Thời sự và bàn luận

Trước mùa bão lụt

08:11, 24/10/2014 (GMT+7)

Tháng 10 dương lịch là thời gian bắt đầu mùa mưa bão ở miền Trung. Từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước đến nay, do biến đổi khí hậu và môi trường bị xâm hại, mưa bão ở miền Trung, mức độ và sự tàn phá của thiên tai đối với con người, tài sản và hạ tầng kỹ thuật lại càng dữ dội hơn. Vì thế, các nỗ lực của toàn xã hội dành cho việc phòng tránh, thích nghi với bão lụt càng cần được chú trọng…

Địa hình miền Trung, kể cả thành phố Đà Nẵng đều có chung đặc thù: Có cả vùng ven biển, đồng bằng, trung du và miền núi trong một không gian hẹp tính từ phía đông đến phía tây. Sông ngòi vì vậy có độ dốc cao, tạo thêm lũ quét, lũ ống rất nguy hiểm và cắt đứt nhiều tuyến giao thông huyết mạch vào những tháng cuối năm. Mưa bão lại tạo thêm cảnh éo le cho người dân khi cuối năm lại là những ngày lễ, Tết dân tộc mà nhu cầu ăn mặc, lễ nghi, thăm hỏi thường tăng cao…

Cho nên đến mùa mưa bão, người dân và chính quyền địa phương bao giờ cũng làm những “thao tác” đã trở nên quen thuộc: Xây dựng âu thuyền trú bão ở những nơi kín gió, xây kè bờ biển có nguy cơ sạt lở, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện ra khơi cứu hộ tàu thuyền. Vùng đồng bằng thì tính toán mùa vụ để thu hoạch trước khi bão lụt diễn ra, gia cố cầu cống, kênh mương, trụ điện, sửa chữa ghe thuyền và xây nhà cộng đồng tránh lũ…

Đối với miền núi, tuy dân cư ít nhưng đời sống lại khó khăn, tập quán canh tác lạc hậu; phải chủ động đưa gạo, thực phẩm thiết yếu dự trữ tại chỗ khi giao thông ách tắc, các làng bản bị cô lập. Phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống bão lụt nhờ vậy đã giảm đáng kể những thiệt hại về người và của khắp toàn vùng trong vài chục năm qua… Tuy vậy, vẫn còn không ít bất cập về quản lý Nhà nước trong tình hình mưa bão những tháng cuối năm cần được nhìn nhận để giảm thiểu thiệt hại, lãng phí, nhất là đầu tư công.

Theo chúng tôi, các nguồn kinh phí dành cho xây dựng cơ bản, sửa chữa đường sá… được phê duyệt theo tài khóa năm dương lịch (đầu tháng 1), đến lúc giải ngân được thường trải qua rất nhiều thủ tục và đơn vị được thụ hưởng khi có được tiền đã đối diện với mùa mưa bão. Nhiều đơn vị xây dựng “ở không” suốt 6 tháng đầu năm, qua tháng 7 trở đi mới thật sự có việc làm là do tình trạng này. Vì vậy, các “công trình vượt lũ” trong nhiều lĩnh vực như hồ chứa, đập ngăn, kênh mương thủy lợi, đê bao… từng bị lũ cuốn trôi là không tránh khỏi.

Nhiều công trình nhà ở, đào đắp tuy ít được nêu trên phương tiện truyền thông, nhưng cộng lại các lãng phí do thời tiết cũng không phải nhỏ. Đã có nhiều ý kiến điều chỉnh lại “năm kế hoạch” hay “tài khóa” từ tháng 9 năm trước đến tháng 9 năm sau hoặc bắt buộc chỉ ghi vốn và giải ngân cho các công trình đã đủ hồ sơ kỹ thuật để tránh những hệ lụy như vừa kể của các nhà phân tích, theo chúng tôi là phù hợp và khả thi trong điều kiện thời tiết, tập quán của miền Trung (và cả nước), vì như vậy các công trình xây dựng sẽ được giải ngân và thật sự có tiền thi công ngay từ những tháng khô nắng đầu năm.

Một vấn đề khác cũng nên được nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục. Có nên duy trì thói quen “nghỉ hè” cho học sinh, sinh viên như lâu nay? Một năm học (niên khóa) vẫn giữ đúng 9 tháng, nhưng bắt đầu từ đầu tháng 7 dương lịch thay vì tháng 9 như hiện nay và kết thúc vào tháng 5 năm sau. Học sinh vẫn được nghỉ 3 tháng bao gồm một nửa thời gian đó sau khi kết thúc năm học và một nửa khi hết học kỳ 1 vào tháng 10-11 khi mùa mưa bão mạnh nhất. Tính toán như vậy để tránh được trường hợp đến trường cả tháng mới làm lễ khai giảng vào đầu năm học và những thiệt hại về nhân mạng cho cả thầy cô khi phải đến trường trong những ngày mưa bão!

Mong sao, những ý kiến nêu trên sẽ được các đại biểu Quốc hội xem xét khi thảo luận những vấn đề liên quan trong kỳ họp đang diễn ra hiện nay.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

.