Thời sự và bàn luận

Điểm cộng và điểm trừ

07:40, 14/10/2014 (GMT+7)

Những ngày này, đi trên đường phố Đà Nẵng dễ dàng bắt gặp những băng-rôn tuyên truyền người dân sử dụng xăng sinh học E5. Thời gian đang đếm ngược vì bắt đầu từ ngày 1-11 tới đây, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên cả nước dùng xăng sinh học E5 thay thế xăng Mogas 92 trước đây.

Không phải ngẫu nhiên mà ngày 10-10 vừa qua, Bộ Công thương phối hợp với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam chọn thành phố Đà Nẵng tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện lộ trình phân phối xăng sinh học E5. Bởi theo đại diện của hai đơn vị này, lý do chọn Đà Nẵng để “nổ phát súng đầu tiên” vì đây là địa phương đang theo đuổi mục tiêu xây dựng Thành phố môi trường và ý thức của người dân luôn chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Thông tin từ 4 doanh nghiệp đầu mối cung cấp xăng và gần 100 đại lý bán xăng dầu lẻ trên địa bàn thành phố cũng cho biết đã sẵn sàng cho sự thay đổi này mà cái lợi là môi trường sống hơn là những con số trong kinh doanh thuần túy. Một điểm cộng cho Thành phố môi trường.

Cũng trong thời gian này, trên đường phố, chúng ta bắt gặp được những tốp công nhân đang cần mẫn lắp đặt bộ khung nhằm gia cố sức chịu đựng cho cây xanh đủ sức chống chọi với mùa mưa bão sắp đến. Hình ảnh có vẻ hơi lạ và cũng có phần “lãng phí” trong mắt những du khách thập phương vì mỗi cây xanh trên phố cần nguyên một bộ khung với 4 trụ chống đỡ 4 góc và bên dưới được hàn vào bộ khung rất kiên cố.

Thế nhưng với người dân thành phố, nơi nhiều năm liên tiếp hứng chịu những trận bão với sức gió trên cấp 12 - 13, việc gia cố cho cây xanh là rất cần thiết. Không đổ lỗi cho hoàn cảnh mà chủ động đối phó và “sống chung với bão” để trên các con phố luôn rợp bóng cây xanh là một hướng đi đúng đắn. Một điểm cộng nữa cho Thành phố môi trường.

Để xây dựng Thành phố môi trường, từ nhiều năm qua, Đà Nẵng đã kiên quyết “nói không” với những dự án gây ô nhiễm và “trải thảm đỏ” để đón chào những nhà đầu tư với công nghệ thân thiện môi trường. Còn nhớ vài năm trước, Đà Nẵng gây “sốc” trên cả nước khi kiên quyết từ chối một dự án luyện thép với tổng mức đầu tư lên đến cả tỷ USD.

Ở vùng đất miền Trung vốn khắc nghiệt về khí hậu và nhiều bất lợi khác, việc thu hút một dự án vài chục triệu USD đã là quý, thế nhưng Đà Nẵng “nói không” với dự án tỷ USD là chuyện... khó tin. Thế nhưng, khi thời gian cơn “sốc” lắng xuống, đặc biệt là khi một số địa phương đang đau đầu trong việc xử lý hậu quả của việc thu hút đầu tư bằng mọi giá, thì lúc này nhìn lại sự kiện Đà Nẵng từ chối dự án tỷ USD là một dấu cộng rất lớn trên con đường xây dựng một thành phố môi trường đúng nghĩa.

Mặc dù vậy, môi trường thành phố vẫn hiển hiện những “điểm trừ” mà quanh đi quẩn lại vẫn là câu chuyện về... rác. Đơn giản làm sao rác “nằm” đúng vị trí của nó, nhưng đó là cả một câu chuyện dài khó giải quyết. Lãnh đạo thành phố rất quyết tâm và cũng thể hiện bằng những chỉ đạo rất cụ thể, đến mức chưa có địa phương nào nghĩ đến như việc quy định “bỏ rác vào  giỏ” ở các quán ăn.

Thế nhưng, những cố gắng đó hình như vẫn chưa thể thay đổi được tập quán xả rác bừa bãi vẫn chưa thay đổi trong ý thức cũng như hành vi của một bộ phận người dân. Để rồi, rất nhiều quán nhìn vào chẳng khác nào cảnh ngồi ăn trên đống... rác. Còn các lô đất trống, chính quyền thành phố đã tốn nhiều công sức như bỏ kinh phí ra thu dọn, rào chắn, nhưng chỉ được một thời gian ngắn, rác lại ngập khắp nơi.

Để trở thành một Thành phố môi trường đúng nghĩa, không thể mọi việc dừng lại những dấu cộng từ những chủ trương, chính sách của lãnh đạo thành phố, mà rất cần những dấu cộng của từng người dân. Có như vậy, mục tiêu Thành phố môi trường mới trở thành hiện thực và hơn ai hết, chính người dân thành phố sẽ là người được thụ hưởng đầu tiên.

THANH SƠN

.