Dân tộc Việt Nam là như vậy đó!

.

Đại dịch Covid-19 được Tổng Thư ký LHQ đánh giá là biến cố kinh hoàng của cả nhân loại kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II đến nay. Thảm họa dịch bệnh đã quét qua hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ; len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống con người để gieo mầm bệnh và gây nên sự chết chóc.

Đến nay, người nhiễm bệnh cứ tăng lên hằng ngày, đã vượt qua con số một triệu và cướp đi sinh mạng của hơn 53.000 người và chưa có độ dừng.

Việt Nam cũng không nằm ngoại lệ, kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện đến nay đã có 237 người bị nhiễm bệnh (tính đến 19 giờ ngày 3-4) và hàng ngàn người buộc phải cách ly để ngăn ngừa sự lây lan ra cộng đồng.

Ngay từ đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đánh giá đúng mức tính nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, kịp thời đề ra những quyết sách cụ thể, phù hợp với thực tiễn trong từng giai đoạn nhằm đối phó. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời nỗ lực hợp tác thiết thực, phối hợp kịp thời với các nước, bảo đảm chiến thắng đại dịch này.

Với mục tiêu là dù có thiệt hại về kinh tế nhưng phải bảo vệ an toàn tính mạng của nhân dân lên trên hết. Vì thế, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả hệ thống chính trị nước ta đã vào cuộc ngay lập tức với rất nhiều biện pháp mạnh như: giãn cách giao tiếp xã hội; hạn chế, thậm chí tạm ngừng ở mức cao nhất hệ thống giao thông quốc tế và trong nước, trừ lưu thông hàng hóa; huy động tối đa lực lượng quân đội, công an, y tế và các ngành có liên quan khác lên tuyến đầu chống dịch như: lên biên giới, lập các bệnh viện dã chiến, hình thành các khu cách ly cho hàng vạn người trong nước và từ nước ngoài trở về…

Thấu hiểu những khó khăn của người dân, mới đây chính phủ còn quyết định các gói chi hỗ trợ được xem là “chưa có tiền lệ” lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng cho doanh nghiệp và nhất là người nghèo, người có công cách mạng… đang bị đại dịch Covid-19 tác động. Chỉ riêng gói hỗ trợ cho khoảng 2 triệu người nghèo, người có công, công nhân thất nghiệp… lên trên 60 ngàn tỷ đồng.  

Trong khi đó, một điểm nhấn được dư luận trong và ngoài nước hết sức quan tâm và ca ngợi là lực lượng công an, quân đội và các y, bác sĩ nước ta đã căng mình phòng chống dịch Covid-19 suốt ngày đêm từ biên giới, hải đảo xa xôi đến các làng quê, đô thị.

Đến nay, đã chăm lo an toàn cho hàng vạn người đang ở tại các khu cách ly tập trung; tiến hành khám sàng lọc cho hàng ngàn người; điều trị 237 bệnh nhân, trong đó có nhiều người nước ngoài, và có 85 bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh (tính đến 19 giờ ngày 3-4). Đặc biệt, chưa có bệnh nhân tử vong. Đây được xem là thành công bước đầu của ngành y Việt Nam trước đại dịch Covid-19.

Cùng với việc lên tiếng đồng tình, ủng hộ các chủ trương, chính sách và biện của  Đảng và Nhà nước, các tầng lớp nhân dân trên khắp cả nước, cũng như kiều bào ta ở nước ngoài tham gia tích cực việc phòng chống đại dịch Covid-19 bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Hình ảnh các mẹ già, các lão thành cách mạng, các em bé… góp những đồng tiền dành dụm của mình, mang lương thực, thực phẩm đến tặng cho các bệnh viện, các trung tâm cách ly, cho bộ đội, công an đang ngày đêm phòng, chống dịch; các doanh nghiệp, các văn nghệ sĩ, các nhà hảo tâm… đã huy động, đóng góp công sức, vật chất, hàng trăm tỷ đồng góp vào quỹ chung phòng, chống đại dịch Covid-19. Nhiều chủ trọ ở Đà Nẵng, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh… đã hỗ trợ gạo, không thu tiền thuê nhà, tiền điện, nước nhiều tháng cho hàng trăm công nhân, người lao động đang thuê nhà để giúp bà con mình vượt qua “cơn sóng dữ”…

Không những vậy, nhiều kiều bào ta ở nước ngoài, đã  đóng góp tiền, vật tư y tế gửi về nước ủng hộ. Điển hình như nhà phát minh máy hô hấp nhân tạo Trần Ngọc Phúc, Việt kiều ở Nhật đã quyết định chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, trước mắt sản xuất 2.000 chiếc máy trợ thở, sẽ tăng lên 10.000 trong vòng 3 tháng tới để dự phòng các thiết bị nhằm đối phó với dịch bệnh. Đây là một sản phẩm quan trọng để điều trị phòng khi dịch bệnh có nguy cơ bùng phát.

Sự tương thân, tương ái, “nghĩa đồng bào” vốn có từ bao đời nay của dân tộc Việt Nam, nhất là trong “cơn hoạn nạn” do chiến tranh, dịch bệnh gây ra… đã xuất hiện khắp nơi trên mọi miền của Tổ quốc,  để “không một ai bị bỏ lại phía sau” trong cơn đại dịch Covid-19. Hơn thế, chúng ta còn giành sự quan tâm chu đáo cả tinh thần và vật chất cho cả bạn bè quốc tế không may bị nhiễm bệnh hay buộc phải lưu trú dài ngày do dịch bệnh. Nhiều người đã lên tiếng ca ngợi về cách phòng chống dịch và công tác điều trị của ngành y tế Việt Nam khi đã chữa họ khỏi bệnh, cũng như tinh thần phục vụ và sự thân thiện của anh “Bộ đội Cụ Hồ” trong các khu cách ly tập trung…

Minh chứng cho nỗ lực đó của chính phủ Việt Nam là trong một cuộc khảo sát do tổ chức Dalia Research, có trụ sở tại Berlin (CHLB Đức), tiến hành tại 45 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp châu lục, công bố ngày 30-3 cho biết: “so với các nơi trên thế giới, Việt Nam có tỷ lệ người dân tin tưởng vào các biện pháp ứng phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 của chính phủ cao nhất thế giới”.

Với đánh giá “đúng mức” này, người dân Việt Nam dành mức tin tưởng cao nhất (62%) cho những biện pháp ứng phó dịch của chính phủ, xếp trên Argentina (61%), Áo (58%), Singapore (57%), Trung Quốc (56%)...

Tất cả bức tranh hiện thực và sinh động đó của Việt Nam trong thời gian qua đã đánh tan đi sự hoài nghi, chê trách của một số người cũng như các thế lực thù địch trong và ngoài nước vốn lâu nay tìm mọi cách, mọi cơ hội để xóa nhòa đi những nỗ lực không mệt mỏi của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trên con đường xây dựng và phát triển đất nước.

Có thể nói, đại dịch Covid-19 là biến cố mang tính lịch sử của nhân loại trong thế kỷ XXI này. Đối với Việt Nam chúng ta nó cũng là thách thức vô cùng nghiêm trọng kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc cách nay 45 năm. Nhưng có một điều mà ai ai cũng ấn tượng mãnh mẽ là qua hiểm họa của đại dịch Covid-19 này, càng làm trỗi dậy tinh thần đoàn kết, sự tin tưởng và ý chí quyết tâm của cả dân tộc cùng hành động dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.

Như nữ văn sĩ người Mỹ, bà Mari Mac Cacti, trong cảm tưởng ghi lại sau khi thăm bảo tàng Cách mạng Việt Nam ngày 20-3-1968,  khi chiến tranh Việt Nam lúc bấy giờ đang ở giai đoạn cực kỳ khốc liệt, đã viết:  “Tôi rất xúc động trước bằng chứng rõ ràng về lòng dũng cảm, tính kiên trì và sự đau khổ của nhân dân Việt Nam và trước hết, tôi rất xúc động trước sự sinh tồn của họ, sức mạnh này dường như bắt nguồn từ sự kết hợp trí thông minh, tài mưu lược và lòng tự hào…”.

Bởi vậy, dù nguy cơ đại dịch Covid-19 vẫn còn ở phía trước, nhưng niềm tin chiến thắng của dân tộc Việt Nam trước căn bệnh mang tầm thế kỷ này đã và đang ngày càng hiện hữu!

Tuyết Minh

 

;
;
.
.
.
.
.