Thời sự và bàn luận

Nghề cao quý

07:32, 20/11/2024 (GMT+7)

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò, vị trí của người thầy trong xã hội. Người khẳng định: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa”. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”. Từ xưa đến nay, bất kể trong thời kỳ nào, nghề dạy học luôn được coi là nghề cao quý và được xã hội tôn vinh.

Ngày nay, nhiều thầy, cô giáo đi theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước, thể hiện lương tâm, trách nhiệm, không quản ngại nắng mưa, tình nguyện “cõng chữ lên non”, mang ánh sáng văn hóa, tri thức đến với học sinh miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Không chỉ vậy, trong những lúc đất nước xảy ra thiên tai, bão lụt, không ít trường hợp thầy, cô giáo không ngần ngại lấy những đồng lương dành dụm cả đời của mình để kịp thời chia sẻ với đồng bào vùng thiên tai, làm dấy lên tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng. Ngày 20-11 hằng năm chính là dịp để xã hội tôn vinh đội ngũ nhà giáo, để các thế hệ học trò thể hiện lòng thành kính “tôn sư trọng đạo” với những người thầy đã ân cần dìu dắt mình.

Xác định sự nghiệp giáo dục và đào tạo có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, những năm qua, Đảng, Nhà nước dành nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt cho giáo dục, trong đó có việc cải cách chế độ tiền lương cho đội ngũ nhà giáo, nhằm bảo đảm giáo viên có thu nhập tốt, ổn định cuộc sống, giúp họ yên tâm cống hiến sức mình cho sự nghiệp trồng người.

Tại Đà Nẵng, các chế độ, chính sách cho ngành giáo dục và đào tạo luôn được lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm. Hàng loạt công trình, dự án xây dựng mới, sửa chữa trường học được đầu tư giúp đội ngũ thầy, cô giáo làm việc trong môi trường khang trang, hiện đại, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thầy cô hoàn thành sứ mệnh trồng người. Đặc biệt, trong 5 năm liền thành phố miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến THPT. Cùng với đó là các chế độ hỗ trợ đào tạo, chính sách thu hút đội ngũ thầy, cô giáo có trình độ, năng lực chuyên môn giỏi; bố trí cho thuê căn hộ chung cư với những nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn.

Dịp 20-11 này, UBND thành phố trao giải thưởng “Nhà giáo Đà Nẵng tiêu biểu” năm học 2023-2024 đối với 25 giáo viên công tác ở các trường mầm non đến bậc cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố. Đây là giải thưởng cao quý mà thành phố trao tặng cho các nhà giáo, không chỉ là một sự tôn vinh cá nhân, mà còn là biểu tượng của lòng tri ân, sự ghi nhận những đóng góp âm thầm và to lớn của các thầy cô cho nền giáo dục thành phố. Đây là những tấm gương sáng về chuyên môn, hiện thân của lòng yêu nghề, sự tận tụy với từng bài giảng, từng học sinh.

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 79-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quốc hội ban hành Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Hai văn bản pháp lý quan trọng này đã thổi một làn gió mới, tạo động lực để thành phố tiếp tục vươn mình, bay cao hơn nữa trong giai đoạn hội nhập và phát triển.

Với động lực mới này, ngành giáo dục và đào tạo, đội ngũ thầy, cô giáo thành phố cũng sẽ đồng hành thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của mình trong công tác bồi dưỡng, phát hiện nhân tài đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố. Cùng với đó là nỗ lực đào tạo, xây dựng con người Đà Nẵng toàn diện, tuân thủ pháp luật, hội nhập quốc tế và có giá trị bản sắc riêng. Chắc chắn rằng, với phẩm chất của những người làm “nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”, đội ngũ nhà giáo thành phố sẽ tích cực đồng hành trong công cuộc xây dựng thành phố ngày càng văn minh, giàu đẹp hơn.

BÌNH MINH

.