Thời sự và bàn luận
Phòng, chống Covid-19 từ trách nhiệm cộng đồng
Sau 21 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố đồng ý cho mở cửa một số hoạt động, dịch vụ. Quyết định này phù hợp thực tế dựa trên đánh giá mức độ nguy cơ trong cộng đồng cũng như tâm lý, nguyện vọng của người dân. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố cũng khẳng định, việc nới lỏng các hoạt động, dịch vụ đồng nghĩa với việc gia tăng nguy cơ xuất hiện dịch bệnh trở lại. Điều này đặt ra vấn đề lớn về ý thức, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương, các hộ kinh doanh và mỗi người dân trong việc bảo vệ, duy trì thành quả phòng, chống dịch trong thời gian qua.
Tinh thần của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố là kiểm soát tốt các nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài. Hiện lực lượng công an, quân đội, y tế và các địa phương thiết lập 15 điểm chốt chặn tại các cửa ngõ để kiểm soát người về từ vùng có dịch bệnh Covid-19. Tính từ đầu tháng 6 đến nay, lực lượng chức năng ghi nhận hơn 450 trường hợp đến, về từ các vùng có dịch Covid-19 như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong đó, thực hiện cách ly tập trung gần 60 trường hợp, hơn 390 trường hợp cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà. Tuy nhiên, theo Đại tá Nguyễn Quang Vinh, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, qua nắm tình hình, lực lượng chức năng vẫn ghi nhận có tình trạng các nhà xe liên tỉnh lợi dụng trả khách lẻ về từ vùng có dịch sau khi đi qua các điểm chốt chặn. Điều đó có nghĩa, dù lực lượng chức năng có túc trực 24/24 tại các điểm chốt chặn thì vẫn không thể kiểm soát hoàn toàn được nguy cơ, nhất là khi các nhà xe và người dân tìm cách đối phó.
Khi quyết định nới lỏng một số hoạt động, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố cân nhắc kỹ các hoạt động và những điều kiện kèm theo. Đơn cử như hoạt động tắm biển, người dân, du khách chỉ tắm biển tại các khu vực được phép theo quy định và rời đi ngay sau khi tắm biển; không tập trung đông người trên bãi biển; cấm tụ tập vui chơi, chơi thể thao, ăn, uống, bán hàng rong... tại bãi biển.
Tuy nhiên, theo một lãnh đạo Sở Du lịch, hiện lực lượng làm nhiệm vụ trên bãi biển có khoảng 90 người, bảo đảm an toàn tại hàng chục bãi tắm trải dài trên 31km bờ biển. Sau khi cho tắm biển trở lại, kết hợp với thời tiết nắng nóng, oi bức, khá đông người đổ ra biển để giải nhiệt mỗi ngày. Một khối lượng công việc hết sức nặng nề đối với lực lượng chức năng.
Tại các cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố ngày trước thời điểm Đà Nẵng mở cửa một số hoạt động, dịch vụ, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh khẳng định, hoạt động của người dân trong vai trò là khách hàng, là chủ cơ sở kinh doanh, dịch vụ hay đơn thuần tham gia các hoạt động thể thao, tắm biển đều tác động đến hiệu quả phòng, chống dịch của thành phố. Là khách hàng tham gia các dịch vụ ăn, uống, mỗi người dân, du khách cần tuân thủ quy định về khoảng cách, khử khuẩn, khai báo y tế, hạn chế tiếp xúc, nói chuyện khi sử dụng các dịch vụ. Đối với chủ các cơ sở dịch vụ, ngoài các tiêu chuẩn, điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm, cần chủ động, tự giác thực hiện khai báo y tế, đo thân nhiệt cho khách hàng; bố trí khoảng cách phù hợp bảo đảm giãn cách. Đặc biệt, cần thể hiện quyền và trách nhiệm khi từ chối cung cấp dịch vụ cho các khách hàng chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống Covid-19.
Kiểm soát người về từ vùng dịch, người ra-vào thành phố từ các địa phương khác, bán hàng ăn tại chỗ, tắm biển là những hoạt động mà chúng ta có thể nhận thấy nhiều nguy cơ, dù lực lượng chức năng luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đà Nẵng trải qua 3 đợt đối phó với Covid-19 nên có nhiều bài học quý được rút ra. Trong đó, các giải pháp về truy vết, xét nghiệm, cách ly, điều trị một cách bài bản, thần tốc là mấu chốt giúp chính quyền nhanh chóng khoanh vùng nguy cơ, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh.
Nhưng cũng vì trải qua các làn sóng dịch bệnh Covid-19 với mức độ khác nhau mà đội ngũ ở tuyến đầu đã quá tải. Điều quan trọng hơn, Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, làm chậm quá trình phát triển của thành phố mà phải một thời gian dài, chúng ta mới có thể khắc phục được hậu quả.
Chính vì thế, nỗ lực để thành phố an toàn, không xuất hiện thêm ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng là quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Bằng những giải pháp tiên phong, phù hợp thực tế, các hoạt động phòng, chống Covid-19 của thành phố được Chính phủ, bộ, ngành Trung ương đánh giá cao. Tuy nhiên, vai trò, sức mạnh của sự đồng thuận luôn xuất phát từ nhân dân và trong cuộc chiến chống Covid-19 chưa có hồi kết này, vai trò đó cần được phát huy tối đa.
Bên cạnh sự chủ động, tự giác, tích cực của người dân, vai trò của các sở, ban, ngành, địa phương cần tiếp tục được phát huy trong việc tuyên truyền, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, dù chỉ trong lúc thực hiện những nhiệm vụ cơ bản, tối thiểu nhất.P.C
PHAN CHUNG