Bảo đảm bữa ăn sạch, an toàn cho người dân

.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) thành phố được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 1-1-2018 theo Quyết định số 1268/QĐ-TTg ngày 25-8-2017 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cơ quan trực thuộc UBND thành phố, có chức năng thực thi pháp luật, có thẩm quyền thanh tra chuyên ngành về ATTP trên địa bàn. Sau gần 3 năm đi vào hoạt động, đặc biệt là việc tập trung một đầu mối về công tác quản lý ATTP đã góp phần mang lại hiệu quả trong việc bảo đảm bữa ăn sạch, an toàn hơn cho người dân.

Cán bộ Ban Quản lý An toàn thực phẩm lấy mẫu ớt bột kiểm tra chất gây ung thư tại chợ Hàn năm 2019.  									Ảnh: PHAN CHUNG
Cán bộ Ban Quản lý An toàn thực phẩm lấy mẫu ớt bột kiểm tra chất gây ung thư tại chợ Hàn năm 2019. Ảnh: PHAN CHUNG

Những chính sách tiên phong

Với vai trò là cơ quan tham mưu ban hành cơ chế, chính sách về ATTP, trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2020, Ban Quản lý ATTP thành phố đã tham mưu UBND thành phố ban hành các văn bản về ATTP theo thẩm quyền. Trong số đó, phải kể đến Quyết định số 31/2018/QĐ-UBND ngày 28-9-2018 của UBND thành phố Đà Nẵng về Quy định phân công, phân cấp, phối hợp quản lý ATTP trên địa bàn thành phố; Quyết định số 5556/QĐ-UBND ngày 21-11-2019 về Ban hành Bộ tiêu chí về xây dựng mô hình chợ bảo đảm đủ điều kiện ATTP. Việc ban hành các văn bản này đã khắc phục tình trạng chồng chéo, không rõ trách nhiệm trong phân công quản lý ATTP và theo đúng tinh thần Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng về tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP. Sau khi được phân công nhiệm vụ, Ban Quản lý ATTP đã trực tiếp tham mưu thành phố ban hành kế hoạch thực hiện công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn thành phố, giúp cho việc triển khai tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về ATTP được thuận lợi và phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

Một trong những thay đổi rõ nét trong thời gian qua về lĩnh vực ATTP chính là cải thiện chất lượng thực phẩm, vệ sinh môi trường tại các chợ. Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban Quản lý ATTP thành phố cho biết, chợ truyền thống có vai trò là kênh phân phối thực phẩm chủ yếu đến người tiêu dùng. Theo thống kê, thành phố có 70 chợ, gồm có 66 chợ dân sinh và 2 chợ tạm, 2 chợ đầu mối nông sản, thủy sản. Trên cơ sở các văn bản đã ban hành về công tác quản lý ATTP, đơn vị đã phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện triển khai xây dựng các chợ đạt chuẩn về ATTP. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố đã có 8 chợ đạt được các tiêu chí về chợ ATTP.

Bên cạnh đó, việc xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm thực phẩm an toàn giúp thông tin đến người tiêu dùng những doanh nghiệp cam kết thực hiện tốt các quy định về ATTP, đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu thông qua việc duy trì và nâng cao tiêu chuẩn liên quan vấn đề này. “Hiện có 28 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm tham gia cam kết cung ứng chuỗi thực phẩm an toàn. Những sản phẩm của các đơn vị này được Ban Quản lý ATTP lấy mẫu giám sát các chỉ tiêu ATTP hằng năm. Trên cơ sở những doanh nghiệp tham gia cung ứng, hiện đã có 36 sản phẩm rau, thịt, thủy sản và các loại thực phẩm được xác nhận chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn. Đây là những địa chỉ mà người dân yên tâm lựa chọn, sử dụng thực phẩm vì các chỉ tiêu an toàn được kiểm tra, thẩm định thường xuyên”, ông Hải cho biết.

Để tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm, Ban Quản lý ATTP tổ chức cấp, đình chỉ, thu hồi các loại giấy chứng nhận, giấy xác nhận, giấy tiếp nhận trong lĩnh vực này, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; tham mưu UBND thành phố ban hành bộ tiêu chí ATTP đánh giá xếp hạng dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố. Sự thay đổi này tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc điều chỉnh, mở rộng, chuyển đổi hoạt động kinh doanh so với trước đây. Trong 2 năm 2018 và 2019, Ban Quản lý ATTP đã kiểm tra cấp giấy chứng nhận cho 5.089/5.122 cơ sở, đạt tỷ lệ 99,35% cơ sở được phân cấp quản lý. Do phần lớn thực phẩm tiêu thụ tại thành phố đều nhập từ các địa phương khác, vì vậy, Ban Quản lý ATTP đã tổ chức ký kết hợp tác giám sát, kiểm soát bảo đảm ATTP với 7 địa phương có sản lượng nông, lâm, thủy sản cung cấp cho thành phố với số lượng lớn.

Tăng cường truyền thông, xử phạt hành vi vi phạm

Xác định việc bảo đảm ATTP trong bữa ăn hằng ngày của người dân là một chiến dịch lâu dài, ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động, Ban Quản lý ATTP đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Nhiệm vụ này được thực hiện thường xuyên bằng hình thức tập huấn, nói chuyện chuyên đề, tọa đàm, hội thi, xây dựng video đồ họa, bản tin. Những năm qua, Ban Quản lý ATTP thành phố đã tổ chức 191 lớp tập huấn cho gần 20.000 người. Để cung cấp thông tin cho người dân, Ban Quản lý ATTP thành phố đã triển khai chức năng tra cứu thông tin về ATTP qua tin nhắn SMS, zalo với tổng số lượt tra cứu gần 9.000 lượt. Công tác thanh tra chuyên ngành về ATTP được triển khai thường xuyên, liên tục và đột xuất. Ban Quản lý ATTP thành phố đã chủ trì các đoàn thanh tra liên ngành về ATTP trên địa bàn, đặc biệt là các đợt cao điểm như Tết Nguyên đán, Tháng hành động, Tết Trung thu, Chiến dịch mùa hè, Lễ hội pháo hoa quốc tế... Trong 3 năm thành lập và đi vào hoạt động, Ban Quản lý ATTP đã thực hiện nhiều cuộc thanh tra chuyên ngành tập trung vào các chuyên đề như: nước uống đóng chai, nước đá; thực phẩm chức năng; dụng cụ, vật liệu bao gói, tiếp xúc và chứa đựng thực phẩm; phụ gia thực phẩm; bánh, mứt, kẹo; thủy sản và các sản phẩm thủy sản; sản phẩm từ thịt, rau, củ, quả... Sau hơn 4.200 lượt thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, lực lượng chức năng đã phát hiện 157 trường hợp vi phạm, xử phạt hơn 922 triệu đồng, trong đó có 20 cuộc thanh tra đột xuất với số tiền xử phạt hơn 450 triệu đồng.

Theo đánh giá, mô hình Ban Quản lý ATTP ra đời đã khắc phục được các hạn chế về phối hợp giữa các sở, ngành, đồng thời cho phép tập trung đầu mối quản lý ATTP đối với tất cả các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Do đó, công tác nắm bắt tình hình thực tiễn được bao quát hơn, công tác tham mưu và giải quyết các vấn đề về mất ATTP được nhanh chóng, kịp thời. Việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin nhanh chóng hơn do giảm được thời gian phát hành văn bản phối hợp qua lại giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan. “Ngoài ra, Ban Quản lý ATTP còn là đầu mối giải quyết các chỉ đạo của cơ quan Trung ương như: Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác ATTP; đồng thời là đầu mối triển khai thực hiện các chỉ đạo của địa phương từ Thành ủy, HĐND, UBND, giúp việc thực hiện chỉ đạo của các cấp Trung ương, địa phương thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt và hiệu quả hơn so với việc thực hiện ở từng ngành, từng cơ quan, đơn vị riêng biệt”, ông Nguyễn Tấn Hải nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý Nhà nước về ATTP vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Hiện nay luật, nghị định chưa quy định Ban Quản lý ATTP tham gia xử phạt vi phạm hành chính nên việc thực thi pháp luật bị hạn chế. Mô hình tập trung đầu mối về quản lý ATTP mới triển khai ở cấp thành phố, đối với cấp quận/huyện vẫn thực hiện phân công quản lý ATTP theo 3 ngành với nguồn nhân lực mỏng, chủ yếu kiêm nhiệm nên việc kết nối quản lý theo hệ thống từ thành phố đến quận, huyện và phường, xã còn hạn chế. “Để Ban Quản lý ATTP hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất mô hình quản lý thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế và phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc áp dụng mô hình một cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm quản lý ATTP sẽ tạo được sức mạnh tổng hợp, gia tăng hiệu lực giảm thiểu các rào cản trong công tác phối hợp và giảm chồng chéo về trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan; bớt gây phiền hà cho các tổ chức và công dân hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm”, ông Nguyễn Tấn Hải đề xuất.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.