Thời sự và bàn luận
Nhân lực cho khởi nghiệp
“Đó là sự thay đổi về tư duy và nỗ lực trong quá trình đổi mới toàn diện giáo dục Việt Nam… Tham gia chương trình ươm mầm nhân lực, những kỹ sư, cử nhân tốt nghiệp đại học sẽ trở thành người thầy, chủ doanh nghiệp đủ kiến thức và kỹ năng hội nhập chứ không chỉ là những người làm thuê, người thợ giỏi”, GS,TS Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, cho biết như vậy về chương trình ươm mầm nhân lực mà Đại học Đà Nẵng là đối tác của Công ty TNHH Ươm mầm nhân lực SELFWING Việt Nam – doanh nghiệp Nhật Bản vừa được trao giấy chứng nhận đầu tư tại Đà Nẵng.
Theo GS,TS Trần Văn Nam, đây là mô hình mới, nhằm xây dựng tinh thần khởi nghiệp, huấn luyện kỹ năng sáng tạo, tự lập, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn cho sinh viên theo mô hình “lớp học là doanh nghiệp” dưới sự chỉ đạo, dẫn dắt của các chuyên gia về giáo dục của Nhật Bản. Để chuẩn bị cho việc này, ngay từ đầu tháng 2-2016, Đại học Đà Nẵng đã thành lập Ban đề án ươm mầm nhân lực Việt Nam để chủ động hội nhập với chương trình theo lộ trình khoa học.
Trong khi đó, TS Hirai Yukiko, người sáng lập Công ty CP SELFWING Nhật Bản - tiền thân của Công ty TNHH Ươm mầm nhân lực SELFWING Việt Nam, nói về cơ duyên chọn Việt Nam là nơi đầu tiên xuất khẩu chương trình giáo dục khởi nghiệp mà bà nghiên cứu và triển khai thành công ở Nhật Bản, chính là tiềm năng về dân số; bởi Việt Nam đang ở ngưỡng cơ cấu dân số vàng.
Đồng thời, bà cũng kỳ vọng Đà Nẵng sẽ là nơi có thể thực hiện thành công chương trình đào tạo tiếng Nhật từ trường mầm non; làm cơ sở cho việc xúc tiến chương trình ươm mầm nhân lực, đào tạo doanh nhân và khởi nghiệp.
Trong 4 lĩnh vực mà SELFWING Việt Nam triển khai, có việc ươm mầm và phát triển nhân lực theo mô hình Nhật Bản, liên kết đào tạo giáo viên, giảng viên Việt Nam tại Nhật Bản… và mục tiêu trước mắt là xây dựng đội ngũ giáo viên, chuyên gia cho trường quốc tế về ươm mầm nhân lực đầu tiên tại Đà Nẵng vào giữa tháng 6-2017…
Hiệu quả của chương trình này thì vẫn còn phải chờ, nhưng rõ ràng nó cho chúng ta một cái nhìn đa chiều về vấn đề khởi nghiệp và cả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài để thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Trước tiên, đó là sự thay đổi về tư duy người Nhật khi đầu tư ra nước ngoài.
Nếu như trước đây, doanh nghiệp Nhật Bản chủ yếu đầu tư sản xuất, công nghệ chế biến, chế tạo… vào Đà Nẵng, thì hiện nay đang có xu hướng mở rộng sang các loại hình dịch vụ như giáo dục, y tế, nghỉ dưỡng… nhằm đa dạng hóa, hỗ trợ nguồn lực đầu tư trước đó. Đây cũng là gợi ý cho việc xác định thế mạnh của Đà Nẵng trong thu hút đầu tư nước ngoài để định hướng cho các chương trình xúc tiến đầu tư trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, việc ươm mầm nhân lực cũng chính là tiền đề góp phần giải bài toán về nhân lực cho khởi nghiệp nói riêng, nguồn lao động cho doanh nghiệp nói chung; tạo ra cú hích thay đổi tư duy về đào tạo nhân lực. Điều này càng ý nghĩa hơn, khi Đà Nẵng đang thúc đẩy chương trình khởi nghiệp, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, xây dựng nhiều “vườn ươm doanh nghiệp” từ trong các trường học.
Cùng với việc đầu tư tài chính, xây dựng các chương trình khởi nghiệp, thì việc đầu tư ươm mầm nhân lực phục vụ khởi nghiệp chính là yêu cầu bức thiết và là lựa chọn đúng đắn để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao - một trong 3 đột phá kinh tế-xã hội Đà Nẵng giai đoạn 2015-2020. Vấn đề là cần phải chọn lựa phương thức đào tạo phù hợp, để nguồn nhân lực ấy vừa giữ gìn, phát huy bản sắc con người Việt Nam, vừa tiếp thu tinh hoa của nhân loại trong giai đoạn hội nhập mạnh mẽ này.
ANH QUÂN