Kinh tế

Xã hội hóa phát triển cây xanh đô thị

Bài cuối: Tiếp tục đầu tư và nâng tầm quản lý

08:31, 27/02/2016 (GMT+7)

Phát triển cây xanh đô thị đang đứng trước những khó khăn khi nguồn lực đầu tư từ vốn ngân sách giảm, cùng thách thức từ thiên tai bão lũ. Do đó, việc đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển cây xanh để phát huy nguồn lực đầu tư và bổ sung mục tiêu gắn phát triển cây xanh đô thị với sự thích ứng về biến đổi khí hậu là một yêu cầu thiết thực.

Hàng dừa bóng mát trên tuyến đường Hoàng Kế Viêm.
Hàng dừa bóng mát trên tuyến đường Hoàng Kế Viêm.

Theo Sở Xây dựng, những năm qua, việc đầu tư số lượng vườn dạo chưa đạt so với kế hoạch, nhưng thành phố cũng đã kịp thời tập trung rà soát và đầu tư nâng cấp cải tạo, xây dựng các khu vui chơi hoạt động không hiệu quả để chuyển đổi công năng thành khu vườn dạo, thiết chế văn hóa, trung tâm văn hóa thể thao... góp phần tăng thêm mảng xanh và nơi thư giãn, nghỉ ngơi cho người dân trong các khu dân cư. Hiện nay, thành phố đã hoàn thành việc thi công nâng cấp, cải tạo 14 khu vui chơi giải trí hoạt động có hiệu quả tại các phường, xã với tổng mức đầu tư 11,16 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đầu tư nâng cấp 15/16 Trung tâm Văn hóa - Thể thao tại phường, xã từ các khu vui chơi giải trí hoạt động không hiệu quả với tổng mức đầu tư 11,89 tỷ đồng. Trong năm 2016, thành phố chuẩn bị đầu tư chỉnh trang cây xanh có tổng mức đầu tư 2,5 tỷ đồng đối với 9 tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Thái Học, Trần Quốc Toản, Hùng Vương, 2 Tháng 9, Điện Biên Phủ, Võ Văn Kiệt, Lê Văn Hiến, Trần Đại Nghĩa và dự kiến hoàn thành trong quý 2 năm 2016.

Triển khai công tác chuẩn bị đầu tư Công viên Thanh niên với quy mô gần 21ha, kinh phí khoảng 50 tỷ đồng. Việc doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư xây dựng Công viên Bách thảo - Bách thú mở rộng quy mô lên 300ha đang được thành phố xem xét. Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn đã hoàn thành các bước quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, dự kiến triển khai kêu gọi đầu tư trong năm 2016.

Cũng theo Sở Xây dựng, qua thực hiện 2 đề án về phát triển cây xanh đô thị vẫn còn những tồn tại, hạn chế khi quy hoạch đầu tư xây dựng các công viên, vườn dạo chậm triển khai như: Công viên Thanh niên, Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn, Công viên Bách thảo - Bách thú. Công tác chỉnh trang cây xanh đường phố chưa đáp ứng theo kế hoạch đề ra.

Công tác duy trì thường xuyên hệ thống cây xanh công cộng đảm bảo an toàn trước gió bão, mỹ quan đô thị vẫn còn bất cập, hạn chế về mô hình quản lý, phương tiện, thiết bị. Chưa triển khai các mô hình trồng cây dây leo trên giàn thép trên các đường phố có vỉa hè hẹp; xanh hóa các hành lang đường sắt, đường dẫn đầu cầu, taluy các tuyến đường; cải tạo cảnh quan xung quanh các hồ điều tiết, hồ nước trong đô thị... Công tác nghiên cứu lai tạo, di thực giống để đa dạng hóa chủng loài cho cây xanh của thành phố đã được triển khai nhưng hiệu quả và khả năng nhân rộng chưa cao.

Về thực hiện đề án “Xã hội hóa phát triển cây xanh đô thị”, hiện nay người dân bảo vệ các vườn dạo trong khu dân cư được đầu tư từ ngân sách, từng bước tiến đến việc giao cho nhân dân tự đóng góp kinh phí thực hiện chăm sóc, duy trì thường xuyên.

Chưa thực hiện thường xuyên việc tổ chức kiểm tra và có biện pháp đôn đốc, xử lý việc xây dựng công trình đảm bảo tỷ lệ phủ xanh trong khuôn viên cơ quan, công sở, biệt thự theo quy hoạch được duyệt đối với các các chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân.

Các mô hình xây bồn, trồng cây bụi có hoa để tăng mảng xanh trên đường phố theo mẫu hướng dẫn chưa nhận được sự hưởng ứng tích cực, chưa triển khai rộng rãi, đồng bộ do quan điểm sử dụng vỉa hè làm nơi kinh doanh, đậu đỗ xe vẫn còn phổ biến.

Một số mô hình vườn dạo đã thực hiện tốt việc kêu gọi, huy động sự đóng góp của doanh nghiệp, cộng đồng nơi cư trú để xây dựng; tuy nhiên, việc tổ chức, tham gia chăm sóc, duy tu bảo dưỡng thường xuyên của người dân chưa đảm bảo, ảnh hưởng đến vệ sinh, thẩm mỹ.

Một số vườn dạo đã phải bàn giao lại cho Nhà nước để thực hiện chăm sóc, duy trì thường xuyên. Việc tìm kiếm các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho công tác xã hội hóa đầu tư phát triển cây xanh đô thị gặp nhiều khó khăn, kết quả chưa cao.

Mặc dù thành phố đã chú trọng quy hoạch, trồng và chăm sóc cây xanh, nhưng cây xanh ở Đà Nẵng vẫn phát triển còn thiếu đồng bộ, nói đúng hơn là thiếu quy hoạch mang tầm chiến lược. Ông Lê Tùng Lâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: “Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, phát triển cây xanh cũng như nâng cao số lượng và chất lượng hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố trong thời gian đến, Sở tiến hành xây dựng kế hoạch 5 năm về quản lý phát triển cây xanh đô thị (giai đoạn 2016-2020) trên cơ sở quy hoạch hệ thống cây xanh đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy hoạch chung thành phố; đồng thời lồng ghép nội dung ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai vào công tác quản lý, phát triển cây xanh đô thị của thành phố Đà Nẵng.

Theo đó, thành phố đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong công tác quản lý cây xanh đô thị (sử dụng công nghệ GIS, ảnh viễn thám để thống kê...). Tăng cường và thực hiện tốt công tác hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm về chất lượng, an toàn đối với cây xanh.

Tiếp tục triển khai công tác xã hội hóa phát triển cây xanh đô thị (thông qua các hoạt động của Quỹ Đà Nẵng xanh, công tác tuyên truyền về bảo vệ và phát triển cây xanh); thi phương án trang trí hoa, cây xanh tại các điểm nhấn cảnh quan nhân dịp tổ chức các sự kiện lễ hội; đề xuất giới thiệu các mô hình trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh có hiệu quả.

Tất cả các giải pháp này sẽ được thực hiện đồng bộ để Đà Nẵng sớm trở thành “Đô thị xanh và đáng sống”. Mặt khác, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản liên quan về quản lý cây xanh; thực hiện tốt công tác hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm về chất lượng, an toàn đối với cây xanh; tăng cường đầu tư phát triển và quản lý công viên, vườn hoa, vườn dạo, khu vui chơi giải trí công cộng; triển khai các dự án trọng điểm, các vị trí điểm nhấn cảnh quan thông qua kế hoạch chỉnh trang cây xanh, vườn dạo, nút giao thông, dải phân cách... nhằm tăng cường mỹ quan cây xanh đô thị.

Nâng cấp, cải tạo hệ thống vườn ươm và khai thác có hiệu quả, phù hợp với nhu cầu thực tế trên địa bàn thành phố. Nghiên cứu đổi mới mô hình quản lý cây xanh theo hướng dịch vụ công ích đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển đô thị của thành phố.

“Đến tháng 12-2015, ngoài chỉ tiêu độ phủ xanh bình quân đầu người trong công viên, vườn hoa, vườn dạo... chưa đạt yêu cầu, còn lại các chỉ tiêu khác đều đạt theo kế hoạch đề ra, cụ thể: Cây xanh đô thị bình quân đầu người: 7,3m2/người, trong đó, cây xanh công cộng bình quân đầu người 3,07m2/người, cây xanh chuyên dụng bình quân đầu người 0,72m2/người, cây xanh sử dụng hạn chế bình quân đầu người 3,53m2/người. Độ phủ xanh bình quân của cây xanh bóng mát các loại 16m2/cây”.

(Nguồn: Sở Xây dựng)

Bài và ảnh: Triệu Tùng

.