Phát triển thương mại - dịch vụ từ mạng lưới bán buôn, bán lẻ

.

Để phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ đáp ứng yêu cầu thực tế, phù hợp với xu hướng hội nhập toàn cầu và giai đoạn phát triển mới, thành phố triển khai nhiều giải pháp để tạo ra cú hích mới cho ngành thương mại - dịch vụ của thành phố.

Hạ tầng thương mại được đầu tư xây mới đã góp phần tạo sự phong phú, thúc đẩy thị trường bán buôn, bán lẻ phát triển mạnh mẽ. TRONG ẢNH: Nguồn hàng hóa đa dạng đã giúp siêu thị Big C trở thành kênh phân phối lớn cho người tiêu dùng.  Ảnh: KHÁNH HÒA
Hạ tầng thương mại được đầu tư xây mới đã góp phần tạo sự phong phú, thúc đẩy thị trường bán buôn, bán lẻ phát triển mạnh mẽ. TRONG ẢNH: Nguồn hàng hóa đa dạng đã giúp siêu thị Big C trở thành kênh phân phối lớn cho người tiêu dùng. Ảnh: KHÁNH HÒA

Theo đánh giá từ Sở Công thương, thị trường bán lẻ trên địa bàn thành phố có tốc độ phát triển nhanh chóng với doanh thu bán lẻ hàng hóa hằng năm tăng trung bình hơn 15%/năm. Các hình thức tổ chức văn minh, hiện đại, môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra sôi động. Hiện thành phố có hệ thống gần 80 chợ truyền thống với hơn 20.900 hộ kinh doanh (cố định và không cố định) cùng với hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Ông Võ Văn Khanh, Phó Giám đốc Công ty CP VietNamtrade (đơn vị quản lý và vận hành sàn thương mại điện tử Đà Nẵng) nhìn nhận, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch - dịch vụ, cơ sở hạ tầng thương mại không ngừng đầu tư nâng cấp cùng với chuyển biến trong tư duy kinh doanh của các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ hàng hóa đã thúc đẩy thị trường bán lẻ tại Đà Nẵng phát triển vượt bậc trong vài năm trở lại đây. Trong đó, thương mại điện tử đã có bước tiến nhảy vọt, vươn lên khẳng định vị thế của kênh giao dịch hàng hóa quan trọng trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp. Dưới góc nhìn của người làm du lịch lâu năm, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitour) cho rằng, phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ với đa dạng các dịch vụ, phong phú ngành hàng là nhu cầu tất yếu đối với một thành phố lấy kinh tế du lịch - dịch vụ làm mũi nhọn như thành phố Đà Nẵng. Điều này tương xứng với vị thế của trung tâm kinh tế của cả khu vực miền Trung của Đà Nẵng.

Theo đánh giá của Sở Công thương, thị trường bán lẻ trên địa bàn thành phố có tốc độ phát triển nhanh trong vài năm trở lại đây. TRONG ẢNH: Người dân mua sắm tại siêu thị Co.opmart Đà Nẵng. Ảnh: KHÁNH HÒA
Theo đánh giá của Sở Công thương, thị trường bán lẻ trên địa bàn thành phố có tốc độ phát triển nhanh trong vài năm trở lại đây. TRONG ẢNH: Người dân mua sắm tại siêu thị Co.opmart Đà Nẵng. Ảnh: KHÁNH HÒA

Ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương thành phố cho biết, việc thúc đẩy phát triển thị trường bán buôn, bán lẻ bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực tế, phù hợp với giai đoạn phát triển mới của thành phố. Theo đó, việc phát triển mạng lưới chợ bán buôn, bán lẻ sẽ theo hướng không mở thêm chợ mới tại khu vực đô thị cũ (gồm một số phường thuộc quận Thanh Khê, Hải Châu và Cẩm Lệ), chỉ đầu tư nâng cấp/cải tạo các chợ hiện tại, sắp xếp lại các khu vực kinh doanh trong chợ, bảo đảm tính hợp lý, từng bước hình thành các chợ phục vụ du lịch, đặc biệt là chợ Cồn và chợ Hàn. Trong khi đó, ở các khu vực đô thị còn lại và khu vực nông thôn (huyện Hòa Vang), tùy thuộc nhu cầu của thị trường bán lẻ trên địa bàn, có thể xây mới chợ bán lẻ tại các phường/xã; mở rộng và nâng cấp hơn nữa về chất lượng dịch vụ và nguồn hàng hóa tại các chợ đêm đã được hình thành... Đối với chợ bán buôn, xúc tiến xây dựng chợ đầu mối Hòa Phước (huyện Hòa Vang) theo hình thức hợp tác công tư; nâng cấp chợ đầu mối Hòa Cường cả về mặt chất lượng và không gian thành chợ tổng hợp bán lẻ, phục vụ dân sinh sau khi có chợ đầu mối Hòa Phước; gắn liền chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang với làng nghề đánh bắt cá tạo nên sản phẩm du lịch mới cho thành phố Đà Nẵng...

Để thực hiện hiệu quả các định hướng trên, UBND thành phố đã phê duyệt đề án “Phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố; triển khai nhanh các dự án đầu tư hạ tầng các chợ đầu mối, trung tâm thương mại siêu thị, mạng lưới thương mại, bảo đảm đầu tư có hiệu quả, tiết kiệm; xã hội hóa các dự án hạ tầng thương mại; mở rộng thị trường tại các tỉnh để tạo nguồn hàng ổn định, chất lượng cho Đà Nẵng. Cùng với đó, bố trí vốn đầu tư hợp lý cho nhu cầu cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công trình thương mại; khuyến khích xây dựng các trung tâm thương mại/trung tâm mua sắm, siêu thị tại các khu dân cư mới; triển khai hoặc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới giao thông của thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển mạng lưới hạ tầng thương mại và lưu thông hàng hóa trên thị trường...

Cũng theo đề án, thành phố đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2045, 100% các trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm áp dụng công nghệ (từ khâu ánh sáng đến tổ chức sự kiện, khuyến mại qua mã QR). Đặc biệt, hướng đến xây dựng trung tâm thương mại miễn thuế, cửa hàng đẳng cấp tại khu vực phía tây bắc Đà Nẵng nhằm góp phần kích thích nhu cầu mua sắm, giúp du khách có thêm thời gian trải nghiệm khi du lịch nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng.

Đồng thời khuyến khích hình thành các trung tâm thương mại mới phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân và khách du lịch gắn với phát triển dịch vụ logistics (đóng gói hàng hóa, làm thủ tục chuyến bay tại chỗ, hoàn thuế VAT…); phát triển mạng lưới siêu thị, phát triển loại hình đại siêu thị, siêu thị hạng 1 và 2 tại các khu đô thị mới (quận Liên Chiểu, quận Ngũ Hành Sơn); xây dựng mới các siêu thị hạng 3 gần Khu Công nghệ cao, Khu công nghiệp Hòa Khánh, Khu công nghiệp Hòa Cầm và Khu công nghiệp Thủy sản Thọ Quang… ; tập trung phát triển hệ thống các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán lẻ phục vụ người tiêu dùng 24/24 giờ tại các khu dân cư tập trung, các chợ bán lẻ...

Theo đề án “Phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” giai đoạn 2020-2025, tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đạt bình quân 15-16%/năm, giai đoạn 2025-2030 đạt bình quân 14-15%/ năm; trong đó, phấn đấu tăng tỷ trọng bán lẻ hàng hóa qua hệ thống phân phối hiện đại trong tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn thành phố lên mức tối thiểu đạt 45% đến năm 2025 và lên mức 65% đến năm 2030. Đến năm 2045, phấn đấu tăng tỷ trọng bán lẻ hàng hóa qua hệ thống phân phối hiện đại trong tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn thành phố lên mức tối thiểu 80%. Hình thành hệ thống doanh nghiệp thương mại đảm nhận vai trò nòng cốt trong điều tiết thị trường.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.