Giám sát công tác hỗ trợ người dân ảnh hưởng bởi Covid-19

.

Thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tăng cường công tác giám sát để việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được hiệu quả, đúng đối tượng.

Người dân khó khăn bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn nhận gạo hỗ trợ qua hình thức ATM gạo miễn phí. Ảnh: TRỌNG HUY
Người dân khó khăn bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn nhận gạo hỗ trợ qua hình thức ATM gạo miễn phí. Ảnh: TRỌNG HUY

Trưởng ban Dân vận Quận ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Sơn Trà Nguyễn Văn Cửu cho biết, hiện toàn quận có 47.000 nhân khẩu được nhận hỗ trợ do ảnh hưởng bởi Covid-19, bình quân mỗi khẩu 10kg gạo hoặc 150.000 đồng tiền mặt. Mặt trận thành phố phân bổ về 150 tấn gạo và 2,5 tỷ đồng tiền mặt.

Cùng với đó là nguồn lực do quận vận động từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm ủng hộ. “Hộ được nhận hỗ trợ nếu có 2 khẩu sẽ được phát 20kg gạo; từ 3 khẩu trở lên có thể vừa được gạo và tiền để bảo đảm cân đối”, ông Cửu nói. Theo ông Nguyễn Văn Cửu, trong quá trình cấp phát hỗ trợ, công tác giám sát cũng thường xuyên được triển khai.

Cán bộ Mặt trận các cấp đến từng khu dân cư để lắng nghe, theo dõi dư luận và xác minh thông tin nhằm đưa ra quyết định hợp lý. “Qua giám sát thường xuyên, có nhiều dư luận nhân dân phản ánh chỗ này, chỗ kia, hộ này, hộ kia vì sao không được hỗ trợ. Khi kiểm tra, quả thật là có hộ chưa được hỗ trợ, nhưng xét theo tiêu chuẩn, điều kiện với hộ (bị) phân bì thì không bảo đảm. Chúng tôi phải giải thích cho người dân rằng trong điều kiện, khả năng chừng đó thì ưu tiên hộ khó khăn, bị ảnh hưởng nhiều hơn”, ông Cửu nói. Hiện nay, qua giám sát, Mặt trận quận Sơn Trà chưa phát hiện trường hợp hỗ trợ sai đối tượng hoặc phát sinh tiêu cực trong hỗ trợ.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hải Châu Trần Thị Cúc Hương cho biết, song song với quá trình cấp phát hỗ trợ, Mặt trận quận thường xuyên giám sát để việc hỗ trợ đến đúng người, đúng đối tượng. Cụ thể, ngoài rà soát danh sách do các phường gửi lên thông qua kênh giám sát của Mặt trận từ cấp quận đến cơ sở, địa phương còn thực hiện việc giám sát tại chỗ (tại địa điểm cấp phát).

Cán bộ Mặt trận kiểm tra, giám sát việc cấp phát đúng người, đúng đối tượng bằng trực quan kết hợp thăm hỏi cụ thể một số người dân được nhận hỗ trợ để bảo đảm tính chính xác, không nảy sinh tiêu cực. Do đó, đến nay trên địa bàn quận chưa phát sinh tiêu cực hay hỗ trợ không đúng đối tượng. Đợt vừa qua, theo danh sách quận Hải Châu đề xuất, Mặt trận thành phố phân bổ về địa phương 70 tấn gạo và trên 2,3 tỷ đồng để hỗ trợ người dân khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19. Cùng với nguồn lực vận động của địa phương, Mặt trận quận đã tiến hành cấp phát, hỗ trợ đến hộ dân gặp khó khăn đủ tiêu chuẩn, điều kiện nhận hỗ trợ, bảo đảm công tác an sinh xã hội trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Cửu và bà Trần Thị Cúc Hương đều cho hay, sau khi kết thúc chương trình cấp phát gạo và tiền hỗ trợ người dân, Mặt trận quận sẽ lập đoàn giám sát chuyên đề về công tác hỗ trợ chống dịch trong thời gian vừa qua nhằm bảo đảm hiệu quả cũng như phát huy tính nhân văn của việc hỗ trợ an sinh xã hội.

Ông Huỳnh Cự, Trưởng ban Dân vận Quận ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Ngũ Hành Sơn cũng cho biết, đến nay, quận có hơn 23.000 khẩu được nhận hỗ trợ do ảnh hưởng Covid-19 từ nguồn phân bổ của thành phố (gồm 100 tấn gạo và gần 2 tỷ đồng) và nguồn lực vận động của quận. Để giám sát công tác hỗ trợ, Mặt trận quận thành lập 4 tổ về 4 phường giám sát tại chỗ (khi triển khai cấp phát gạo - PV).

Bên cạnh đó, Mặt trận quận cũng giám sát ngẫu nhiên qua kiểm tra đột xuất một số hộ xem việc nhận hỗ trợ có thực sự đúng đối tượng và đủ tiêu chuẩn hay không. Được biết, quá trình lập danh sách được thực hiện qua việc rà soát, thống nhất của tổ dân phố, chi bộ, Mặt trận khu dân cư, rồi gửi lên phường tổng hợp. Hội đồng xét duyệt của phường tiếp tục rà soát, xét lại bảo đảm đúng, trúng và tránh trùng lắp, chồng chéo.

Tương tự, Mặt trận phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) cũng phối hợp UBND phường thành lập 5 tổ giám sát; đồng thời kiểm tra, rà soát hộ nghèo, hộ khó khăn, từ đó đề xuất lên phường để có phương án hỗ trợ kịp thời.

Ông Lê Từ Hòa, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) chia sẻ: “Khó khăn do dịch bệnh là khó khăn chung. Nhưng để được nhận hỗ trợ, phải xét tùy vào điều kiện, tiêu chuẩn theo thứ tự từ hộ nghèo, hoàn cảnh đặc biệt cho đến hộ ít khó khăn hơn mới bảo đảm hiệu quả cũng như đúng giá trị nhân văn, tinh thần hỗ trợ chống dịch”.

TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.