Tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

.

Ngày 8-6, Quốc hội chính thức thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Đây được xem là động thái tích cực, tạo thêm động lực cho cộng đồng doanh nghiệp ổn định và tăng tốc sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, kỳ vọng sẽ là đòn bẩy giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương, quốc gia. Trước sự kiện được quan tâm này, Báo Đà Nẵng ghi nhận ý kiến của đại diện một số doanh nghiệp, đơn vị chức năng để bạn đọc nắm rõ hơn về ý nghĩa, cơ hội cũng như thách thức mà EVFTA đem lại cho nền kinh tế.

Hiệp định EVFTA sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho nhiều ngành, hàng, trong đó có dệt may. TRONG ẢNH: Công nhân đang làm việc tại Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ. 							           Ảnh: KHÁNH HÒA
Hiệp định EVFTA sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho nhiều ngành, hàng, trong đó có dệt may. TRONG ẢNH: Công nhân đang làm việc tại Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ. Ảnh: KHÁNH HÒA

Ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương: Đồng hành cùng doanh nghiệp để tận dụng cơ hội mà EVFTA mang lại

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức được thông qua sẽ mở ra cánh cửa để sản phẩm và dịch vụ của nước ta được tham gia vào một thị trường lớn với tiêu chuẩn rất cao, là cơ hội cho doanh nghiệp thay đổi, vươn lên chinh phục thị trường này.

Tuy nhiên, đây cũng là thách thức không nhỏ khi thực lực của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Đà Nẵng còn nhiều hạn chế. Trong bối cảnh đó, các cơ quan Nhà nước, nhất là ngành Công thương sẽ phải nỗ lực và có nhiều biện pháp cụ thể, hữu hiệu để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, tận dụng được các cơ hội mà EVFTA mang lại.

Trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ chủ trì, phối hợp cùng các ngành xây dựng, tham mưu UBND thành phố ban hành và triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; tăng cường rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động đúng theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, chủ động và phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành trong các hoạt động và tích cực tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các FTA “thế hệ mới”, trong đó có EVFTA; tập trung đi sâu vào các vấn đề: nội dung cam kết và lộ trình thực hiện của Việt Nam trong một số ngành hàng, lĩnh vực dịch vụ mà thành phố có thế mạnh và định hướng phát triển; các cam kết về đầu tư, sở hữu trí tuệ, môi trường, thương mại điện tử, tiêu chuẩn lao động, quy tắc xuất xứ, các biện pháp phi thuế quan và phòng vệ thương mại....

Qua đó, giúp các doanh nghiệp nhận thức rõ nội hàm, nắm vững các quy định pháp luật triển khai hiệp định; chủ động hoạch định chiến lược sản xuất - kinh doanh phù hợp; nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua thách thức và tận dụng hiệu quả các lợi thế từ hiệp định.

Đồng thời, sẽ kết nối với đội ngũ chuyên gia giỏi, dày dạn kinh nghiệm thực tiễn, am hiểu luật quốc tế trên các lĩnh vực, ngành hàng (nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp thành phố có thế mạnh) để hỗ trợ, tư vấn hiệu quả cho các doanh nghiệp.

Nguyễn Thị Hồng Ngọc, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Đà Nẵng: Tạo lợi thế về thu hút đầu tư  

Quốc hội phê chuẩn thông qua Hiệp định EVFTA trong bối cảnh hiện nay là đúng thời điểm, góp phần tạo động lực để phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước ta sau Covid-19. Hiệp định EVFTA không chỉ giúp mở rộng thị trường mà còn tạo lợi thế cho nước ta, trong đó có Đà Nẵng, trong thu hút đầu tư dựa trên việc các nước EU xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của Việt Nam và những cam kết về tạo thuận lợi thương mại cho hàng hóa của các bên. Các nhà đầu tư EU, các nước sẽ tăng cường đầu tư vốn, xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam để tận dụng những lợi thế này.

Việc thực thi các cam kết trong EVFTA sẽ bảo đảm môi trường kinh doanh và pháp lý ổn định, thông thoáng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư của cả hai bên. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra không ít thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam khi EU là thị trường có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn về sức khỏe cho người tiêu dùng trong quá trình sử dụng. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất cần phải có hệ thống tổ chức sản xuất và quản lý chất lượng tốt để đáp ứng yêu cầu này.

Trong tình hình đó, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thấu đáo các quy định/cam kết của EVFTA có liên quan tới hàng hóa, hoạt động sản xuất kinh doanh mà mình quan tâm như các cam kết về thuế quan, quy tắc xuất xứ, các cam kết về đầu tư, mở cửa thị trường…; nâng cao năng lực cạnh tranh (công nghệ, thiết bị, nhân lực…) để tăng chất lượng, giảm giá thành. Trong trường hợp cần thiết, chủ động đề xuất với các cơ quan quản lý Nhà nước áp dụng những biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước phù hợp với các quy định của EVFTA.

Ông Huỳnh Trinh, Giám đốc Công ty CP Lâm sản Xuất khẩu Đà Nẵng: Khẳng định vị thế của sản phẩm gỗ chất lượng cao có xuất xứ từ Việt Nam

Nhiều doanh nghiệp mong muốn được tham gia vào “sân chơi” lớn khi Hiệp định EVFTA được chính thức thông qua. (Ảnh chụp tại Công ty sản xuất và chế biến gỗ Vinafor.) Ảnh: KHÁNH HÒA
Nhiều doanh nghiệp mong muốn được tham gia vào “sân chơi” lớn khi Hiệp định EVFTA được chính thức thông qua. (Ảnh chụp tại Công ty sản xuất và chế biến gỗ Vinafor.).  Ảnh: KHÁNH HÒA

Công ty chúng tôi chuyên xuất khẩu các mặt hàng chế biến từ gỗ. Trong EVFTA có những yêu cầu về tiêu chuẩn nguồn gốc xuất xứ gỗ nguyên liệu. Chúng tôi kỳ vọng những tiêu chuẩn này sẽ giúp doanh nghiệp có lợi thế khác biệt so với những doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu gỗ không rõ hoặc không bảo đảm nguồn gốc xuất xứ, từ đó có thêm nhiều đơn hàng, đối tác để xuất khẩu sản phẩm gỗ thành phẩm của Việt Nam sang EU; tạo dựng được chổ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế, đồng thời khẳng định được vị thế của sản phẩm gỗ chất lượng cao có xuất xứ từ Việt Nam. Tôi cho rằng việc EVFTA được chính thức thông qua sẽ mở ra nhiều cơ hội thực sự cho những doanh nghiệp xuất khẩu lâm sản, là thị trường cạnh tranh sòng phẳng với những đơn vị kinh doanh chân chính.

Ông Nguyễn Đức Trị, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ: Tiếp cận tốt hơn với thị trường nhập khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới

Hiệp định EVFTA có ý nghĩa khá quan trọng, mở ra cơ hội làm ăn lớn cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành dệt may. EU là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới, chiếm 34% tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may thế giới; với Việt Nam thì EU hiện là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 2 sau Mỹ.

Chính vì thế, đây luôn là thị trường được chúng tôi quan tâm, thường xuyên theo dõi và cập nhật các thông tin mới nhất để có thể nắm bắt tốt những cơ hội mà EVFTA mang lại. Riêng với Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, thị trường EU chiếm 12% trong tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2019.

Thực tế, dù là thị trường lớn nhưng doanh nghiệp nước ta, trong đó có dệt may, hiện chưa khai thác hết tiềm năng của thị trường này nên việc Quốc hội thông qua EVFTA sẽ là cơ hội để mở rộng hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp sang thị trường châu Âu.

Cụ thể, về cơ hội, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ được tiếp cận với thị trường nhập khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới với dân số khoảng 500 triệu người, GDP chiếm gần 26% tổng GDP toàn cầu. Khi tham gia vào EVFTA, doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ có được lợi thế cạnh tranh mang tính chất dài hạn khi 7 năm sau ngày EVFTA chính thức có hiệu lực, với việc được hưởng mức thuế nhập khẩu thấp hơn, các cơ chế tạo thuận lợi thương mại ưu đãi hơn, các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam sẽ có lợi thế hơn hẳn so với các nước ASEAN khi tiếp cận thị trường EU. Hiệp định EVFTA sẽ tăng cơ hội thu hút đầu tư cho ngành công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là các công nghiệp dệt, nhuộm, từng bước giải quyết nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho ngành dệt may.

KHÁNH HÒA ghi

;
;
.
.
.
.
.