Ngày 25-6, phát biểu tại hội nghị trực tuyến sơ kết và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ năm 2020, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên thông tin hiện Đà Nẵng đang triển khai thực hiện 3 dự án vay lại từ vốn vay nước ngoài (ODA).
Các dự án gồm: “Phát triển bền vững thành phố” do Ngân hàng Thế giới tài trợ vốn vay lại 15% của Chính phủ tương tương đương trên 20 triệu SDR (đơn vị tiền tệ quy ước cấp quyền rút vốn đặc biệt của Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF) và vay lại 50% của Chính phủ tương đương 36,26 triệu USD; dự án “Cải thiện hạ tầng giao thông thành phố” từ nhà tài trợ là quỹ OPEC về phát triển quốc tế (OFID), vay lại 100% của Chính phủ tương đương 45 triệu USD; dự án “Nạo vét, thoát lũ qua sông Cổ Cò (đoạn qua địa phận thành phố) và bảo vệ, nâng cao khả năng chứa tàu thuyền tránh bão của âu thuyền Thọ Quang và khả năng thoát nước lũ, giảm ngập úng qua hệ thống thoát nước và hồ điều hòa của thành phố” vay và giải ngân theo cơ chế tài chính trong nước, tương đương 10,64 triệu USD.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên cho biết, UBND thành phố đã giao kế hoạch vốn và phân bổ vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài cho 3 dự án trên 1.366 tỷ đồng, trong đó dự án “Phát triển bền vững thành phố” là 904,4 tỷ đồng, dự án “Cải thiện hạ tầng giao thông” là 276 tỷ đồng, dự án còn lại là 185,7 tỷ đồng. Đến ngày 20-6, tổng số vốn đã giải ngân là 123,7 tỷ đồng, đạt 9% kế hoạch giao, ước giải ngân 6 tháng đầu năm 2020 là 250,8 tỷ đồng, đạt 18,4% kế hoạch giao. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên, các dự án có tiến độ giải ngân tương đối chậm mà nguyên nhân là do còn những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Nhằm tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn OFID, đáp ứng nhu cầu thanh toán giá trị khối lượng hoàn thành của dự án trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên cho biết đã có Công văn số 4028/UBND-STC ngày 23-6-2020 của UBND thành phố báo cáo lên Bộ Tài chính. Theo đó, đề nghị Bộ Tài chính cho phép sử dụng hình thức giải ngân qua tài khoản đặc biệt với dự kiến hạn mức hơn 3 triệu USD và có thư chính thức gửi OFID về việc mở tài khoản đặc biệt cho dự án. Bên cạnh đó, UBND thành phố thời gian qua cũng đã tích cực làm việc với WB để tăng cường vốn ODA.
Qua báo cáo từ điểm cầu Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, hiện các nhà tài trợ đã tính nợ các phần vốn đặc cách, vì vậy cần phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại Đà Nẵng. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ đề nghị các bộ, ngành liên quan, phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng rà soát lại tiến độ giải ngân. Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho rằng, nhìn chung, tình hình giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn ODA còn thấp khi tính đến 24-6, giải ngân vốn ODA năm 2020 của cả nước là 7.427 tỷ đồng, đạt 13% dự toán. Trên cơ sở đánh giá thực trạng kết quả giải ngân đầu tư công từ nguồn vốn ODA, đại diện các bộ, ngành và địa phương sẽ làm rõ nguyên nhân vướng mắc khiến giải ngân chậm tiến độ và tìm giải pháp thúc đẩy. Sau khi tháo gỡ được vướng mắc, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo rà soát, đôn đốc.
MAI QUẾ