Hoá đơn tiền điện tăng đột biến, EVN lên tiếng

.

Nhiều khách hàng lên tiếng về việc hóa đơn tiền điện tăng đột biến trong thời gian gần đây, có nhiều hộ gia đình đã phải trả gấp đôi số tiền điện vài tháng trước. Theo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), đây là hiện tượng có tính quy luật thời tiết hàng năm.

“Tiền điện tăng theo tính quy luật thời tiết”

Nhận được tin nhắn thông báo hóa đơn tiền điện tháng này, anh Xuân Tùng (quận Mai, Hà Nội) giật mình khi tiền điện tháng này tăng thêm gần 500.000 đồng so với tháng trước. Điều đáng nói, hóa đơn tiền điện cứ theo hướng tăng lên, nếu tháng 2 là anh hết hơn 600.000 đồng thì tháng tháng 3 lên hơn 800.000 đồng và tháng 4 là hơn 1,1 triệu đồng.

Anh Tùng cho biết, trước đây nhà anh thường chỉ có 1 người lớn và 1 trẻ nhỏ ở nhà, nhưng từ tháng 3 tới nay, hai vợ chồng anh làm việc ở nhà, nên dùng nhiều điện hơn, nhưng việc hóa đơn tiền điện tăng gần gấp đôi thì anh cũng hơi “giật mình”.

Gia đình chị Thu Hà (huyện Đông Anh, Hà Nội) cũng trong tình trạng hóa đơn tiền điện tăng cao. Chị Hà cho biết: “Nhà tôi dùng nhiều điện vì tất cả thiết bị trong nhà đều dùng đến điện như bếp, ấm đun nước, máy lọc không khí... Trước đây, gia đình sửu dụng hết từ 1,3 đến 1,4 triệu đồng tiền điện/tháng, nhưng tháng 3-2020, gia đình nhận tin nhắn báo hết 2,4 triệu đồng, nên gia đình khá bất ngờ. Có thể do cả nhà nghỉ chống dịch Covid-19, nên dùng nhiều điện hơn...”. 

Nhân viên EVN Hà Nội kiểm tra công tác đảm bảo an toàn cấp điện. Ảnh: TTXVN.
Nhân viên EVN Hà Nội kiểm tra công tác đảm bảo an toàn cấp điện. Ảnh: TTXVN.

Liên quan đến phản ánh của nhiều khách hàng gần đây về việc hoá đơn tiền điện tăng đột biến, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, đây là hiện tượng có tính quy luật thời tiết hàng năm. Ở nhiều khu vực, nhất là ở phía Nam, theo quy luật thời tiết, thì tháng 3 bắt đầu chuyển sang nắng nóng, điển hình như tháng 3-2020 còn có một số ngày nắng nóng gay gắt và kéo dài ở mức trên 35 độ C.

“Khi vào mùa nắng nóng, các hộ khách hàng sử dụng nhiều thiết bị làm mát, nên tiêu thụ nhiều điện, nhất là máy lạnh. Bản thân các thiết bị làm mát cũng phải hoạt động nhiều hơn khi có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và trong phòng, nên càng tốn điện.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh nghỉ học dài ngày, người dân hạn chế ra đường, nhất là trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội. Do dó, việc sử dụng điện sinh hoạt tăng nhiều hơn những năm trước đó. Cụ thể, lượng điện sinh hoạt trên toàn quốc tháng 3-2020 tăng tới 8,55% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng Hà Nội tăng 17% và TP Hồ Chí Minh tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019...”, đại diện EVN cho biết.

Đại diện EVN cho biết thêm, đơn vị này đã dự báo trước tình hình hóa đơn tiền điện của khách hàng tăng cao mùa nắng nóng, nên bên cạnh việc tuyên truyền, Tổng công ty Điện lực đã thực hiện nhiều giải pháp khác để đảm bảo quyền lợi của khách hàng.

EVN đã chủ động khuyến cáo khách hàng khi điện năng tiêu thụ tăng cao so với tháng trước, để khách hàng chủ động kiểm tra việc sử dụng điện của mình, các ghi chú được ghi trong thông báo tiền điện gửi đến khách hàng. Đồng thời, thực hiện phúc tra chỉ số công tơ do bộ phận độc lập thực hiện với 100% hóa đơn có mức tăng trên 30%, trước khi phát hành tới khách hàng.

“Khi nhận được thác mắc, khiếu nại của khách hàng về hóa đơn tiền điện, trong vòng 24 giờ, EVN sẽ cử nhân viên gặp gỡ, phối hợp cùng khách hàng đối soát chỉ số đồng hồ, lượng điện tiêu thụ trong kỳ, hóa đơn tiền điện”, đại diện EVN cho biết.

Tập đoàn cũng đã hoàn thiện và từ tháng 3-2020 áp dụng mẫu hoá đơn mới, trong đó, khách hàng có thể so sánh chỉ số tiêu thụ với các tháng liền kề và các tháng của năm trước; so sánh mức độ sử dụng của gia đình mình với các gia đình trong cùng khu vực và nắm rõ quy luật của việc sử dụng điện theo tháng, mùa trong năm.

Mong muốn được giảm giá điện là chính đáng

Về việc khách hàng mong muốn được giảm tiền điện do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đại diện EVN cho biết, đại dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực tới nhiều mặt kinh tế xã hội của đất nước, đời sống của nhân dân. Do đó, giảm giá một số mặt hàng thiết yếu trong đó có giá điện là mong mỏi chính đáng của người dân, doanh nghiệp. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như các Tổng công ty Điện lực luôn đồng cảm và chia sẻ, mong muốn Nhà nước có những chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

EVN đã có báo cáo, đề xuất các giải pháp để hỗ trợ khách hàng sử dụng điện trong thời gian dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra với Bộ Công Thương và Chính phủ. Bộ Công Thương cũng đã chính thức đề xuất Chính phủ phương án giảm giá điện, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3-2020 tại văn bản số 41/NQ-CP ngày 9-4-2020, trong đó giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện việc giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện để tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 theo đề xuất của Bộ Công Thương tại văn bản số 22/BC-BCT ngày 1-4-2020.

“Đến nay, chưa có quyết định chính thức và hướng dẫn thực hiện của cơ quan có thẩm quyền về việc giảm giá điện, thời gian áp dụng. Vì vậy, ngành Điện phải thực hiện việc phát hành hóa đơn tiền điện theo đúng các quy định hiện hành”, đại diện EVN cho biết.

Hiện nay, EVN và các đơn vị vẫn đang tiếp tục nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ kép, vừa đảm bảo cung cấp điện, vừa chung sức cùng đồng bào cả nước phòng chống dịch Covid-19. Trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hàng chục ngàn nhân viên điện lực phải thực hiện chế độ làm việc tập trung, nhằm đảm bảo vừa duy trì tốt công tác vận hành hệ thống điện và cung cấp các dịch vụ điện, vừa tuân thủ các Chỉ thị về phòng chống dịch Covid-19.

“Tuy nhiên, EVN và các đơn vị cam kết huy động đầy đủ nhân lực, vật lực để triển khai ngay khi có quyết định và hướng dẫn thực hiện việc giảm giá điện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, để đáp ứng mong mỏi của người dân và doanh nghiệp”, đại diện EVN khẳng định.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.