Phát huy lợi thế để phát triển mạnh kinh tế biển

.

Nhằm tận dụng, phát huy những tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các nhà khoa học đã đề xuất nhiều giải pháp tăng cường liên kết vùng trong phát triển kinh tế biển, phát triển du lịch và khai thác hải sản hướng ra biển khơi, hải đảo.

Thành phố cần đầu tư cảng cá có quy mô lớn để thúc đẩy  phát triển kinh tế biển. TRONG ẢNH: Một góc âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Thành phố cần đầu tư cảng cá có quy mô lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế biển. TRONG ẢNH: Một góc âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. Ảnh: HOÀNG HIỆP

PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực 3 cho rằng, thế kỷ XXI được coi là kỷ nguyên đại dương. Vươn ra biển đã trở thành xu thế lớn, định hướng phát triển quan trọng của các quốc gia có biển và các quốc gia không có biển. Việt Nam là một trong những nước có lợi thế về biển với nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng. Vùng biển Việt Nam có vị trí địa - chính trị, địa - kinh tế mang tính chiến lược. Vì thế, phát triển bền vững kinh tế biển có vai trò rất quan trọng đối với chiến lược phát triển bền vững của đất nước.

Theo PGS, TS. Trương Minh Dục, Học viện Chính trị khu vực 3, không gian kinh tế biển của Việt Nam rộng mở, tiềm năng không gian biển cho phát triển còn rất lớn, tập trung chủ yếu vào các mảng không gian như: không gian vùng bờ (ven biển và ven bờ); không gian biển; không gian đảo và không gian đại dương. Sự hình thành mạng lưới cảng biển cùng các tuyến đường bộ, đường sắt dọc ven biển và nối với các vùng sâu trong nội địa (đặc biệt là tuyến đường xuyên Á) đang và sẽ cho phép vùng biển và vùng ven biển nước ta có khả năng chuyển tải hàng hóa xuất nhập khẩu tới mọi miền của Tổ quốc và thu hút cả vùng tây nam Trung Quốc, Lào, đông bắc Thái Lan và Campuchia...

Tiềm năng kinh tế biển đã được nước ta đẩy mạnh khai thác và đã đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước nhưng chỉ mới dừng lại ở các sản phẩm hữu hình còn các nguồn lợi to lớn vô hình như: vị trí địa lý, lợi thế của các cảng biển, hải đảo là đầu mối liên kết kinh tế giữa các vùng trong nước với các nước trong khu vực chưa được khai thác nhiều. Do đó, cần đánh giá nguồn lực phát triển kinh tế biển được xem xét từ góc độ tạo ra động lực, đánh thức và thúc đẩy các nguồn lực phát triển; cần xây dựng nguồn động lực tạo ra các đòn bẩy kinh tế và chính sách khơi đậy các nguồn lực bên trong và bên ngoài đầu tư phát triển, đưa các tiềm năng vào hiện thực. Vì vậy, cần đẩy mạnh xây dựng các khu kinh tế mở hướng vào thị trường khu vực và thế giới. Phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực qua đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là những trung tâm đô thị ven biển. Cần có chính sách liên kết, hợp tác giữa các vùng, địa phương trong việc bố trí cơ cấu ngành nghề, phân công lao động...

“Cần xây dựng vùng biển, đảo trở thành điểm đến của du khách; kết nối các tuyến du lịch biển, đảo với tuyến du lịch khám phá các di tích lịch sử và văn hóa trong nước. Kết hợp phát triển kinh tế biển, đảo đi đôi với bảo vệ tài nguyên và môi trường nhằm khai thác điều kiện tự nhiên và tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; hình thành các khu công nghiệp, khu kinh tế dọc biển gắn với cảng biển và các đô thị ven biển. Ngoài ra, cần đẩy mạnh phát triển nghề đánh bắt hải sản ven bờ và khai thác tiềm năng kinh tế của các đảo như: Hòn La, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa... Đặc biệt, việc phát triển du lịch tại các đảo như: Cồn Cỏ, quần đảo Trường Sa... sẽ mang lại giá trị kinh tế lớn và huy động được nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng lẫn bảo vệ chủ quyền biển, đảo”, PGS.TS Trương Minh Dục nhấn mạnh.

TS. Phan Công Khanh, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực 2 nhấn mạnh, sản phẩm du lịch biển của Việt Nam, nhất là sản phẩm du lịch biển của các tỉnh duyên hải miền Trung rất đặc biệt và tạo ra chuỗi giá trị lớn. Tuy nhiên, do khả năng liên kết vùng còn rất yếu nên tạo ra sự phân tán và manh mún nguồn lực phát triển cũng như chuỗi giá trị sản phẩm du lịch. Để phát triển kinh tế biển, cần có giải pháp giải quyết các vấn đề về liên kết vùng; xây dựng cơ chế, phát triển hạ tầng khu du lịch, cơ sở kinh tế, khu kinh tế ven biển, hệ thống logistics, phát triển kinh tế ban đêm... Đồng thời, tăng cường nghiên cứu khoa học để đề xuất những chính sách, giải pháp cho Chính phủ và các địa phương để phát triển mạnh về kinh tế biển.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.