Thời sự và bàn luận

Đợi qua trung thu... hẳn tính!

07:45, 22/09/2015 (GMT+7)

Hôm qua (21-9), đoàn liên ngành Trung ương gồm Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Công an, v.v… đến Đà Nẵng kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) dịp Tết Trung thu.

Thời gian có hạn, đoàn chỉ kiểm tra thực tế 2 tiệm bánh, vốn là những cơ sở sản xuất, kinh doanh tương đối lâu năm và có tên tuổi tại thành phố. Kết cục là cả đoàn… ngã ngửa vì độ mất vệ sinh của cả hai nơi này.

Hai tiệm bánh là con số nhỏ trong tổng số các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh nói chung, bánh trung thu nói riêng trên địa bàn thành phố, nên đợt kiểm tra lần này chưa cho thấy hết bức tranh tổng thể “ngành công nghiệp làm bánh” của Đà Nẵng, nhưng “thực tế phũ phàng” cũng đủ nói lên nhiều điều.

Ông Phùng Thanh, Viện Pasteur Nha Trang, thành viên đoàn liên ngành Trung ương nói như than: Cơ sở sản xuất theo hình thức kinh doanh cá thể hộ gia đình, khu vực làm bánh lẫn lộn cùng các sinh hoạt khác. Ngay chỗ chế biến bánh mà có… 3 con mèo to tròn nằm ườn ra. Dép guốc cứ thế lết cả từ ngoài vào nhà! Bánh là loại thực phẩm ăn liền, ăn trực tiếp, nếu chế biến không bảo đảm thì nguy cơ ngộ độc rất cao. đâu cần đợi đến ngộ độc rồi mới lo, chưa thấy ngộ độc cũng phải dè chừng.

Tiếp lời ông Phùng Thanh, một đại diện ngành Y tế Đà Nẵng nói vui mà hơn thật: Mình thường báo cáo không có vụ ngộ độc chẳng qua là nói vậy thôi. Chưa ngộ độc chủ yếu do may mắn, có khi nhờ “sức đề kháng” của dân ta tốt, hoặc không quản lý, thống kê hết số người ngộ độc thực sự tại nhà hoặc tại cơ sở y tế. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay chưa xảy ra ngộ độc tập thể trên địa bàn cũng đâu phải là thành tích đáng ngợi ca. Nhiều vụ ngộ độc lẻ tẻ gộp lại có khi nhiều hơn cả một vụ tập thể.

Lạ là, trong khi đoàn liên ngành đi đến đâu thì phát hiện sai phạm đến đó, đặc biệt là sự nhếch nhác ở nơi sản xuất, người lao động không có chứng nhận sức khỏe hợp lệ, phụ gia không có công bố tiêu chuẩn, nhưng báo cáo của cơ quan chức năng Đà Nẵng trong dịp Tết Trung thu năm nay lại ghi rõ: Từ đầu tháng 9 đến nay, các đoàn liên ngành cấp thành phố đã thanh tra 14 cơ sở đều có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP theo quy định, sản phẩm đều được công bố chất lượng và có xét nghiệm định kỳ đối với sản phẩm đang sản xuất. Hầu hết các điểm kinh doanh bánh trung thu đều có nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, có đầy đủ hồ sơ công bố theo quy định và được bảo quản đúng hướng dẫn của nhà sản xuất!

Vì sao lại có chuyện biên bản kiểm tra ghi tốt mà thực tế lại vướng nhiều sai phạm? Chính những cán bộ làm công tác ATVSTP thừa nhận, do trình độ và thái độ kiểm tra thực phẩm còn qua loa, hời hợt, dẫn đến chuyện cán bộ không nhìn ra sai phạm. Chẳng hạn, với tờ giấy khám sức khỏe người lao động của cơ sở làm bánh, thoáng nhìn tưởng là tốt, nhưng xem xét kỹ thấy nhiều chi tiết không hợp lệ. Tờ kết quả khám sức khỏe không có ảnh, không có bất cứ thông tin kê khai nào của bệnh nhân, ngoài đơn độc một cái tên người lao động và chữ ký xác nhận sức khỏe “loại một” của bác sĩ (!). Vậy mà không ít cơ sở sản xuất thực phẩm và cơ sở y tế đã “móc ngoặc” nhau để cho ra tờ khám sức khỏe đối phó ngon lành với cơ quan thanh tra.

Trước sai phạm của cơ sở sản xuất, đoàn liên ngành đề nghị dừng hoạt động để chấn chỉnh quy trình làm bánh. Mục đích là làm sao miếng bánh trung thu đến người ăn được an toàn cao nhất có thể. Sai phạm thì bị đình chỉ, đó là lẽ thường. Thế nhưng, trước yêu cầu tưởng bình thường này, các ngành chức năng của Đà Nẵng lại rơi vào cảnh lúng túng. Đó là ai được phép chấm dứt hoạt động của cơ sở làm bánh? Ngành Công thương bảo, hiện nay, cơ sở trên vẫn do Y tế quản lý. Ngành Y tế bảo ngành Công thương có trách nhiệm chính vì đã được phân cấp…

Hiện nay, Ban Chỉ đạo liên ngành ATVSTP Đà Nẵng không còn tồn tại. Từ khi giải thể hoạt động Ban chỉ đạo và chia việc quản lý thực phẩm theo sự phân cấp cho từng ngành, tưởng kiểm tra ATVSTP trở nên nhẹ nhàng hơn, nhưng thực tế lại nhập nhằng, chồng chéo.  

Thực phẩm nấu chín trong nhà hàng, bếp ăn… thì Y tế lo. Thực phẩm tươi sống nói chung ngoài chợ là Công thương lo. Còn nguyên liệu, gia súc, gia cầm sống lại là trách nhiệm của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Do đó, nói về ATVSTP, hiện vẫn chưa có đơn vị chủ công trong việc xử lý một loại thực phẩm hoặc một vụ ngộ độc. Lấy ví dụ, ngay trên miếng bánh mì. Sản phẩm bánh làm tại lò do Công thương quản lý, nhưng cũng chiếc bánh mì đó khi được bán ra tại chỗ sẽ do Y tế chịu trách nhiệm.

Ngoài yêu cầu đình chỉ cơ sở không bảo đảm sản xuất bánh trung thu, đoàn liên ngành còn đề nghị thành phố phúc tra một lần nữa 2 tiệm làm bánh nói trên để báo cáo Trung ương và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng quy định ATVSTP. Thế nhưng, khi phóng viên hỏi Chi cục ATVSTP thành phố về thời gian phúc tra thì câu trả lời nhận được là việc đình chỉ hay không chưa quyết ngay bây giờ, còn chuyện phúc tra phải để tuần tới. Trong khi đó, cuối tuần này đã là Tết Trung thu (!).

Trước và trong Tết Trung thu đã lộn xộn vấn đề ATVSTP. Hậu Trung thu sẽ còn là chuyện dài khác cùng nỗi lo “mặc áo mới cho bánh cũ quá đát”…

THU HOA

.