Từ những tín hiệu lạc quan

.

Thêm 1 tuần thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ở 3 nhóm (nguy cơ cao, nguy cơ và nguy cơ thấp), tình hình dịch bệnh Covid-19 ở nước ta nói chung, các địa phương nói riêng đã có những dấu hiệu tích cực.

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo (BCĐ) quốc gia về phòng, chống Covid-19, trong tuần qua, Việt Nam chỉ ghi nhận 1 ca mắc Covid-19 mới và 45 ca bệnh được chữa khỏi. Ngày 22-4, theo đề xuất của BCĐ quốc gia về phòng, chống Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý phân loại các địa phương theo nhóm nguy cơ mới, trên cơ sở phân tích tất cả các biến số tác động vào vấn đề lây nhiễm cũng như các yếu tố nguy cơ của từng địa phương; trong đó, Đà Nẵng thuộc nhóm nguy cơ thấp. Từ quyết định này cho thấy, dịch bệnh đã “hạ nhiệt” trên toàn quốc.

Tại Đà Nẵng, tính đến ngày 22-4, thành phố đã trải qua ngày thứ 29 không xuất hiện ca nhiễm mới. Trước đó, ngày 10-4, bệnh nhân thứ 6 - bệnh nhân cuối cùng ghi nhận mắc Covid-19 ở Đà Nẵng cũng đã xuất viện trong niềm vui mừng của bản thân, người nhà và nhân viên y tế. Đây là kết quả của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trong việc tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để khoanh vùng, cách ly và xác định kịp thời các nguồn lây nhiễm; cũng như sự chấp hành, tham gia, hỗ trợ của toàn dân.

Có thể nhận thấy, Đà Nẵng chưa từng chủ quan đối với công tác phòng, chống Covid-19, mặc dù suốt một thời gian dài không còn ca bệnh mới nào được ghi nhận. Theo BCĐ phòng, chống Covid-19 thành phố, công tác giám sát, điều tra dịch tễ, thực hiện khai báo y tế luôn được duy trì, triển khai đồng bộ. Các cửa ngõ trên địa bàn thành phố, công tác kiểm tra, khai báo y tế, đo thân nhiệt vẫn được duy trì 24/24 giờ. Việc kiểm tra, giám sát, xử lý các sai phạm liên quan đến việc không chấp hành chỉ thị của Thủ tướng, các quy định của địa phương trong phòng, chống Covid-19 cũng được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt. Không dễ dàng khi Đà Nẵng quyết định dừng tất cả các hoạt động kinh doanh ăn uống trong suốt 2 tuần đầu (từ ngày 1 đến 15-4) thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng. Nhưng đổi lại, thành phố đã hạn chế được mức thấp nhất nguy cơ phát tán, lây nhiễm và hình thành các ổ dịch mới của Covid-19.

Theo bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế, việc Đà Nẵng duy trì suốt một thời gian dài không có ca nhiễm mới là kết quả hết sức đáng mừng. Tuy nhiên, khi địa phương có “nguy cơ thấp” không có nghĩa là đã an toàn! Cơ chế lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 hết sức phức tạp và nhanh chóng, kết hợp với thời gian ủ bệnh kéo dài sẽ luôn đặt Đà Nẵng trước những nguy cơ nếu chúng ta buông lỏng. “Khi các hoạt động xã hội trở lại bình thường cũng đồng nghĩa với việc cán bộ, nhân viên y tế sẽ vất vả hơn trong công tác giám sát, phòng ngừa.

Nếu không có sự vào cuộc, chung tay của các cấp, ngành và đặc biệt là sự tự giác của mỗi cá nhân chúng ta, e rằng nhiệm vụ này khó hoàn thành”, bác sĩ Yến nói. Với địa thế là trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch trọng điểm miền Trung, số lượng công nhân, học sinh, sinh viên, người lao động tự do, du khách trở lại Đà Nẵng trong thời gian tới chắc chắn sẽ tăng lên. Những nguy cơ mà ngành y tế thành phố cảnh báo là hoàn toàn có cơ sở.

Tinh thần chủ đạo trong các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vẫn luôn yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc việc giãn cách xã hội, duy trì “khoảng cách an toàn” để mang lại hiệu quả trong phòng, chống Covid-19. Đây là thời điểm mà các các cấp, ngành, đơn vị và đặc biệt là mỗi người dân tuyệt đối không lơ là, chủ quan, tuân thủ thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống Covid-19. Việc duy trì các thành quả đã đạt được về phòng, chống Covid-19 là tiền đề để Đà Nẵng trở lại nhịp sống bình thường, khôi phục những tổn thất, khó khăn do dịch bệnh gây ra trong suốt thời gian qua. Và, dù ở thời điểm nào thì việc “chung tay đẩy lùi dịch bệnh” - vẫn luôn là trách nhiệm của cả cộng đồng.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.