Việc phát hiện ca bệnh Covid-19 lây nhiễm từ trường hợp đang trong thời gian cách ly, giám sát y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh được công bố ngày 30-11 một lần nữa gióng lên “hồi chuông cảnh tỉnh” cho công tác phòng, chống dịch ở các địa phương, trong đó có Đà Nẵng; bởi nếu chủ quan, lơi lỏng bất kỳ khâu nào thì nguy cơ dịch quay trở lại trong cộng đồng là hiện hữu. Nhất là trong thời điểm thành phố ven sông Hàn đang trở lại trạng thái bình thường mới sau khi kiểm soát được đợt bùng phát thứ hai của cơn đại dịch này, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân thành phố dần quay về “quỹ đạo” ổn định thì việc xây dựng một “đê bao” vững chắc trước đại dịch Covid-19 là hết sức trọng yếu.
Trong đó, công tác nắm bắt tình hình, ổn định tư tưởng, động viên nhân dân yên tâm phòng bệnh kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 43-CT/TU ngày 3-9-2020 của Ban Thường vụ Thành ủy đóng vai trò quan trọng.
Theo số liệu khảo sát từ cuộc điều tra dư luận xã hội về “Tác động của dịch bệnh Covid-19 đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức, trong 15 giải pháp cần tập trung thực hiện để ổn định cuộc sống và khôi phục phát triển kinh tế - xã hội thành phố trong thời gian tới, thì giải pháp “Kịp thời ổn định tư tưởng, đời sống, sinh hoạt của người dân trong điều kiện dịch bệnh còn diễn ra” chiếm tỷ lệ cao nhất: 70% trong tổng số người được hỏi.
Nhớ lại những ngày trở thành tâm dịch của cả nước, Đà Nẵng rơi vào một tình thế hết sức khó khăn và bất ngờ, công tác tuyên giáo của Đảng bộ thành phố đã đứng trước những công việc mới, chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, cũng chính trong thời khắc khó khăn ấy, vai trò tiên phong của binh chủng Tuyên giáo được phát huy rõ nét, đã tiếp thêm “ngọn lửa” quyết tâm, huy động được nội lực mạnh mẽ từ sự đồng lòng, chia sẻ của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân. Ban Tuyên giáo Thành ủy ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương, đơn vị tập trung công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền các văn bản của Trung ương và Đà Nẵng về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch.
Trước yêu cầu hết sức khẩn trương và quyết liệt khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, binh chủng Tuyên giáo đã sáng tạo, đổi mới hình thức tuyên truyền qua mạng xã hội để đưa các thông tin, quy định, chính sách cũng như các khuyến cáo của ngành y tế đến với người dân kịp thời nhằm huy động toàn xã hội cùng tham gia trên hai phương diện là nhận thức và hành động. Qua đó, xây dựng, hình thành thói quen, nếp sống, văn hóa trong sinh hoạt, giao tiếp xã hội phù hợp với bối cảnh thành phố xác định “chung sống” lâu dài với dịch bệnh.
Công tác tuyên truyền phòng, chống dịch ở Đà Nẵng thời gian qua còn được triển khai dưới nhiều hình thức sâu rộng, phong phú, có sức thu hút rất cao, nhưng yêu cầu chung là phải bảo đảm thông tin kịp thời, công khai, minh bạch. Đây cũng chính là khó khăn lớn nhất đối với ngành tuyên giáo.
Song, nhờ sự chỉ đạo sát sao từ Trung ương và Thành ủy, sự phối hợp có trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương, binh chủng Tuyên giáo thành phố, các cơ quan báo chí, truyền thông đã tiếp nhận và chuyển tải kịp thời các nguồn thông tin trung thực, chính thống đến với dư luận một cách sớm nhất, xua tan những thông tin thất thiệt gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng xã hội.
Đặc biệt, trong những ngày cam go nhất của cuộc chiến, công tác thông tin tuyên truyền còn được chú trọng ở mức độ, cường độ cao liên tục và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhất là việc phát huy hệ thống loa phát thanh trên khắp các đường phố, ngã tư, ngõ hẻm để liên tục chuyển tải những thông điệp, tin tức về tình hình diễn biến dịch bệnh, trở thành “người bạn” không thể thiếu mỗi ngày của người dân và là công cụ tuyên truyền hữu hiệu của đội ngũ cán bộ phường, xã.
Cùng với việc đẩy mạnh dòng thông tin chính thống, lực lượng làm công tác tuyên giáo trên địa bàn thành phố cũng đã chung tay đấu tranh, gỡ bỏ, triệt phá hàng ngàn bài viết, trang thông tin có nội dung sai lệch, nhạy cảm của các tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình dịch bệnh để sản xuất tin giả, sai sự thật, chống phá sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Đà Nẵng đã trải qua giai đoạn khốc liệt đợt bùng phát thứ hai của đại dịch Covid-19 với những kết quả đáng tự hào trong những ngày toàn Đảng, toàn dân đồng lòng tạo nên sức mạnh tổng hợp đẩy lùi dịch bệnh.
Nhiệm vụ quan trọng tiếp theo của ngành tuyên giáo thành phố là huy động đội ngũ báo chí, truyền thông, văn học nghệ thuật, âm nhạc... tuyên truyền đầy đủ, kịp thời tình hình dịch bệnh để người dân nhận thức rõ tinh thần “chống dịch như chống giặc” và “mỗi gia đình là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch”; đồng thời tiếp tục tuyên truyền thực hiện hiệu quả nhiệm vụ “kép”. Từ đó, tạo thế trận lòng dân vững chắc; phát huy sức mạnh tổng hợp của lòng yêu nước, tinh thần đồng thuận, đoàn kết của mỗi người dân thành phố sẵn sàng đương đầu với thử thách, khó khăn.
HOÀNG HÂN