Bảo đảm an toàn thực phẩm trong tình hình mới

.

Từ ngày 1-1-2018, Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) thành phố đi vào hoạt động theo Quyết định số 1268/QĐ-TTg ngày 25-8-2017 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cơ quan trực thuộc UBND thành phố, có chức năng thực thi pháp luật, có thẩm quyền thanh tra chuyên ngành về ATTP trên địa bàn. Sau gần 3 năm đi vào hoạt động, đặc biệt là việc tập trung một đầu mối về công tác quản lý ATTP đã góp phần mang lại hiệu quả trong việc bảo đảm bữa ăn sạch, an toàn hơn cho người dân.

Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn quận Cẩm Lệ. Ảnh: PHAN CHUNG
Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn quận Cẩm Lệ. Ảnh: PHAN CHUNG

Sau khi thành lập, BQL ATTP trở thành đầu mối thống nhất tham mưu ban hành cơ chế, chính sách về ATTP cho thành phố. Theo đó, Quyết định số 31/2018/QĐ-UBND ngày 28-9 được UBND thành phố ban hành đã tạo cơ chế cụ thể trong thực thi chức năng, nhiệm vụ của BQL ATTP đồng thời phân cấp nhiệm vụ cụ thể đối với từng sở, ngành, quận, huyện, xã, phường; tránh chồng chéo trong công tác quản lý theo đúng tinh thần Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP. Để bảo đảm ATTP tại các chợ, ngày 21-11-2019, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 5556/QĐ-UBND xây dựng Bộ Tiêu chí về mô hình chợ bảo đảm đủ điều kiện ATTP.

Cơ sở pháp lý này không chỉ giúp bảo đảm ATTP tại các chợ mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh của chợ truyền thống với các cơ sở kinh doanh thực phẩm khác và ổn định cuộc sống hàng ngàn hộ tiểu thương, góp phần xây dựng văn minh thương mại.

Theo ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng BQL ATTP thành phố, sau khi thành lập và đi vào hoạt động, đơn vị đã tăng cường hiệu quả quản lý ATTP đối với các chợ, siêu thị và các cơ sở thuộc hệ thống dự trữ đồng thời xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn.

Chương trình thí điểm doanh nghiệp cam kết cung ứng thực phẩm an toàn được thành lập nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hướng đến kinh doanh minh bạch, trách nhiệm với cộng đồng, cam kết về ATTP trong sản phẩm cung ứng. Thông qua tuyên truyền, tập huấn và hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận, áp dụng các quy trình quản lý chất lượng, hỗ trợ mô hình sản xuất mới, BQL ATTP đã tham mưu xác nhận chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chương trình xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn nhằm thông tin đến người tiêu dùng những doanh nghiệp cam kết thực hiện tốt các quy định về ATTP, đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu thông qua việc duy trì và nâng cao tiêu chuẩn liên quan vấn đề này.

Để tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm, BQL ATTP tổ chức cấp, đình chỉ, thu hồi các loại giấy chứng nhận, giấy xác nhận, giấy tiếp nhận trong lĩnh vực này, đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Sự thay đổi này tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc điều chỉnh, mở rộng, chuyển đổi hoạt động kinh doanh so với trước đây. Trong 2 năm 2018 và 2019, BQL ATTP đã kiểm tra cấp giấy chứng nhận cho  5.089/5.122 cơ sở, đạt tỷ lệ 99,35% cơ sở được phân cấp quản lý.

Các giấy chứng nhận đa phần đều chấp hành các quy định về ATTP như cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ chế biến, sản xuất, nguyên liệu mua có nguồn gốc, bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ phù hợp, hợp vệ sinh…

“Một điểm nhấn trong hoạt động của BQL ATTP thời gian qua chính là việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm hành chính về ATTP. Nhiệm vụ này được thực hiện thường xuyên, theo kế hoạch vừa đột xuất đối với các cơ sở có dấu hiệu vi phạm”, ông Hải cho biết.

Theo đó, hằng năm, BQL ATTP chủ trì phối hợp với Công an thành phố, sở, ban, ngành liên quan tổ chức các cuộc thanh tra liên ngành, tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất tại địa phương, các đại lý phân phối thực phẩm, cơ sở kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm. Trong năm 2018, lực lượng chức năng đã thanh tra, kiểm tra 21.983 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống. Qua đó, phát hiện, xử lý 587 cơ sở vi phạm với số tiền xử phạt 1,9 tỷ đồng.

Tương tự, năm 2019, lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra 21.690 cơ sở, qua đó xử phạt vi phạm hành chính 291 cơ sở với số tiền 1,6 tỷ đồng. Qua thanh tra, kiểm tra, giám sát liên tục cho thấy số cơ sở vi phạm pháp luật về ATTP giảm từ 2,6% (2018) xuống còn 1,34% (2019), góp phần làm chuyển biến rõ rệt việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất thực phẩm, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý Nhà nước về ATTP vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Hiện nay luật, nghị định chưa quy định BQL ATTP tham gia xử phạt vi phạm hành chính nên việc thực thi pháp luật bị hạn chế. Mô hình tập trung đầu mối về quản lý ATTP mới triển khai ở cấp thành phố, đối với cấp quận/huyện vẫn thực hiện phân công quản lý ATTP theo 3 ngành với nguồn nhân lực mỏng, chủ yếu kiêm nhiệm nên việc kết nối quản lý theo hệ thống từ thành phố đến quận, huyện và xã, phường còn hạn chế. “Để BQL ATTP hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới, Ban đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất mô hình quản lý thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Việc áp dụng mô hình một cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm quản lý ATTP sẽ tạo được sức mạnh tổng hợp, gia tăng hiệu lực giảm thiểu các rào cản trong công tác phối hợp và giảm chồng chéo về trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan; bớt gây phiền hà cho các tổ chức và công dân hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm”, ông Hải đề xuất.

PHAN CHUNG

 

;
;
.
.
.
.
.