Trong 3 tuần qua, hai nhà máy thép Dana-Ý và Dana-Úc (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) nấu, luyện trở lại nhằm giải quyết một phần khó khăn cho 2 nhà máy và giảm thiểu thiệt hại xã hội. Thời gian này, cơ quan chức năng tiến hành các thủ tục tiến đến dừng hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường của 2 nhà máy theo đúng quy định của pháp luật.
Hai nhà máy thép Dana-Úc và Dana-Ý đang xử lý khối lượng nguyên liệu tồn đọng có giá trị hàng chục triệu USD. |
“Từ ngày hoạt động trở lại, công suất nấu, luyện của 2 nhà máy thép ít hơn trước đây. Khói, bụi và mùi khét lẹt phát thải ra cũng giảm bớt. Mỗi khi người dân gọi điện thoại cho lãnh đạo nhà máy phản ánh khói, bụi và mùi hôi phát thải ra thì người của công ty đã kiểm tra và xử lý kịp thời.
Bữa nay chúng tôi thấy nhà máy chỉ nấu, luyện từ 8 giờ tối đến 9 giờ sáng hôm sau, nên buổi trưa và chiều không khí cũng đỡ ô nhiễm”, bà Nguyễn Thị Bích (người dân thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên) cho biết.
Theo người dân thôn Vân Dương 2, trước khi nấu, luyện thép trở lại, lãnh đạo nhà máy thép Dana-Ý đã gặp gỡ người dân và cam kết giảm công suất nấu, luyện. Bên cạnh đó, công ty tiếp tục xử lý các phản ánh của người dân về phát thải khói, bụi và thông báo chỉ sản xuất trực tiếp trong 6 tháng…
“Dù tôi là công nhân của nhà máy, việc dừng hoạt động sẽ ảnh hưởng đến thu nhập hằng tháng và việc làm, nhưng về lâu dài cần có những giải pháp tối ưu. Chủ trương cho 2 nhà máy thép hoạt động trở lại trong 6 tháng của lãnh đạo thành phố cũng rất hợp lý.
Trong thời gian này, công ty giải quyết những tồn đọng, thu xếp ổn thỏa trước khi dừng sản xuất trực tiếp vào cuối tháng 9-2018 theo như cam kết của lãnh đạo nhà máy với người dân”, một người dân ở thôn Vân Dương 2 đang làm bộ phận sản xuất trực tiếp tại nhà máy thép Dana-Ý (đề nghị giấu tên) cho hay.
Qua tìm hiểu, đến nay người dân trong thôn đồng thuận cho 2 nhà máy hoạt động trở lại trong 6 tháng với mong muốn chia sẻ khó khăn, hỗ trợ 2 nhà máy thép xử lý hết nguyên liệu, đáp ứng các đơn hàng…
Ông Huỳnh Tấn Bôn, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên xác nhận: “Trong hơn 3 tuần hoạt động sản xuất trở lại, người dân không có phản ứng nào lớn đối với hai nhà máy thép. Mặt khác, UBND xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hòa Vang và Sở NN&PTNT thành phố tiến hành khảo sát và đang tập trung khôi phục sản xuất nông nghiệp tại cánh đồng thôn Vân Dương 2 và Hưởng Phước, giúp bà con 1 tháng nữa xuống giống vụ lúa hè thu”.
Theo UBND thành phố, mục đích của việc để 2 công ty hoạt động sản xuất thép trở lại trong một khoảng thời gian là giảm thiệt hại của xã hội đến mức thấp nhất và để 2 doanh nghiệp có thời gian giải quyết khối lượng nguyên liệu tồn đọng, nhất là thép phế liệu; đồng thời, giải quyết khó khăn trước mắt về vấn đề việc làm của 1.500 công nhân.
Đây cũng là khoảng thời gian cần thiết để thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung xây dựng phương án dừng hoạt động sản xuất thép gây ô nhiễm theo đúng quy định của pháp luật. Việc hoạt động sản xuất thép trở lại của 2 công ty được đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng.
Chính quyền thành phố đã đề nghị 2 công ty không ký kết các hợp đồng mới, nhất là các hợp đồng nhập nguyên liệu là phế liệu để sản xuất thép nhằm tránh phát sinh thiệt hại.
Cũng theo UBND thành phố, việc để 2 nhà máy thép hoạt động trở lại trong một thời gian nhất định là bước thủ tục cần thiết nhằm triển khai chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về việc dừng hoạt động sản xuất thép gây ô nhiễm của Công ty CP Thép Dana-Ý và Công ty CP Thép Dana-Úc ở trên địa bàn xã Hòa Liên theo đúng quy định của pháp luật.
Theo tính toán của các chuyên gia về tài chính, môi trường, quy hoạch… và các đơn vị tư vấn có năng lực, thời gian xây dựng được phương án dừng sản xuất thép của 2 công ty cần từ 6-9 tháng. Tuy nhiên, với quyết tâm xử lý dứt điểm việc gây ô nhiễm môi trường và tránh phát sinh các chi phí liên quan, UBND thành phố quyết tâm sẽ có phương án dừng hoạt động sản xuất thép này trong thời gian 6 tháng tới để báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy cũng như trình HĐND thành phố xem xét, quyết định.
Tại buổi họp báo thường kỳ quý 1-2018 tổ chức vào chiều 10-4, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh, chủ trương nhất quán của thành phố là dừng hoạt động sản xuất thép gây ô nhiễm của 2 công ty tại xã Hòa Liên.
Trước đây, thành phố có chủ trương cho 2 nhà máy chuyển đổi công nghệ để tiến đến dừng sản xuất, đóng cửa theo lộ trình. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc nên phải xem xét lại và quyết định dừng hoạt động 2 nhà máy này sớm nhằm thực hiện đúng quy định pháp luật và hạn chế tối đa thiệt hại cho doanh nghiệp lẫn ngân sách thành phố.
Việc lãnh đạo thành phố quyết định để cho 2 nhà máy hoạt động trở lại từ ngày 26-3-2018 và thêm một thời gian khoảng 6 tháng, chính là để giải quyết khối lượng nguyên liệu đang tồn đọng và các đơn hàng, cũng như thu xếp chuyển đổi ngành nghề cho người lao động rồi tiến đến chấm dứt hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường.
Quyết định này đã được tính toán trên cơ sở lợi ích của người dân và doanh nghiệp một cách thỏa đáng. UBND thành phố đã thành lập tổ công tác phối hợp với đại diện hai nhà máy để thương thảo giải quyết vấn đề việc làm, các quyền lợi liên quan cho 1.500 lao động.
Trước thời điểm thành phố có chủ trương cho 2 nhà máy thép hoạt động trở lại từ ngày 26-3-2018, khối lượng nguyên liệu là thép phế liệu tồn đọng bên trong nhà máy thép Dana-Úc là 22.000 tấn, chưa kể 10.000 tấn thép phế liệu đã đặt mua ở nước ngoài. Trong khi đó, khối lượng thép phế liệu đang tồn đọng trong nhà máy thép Dana-Ý là 70.000 tấn, chưa kể 100.000 tấn thép phế liệu đặt mua nước ngoài. |
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP