúc đất trộm tại thôn Đại La. Ảnh: TRỌNG HÙNG
Lực lượng chức năng xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang bắt quả tang đối tượng xúc đất trộm tại thôn Đại La. Ảnh: TRỌNG HÙNG

Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Hòa Vang, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, UBND huyện đã xử lý 6 trường hợp; trong đó có 2 trường hợp tự ý san gạt làm biến dạng địa hình. Đồng thời, phối hợp Công an huyện xử lý 4 trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và xử phạt hành chính với tổng số tiền gần 736 triệu đồng. Bên cạnh đó, Phòng TN&MT chủ động kiểm tra và làm việc với đơn vị chủ đầu tư dự án, tham mưu UBND huyện có văn bản yêu cầu dừng vận chuyển đất san nền tại dự án Khu tái định cư Tân Ninh (xã Hòa Liên) giai đoạn 1 mở rộng vận chuyển từ Khu Công nghệ cao ra điều phối; dừng khai thác mỏ đất đồi do Công ty TNHH Biên Giới thực hiện do vi phạm cao trình khai thác.

Ông Trương Tấn Mạnh, Trưởng phòng TN&MT huyện Hòa Vang cho rằng, mặc dù số vụ vi phạm trong thời gian qua được cơ quan chức năng phát hiện nhiều, tuy nhiên tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác khoáng sản diễn biến phức tạp một phần là do trên địa bàn huyện đang triển khai thi công nhiều tuyến đường giao thông như: đường vành đai phía tây, đường vành đai phía tây 2, đường ĐT 601, đường ĐH2... Trong quá trình thi công dọc các tuyến do ảnh hưởng thu hồi một phần, phần đất còn lại các hộ dân tự ý san gạt, cải tạo mặt bằng để xây dựng lại nhà trên phần diện tích đất còn lại không thu hồi và lợi dụng vận chuyển đất ra khỏi khu vực.

Bên cạnh đó, huyện có nhiều dự án đang triển khai nên nhu cầu đất san lấp hạ tầng rất lớn. Thế nhưng nguồn đất san lấp làm vật liệu xây dựng đang thiếu do trên địa bàn chỉ có 2 mỏ khai thác đất đồi, từ đó trong quá trình thi công công trình dự án, tổ chức, cá nhân bất chấp quy định pháp luật, cố tình khai thác khoáng sản trái phép.

Theo ông Nguyễn Tấn Khoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, hiện trên địa bàn có 13 mỏ khai thác khoáng sản giai đoạn 2021-2022; trong đó có 10 mỏ đá xây dựng, 1 mỏ đất sét  và 2 mỏ đất đồi. Vừa qua, thành phố đã cấp phép cho 3 mỏ được phép khai thác đất tầng phủ. Vì vậy, để bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, các cơ quan chuyên môn của huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành khai thác khoáng sản đúng tọa độ, diện tích, mức sâu, trữ lượng, công suất theo quy định; thực hiện đúng, đủ các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường; phương pháp, quy trình kỹ thuật; bảo đảm an toàn kỹ thuật, an toàn mỏ, lao động và an toàn vật liệu nổ.

Huyện đã thành lập tổ thông tin, xử lý trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản và môi trường; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong tổ cũng như chủ tịch UBND 11 xã trong việc quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản; đồng thời chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện về nhiệm vụ được phân công và không để tình trạng khai thác trái phép tiếp diễn xảy ra. “Thời gian tới, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên khoáng sản trên diện rộng, nhất là ở các xã thường xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán trái phép cát, sạn lòng sông; đẩy mạnh công tác giám sát, tuần tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các vi phạm trong lĩnh vực khai thác, vận chuyển, mua bán tài nguyên, cát, đá, đất…”, ông Khoa nhấn mạnh.

TRỌNG HÙNG

.