Phát triển dịch vụ chất lượng cao để thu hút nhà đầu tư

.

Song hành với phát triển công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao cũng là một trong những lĩnh vực được Đà Nẵng quan tâm đẩy mạnh thu hút đầu tư. Với nền tảng dịch vụ tài chính, y tế, giáo dục... phát triển, thành phố sẽ có thêm cơ hội thu hút các nhà đầu tư cùng nguồn nhân sự chất lượng cao trong nước và quốc tế.

Đà Nẵng đang hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung, là cửa ngõ giao nhận, vận chuyển với các địa phương, khu vực ASEAN và quốc tế. TRONG ẢNH: Các đơn vị đang bốc xếp hàng ở cảng Tiên Sa. Ảnh: THÀNH LÂN
Đà Nẵng đang hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung, là cửa ngõ giao nhận, vận chuyển với các địa phương, khu vực ASEAN và quốc tế. TRONG ẢNH: Các đơn vị đang bốc xếp hàng ở cảng Tiên Sa. Ảnh: THÀNH LÂN

Phát triển mạnh nhưng chưa đủ

Giai đoạn 2016-2020, việc phát triển các ngành dịch vụ của thành phố đạt được nhiều kết quả. Dịch vụ du lịch tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn; trong đó, du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp được ưu tiên đầu tư để từng bước trở thành sản phẩm du lịch chủ lực, thu hút nhiều dự án tầm cỡ, hình thành hệ thống cơ sở lưu trú chất lượng quốc tế. Dịch vụ thương mại duy trì tăng trưởng ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao và đa dạng của người dân và du khách. Dịch vụ vận tải phát triển mạnh về quy mô và hình thức; đường hàng không, đường bộ và đường thủy có những bước chuyển biến rõ rệt. Dịch vụ bưu chính - viễn thông, công nghệ thông tin phát triển mạnh. Các dịch vụ tài chính - ngân hàng phát triển đa dạng loại hình hoạt động, mạng lưới các tổ chức tín dụng và hình thức cung ứng sản phẩm; hệ thống thanh toán hiện đại, đa dạng, dịch vụ ngân hàng điện tử được đổi mới, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận dịch vụ ngân hàng và đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư tư nhân. Các dịch vụ giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ cũng tiếp tục phát triển mạnh với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, từng bước mở rộng phạm vi, quy mô hoạt động và đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ.

Theo số liệu từ Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 11-2020, Đà Nẵng thu hút 76.130 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và hơn 1,410 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực bất động sản - du lịch, giáo dục, y tế. Riêng đối với dự án vốn đầu tư nước ngoài, lũy kế đến nay, thành phố có 518 dự án dịch vụ (thương mại, ăn uống, vui chơi giải trí, vận tải…), 20 dự án bất động sản và bất động sản - du lịch, 21 dự án giáo dục, đào tạo và y tế với tổng vốn đăng ký gần 1,667 tỷ USD. Tuy vậy, ngành dịch vụ của thành phố trong thời gian qua vẫn phát triển chưa cân đối. Sản phẩm du lịch nặng về khai thác du lịch biển mà thiếu liên kết với du lịch sinh thái, cộng đồng, văn hóa, lịch sử; các khu mua sắm - ẩm thực - giải trí quy mô lớn về đêm chậm hình thành. Các trung tâm thương mại lớn còn ít, hệ thống bán lẻ chủ yếu phục vụ nhu cầu của người dân địa phương và một bộ phận du khách.

Các dịch vụ tài chính, ngân hàng chưa phát huy hết vai trò hỗ trợ phát triển cho doanh nghiệp. Vai trò thành phố cảng biển, đầu mối trung chuyển, giao lưu hàng hóa ở khu vực chưa được phát huy tốt, các dự án lớn về logistics chưa được triển khai. Đặc biệt, trong năm 2020, Covid-19 đã bộc lộ những đứt gãy trong ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch, khiến nền kinh tế Đà Nẵng trở nên đặc biệt “mẫn cảm” với các điều kiện khách quan. Số liệu của Cục Thống kê thành phố cho thấy, 11 tháng đầu năm 2020, hoạt động bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng có tăng trưởng nhưng khá chậm, chỉ tập trung ở một số ngành hàng như lương thực thực phẩm, sửa chữa xe có động cơ. Trong khi đó, các ngành lưu trú, du lịch lữ hành, vận tải đều gặp khó.

Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng dự kiến đáp ứng 30 triệu khách/năm vào năm 2030. Ảnh: THU HÀ
Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng dự kiến đáp ứng 30 triệu khách/năm vào năm 2030. Ảnh: THU HÀ

Đẩy mạnh dịch vụ chất lượng cao, nâng giá trị gia tăng

Trước bối cảnh đó, Đà Nẵng xác định phát triển dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng, làm nền tảng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành kinh tế mũi nhọn như công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin… Thành phố đề xuất hình thành Trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực châu Á tại Đà Nẵng để thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới có giá trị gia tăng cao. Trung tâm tài chính này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút và chuyển tải vốn cho nền kinh tế, đồng thời cung cấp các dịch vụ tài chính trên nền tảng công nghệ cho khu vực và thế giới. Tháng 9 vừa qua, Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên toàn địa bàn thành phố. Theo đó, sẽ phát triển hệ thống ngân hàng, điểm cung ứng dịch vụ tài chính… giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ tài chính - ngân hàng ngày càng hiệu quả, tạo sức hút cho nhà đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn tài chính tiếp cận, mở văn phòng tại Đà Nẵng.

Theo số liệu từ Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 11-2020, Đà Nẵng thu hút 76.130 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và hơn 1,410 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực bất động sản - du lịch, giáo dục, y tế. 

Một trong những bài toán khó trong công tác thu hút đầu tư của Đà Nẵng thời gian qua là tình trạng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cho các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến - chế tạo, tự động hóa... Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra mục tiêu tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phối hợp triển khai dự án Khu đô thị Đại học Đà Nẵng; đề xuất Trung ương thành lập Đại học quốc gia Đà Nẵng. Đà Nẵng hiện là trung tâm đào tạo của khu vực miền Trung - Tây Nguyên với 33 trường đại học, cao đẳng, giáo dục nghề với hơn 40.000 sinh viên tốt nghiệp hằng năm, tạo nguồn lao động cho các dự án đầu tư. Bên cạnh đó, còn có các trường tiêu chuẩn quốc tế như Trường Cao đẳng quốc tế Pegasus, Trường Quốc tế Hoa Kỳ APU Đà Nẵng, Trường Quốc tế Singapore tại Đà Nẵng… Giai đoạn 2020-2025, thành phố kêu gọi đầu tư vào 6 dự án giáo dục - đào tạo trọng điểm, gồm: Trường đào tạo liên cấp quốc tế, Trung tâm đào tạo kỹ năng sống quốc tế; Khu đô thị Đại học; Trường Mầm non Khu Công nghệ cao; Trường Đại học Quốc tế; Trường Cao đẳng đào tạo lao động tay nghề cao theo tiêu chuẩn quốc tế và khu vực.

Đối với lĩnh vực dịch vụ trọng điểm truyền thống là du lịch, Nghị quyết số 43/NQ-TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra yêu cầu Đà Nẵng tập trung phát triển du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; xây dựng Đà Nẵng thành điểm đến du lịch, dịch vụ hàng đầu tầm khu vực, thành phố sự kiện, trung tâm hội nghị quốc tế. Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, thành phố hướng đến nâng cao chất lượng phục vụ, sự hài lòng của du khách, tạo điều kiện để du khách lưu trú, cảm nhận tốt hơn, tăng số lượng khách phân khúc chất lượng cao, có khả năng chi trả cao; đồng thời, đa dạng hóa các thị trường khách quốc tế, hạn chế phụ thuộc vào một số thị trường.

Đặc biệt, phát triển du lịch kết hợp với một số mục đích khác như hội nghị, hội thảo, chăm sóc sức khỏe - làm đẹp, mua sắm, ẩm thực, cưới hỏi… Giữa tháng 12 vừa qua, một doanh nghiệp Nhật Bản đã làm việc với thành phố để đề xuất dự án xây dựng Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ tế bào gốc tại Khu Công nghệ cao với tổng mức đầu tư dự kiến 18 triệu USD nhằm sản xuất, cung cấp sản phẩm từ tế bào gốc (mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm…) để cung cấp tại Việt Nam và thị trường quốc tế (Đông Nam Á, châu Âu, Mỹ…). Đây có thể là tiền đề để Đà Nẵng phát triển các dịch vụ du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe - làm đẹp ứng dụng công nghệ tế bào gốc, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch quốc tế.

Trong lĩnh vực logistics, Đà Nẵng xác định việc phát triển cảng biển nước sâu, mở rộng và nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng gắn với phát triển logistics và trung chuyển quốc tế là một trong những nhiệm vụ chính yếu để phát triển kinh tế. Theo đó, tận dụng lợi thế địa lý, hạ tầng giao thông để tập trung phát triển thành phố thành trung tâm kinh tế biển, hướng đến hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò cửa ngõ giao nhận, vận chuyển với các địa phương, khu vực ASEAN và quốc tế. Bên cạnh đó, xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển chuỗi cung ứng dịch vụ logistics; phối hợp triển khai đầu tư nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đáp ứng 30 triệu khách/năm vào năm 2030 và hình thành cảng vận tải hàng hóa; xúc tiến nhanh dự án cảng Liên Chiểu”, dự án di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị. Thành phố sẽ ưu tiên bố trí quỹ đất phát triển hệ thống kho bãi logistics, đặc biệt là ở khu vực cảng Liên Chiểu, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Khu Công nghệ cao, ga hàng hóa Kim Liên...

KHANG NINH

Ưu tiên thu hút đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ thông tin

UBND thành phố vừa có báo cáo về “Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2021”. Theo đó, lĩnh vực ưu tiên thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của thành phố trong năm tới gồm: công nghệ thông tin và các ngành công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp phụ trợ; các ngành dịch vụ chất lượng cao; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghệ cao (công nghệ sinh học, vi điện tử, cơ khí chính xác, môi trường, năng lượng mới…). Thành phố tập trung thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi sản xuất; các đối tác có công nghệ cao của Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ…; các dự án có quy mô lớn và có sức lan tỏa; các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ công nghệ cao, công nghệ thông tin của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Anh, Mỹ…

Các hoạt động xúc tiến đầu tư của Đà Nẵng năm 2021 tập trung vào nghiên cứu đánh giá tiềm năng thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư. Bên cạnh đó, xây dựng cơ sở dữ liệu, danh mục dự án kêu gọi đầu tư; xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ xúc tiến đầu tư; tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư. Ngoài ra, tăng cường đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực xúc tiến đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, nhà đầu tư tìm hiểu pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư; tiếp tục thực hiện các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế. Đà Nẵng sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại chỗ, tăng cường công tác cải cách hành chính, đổi mới các phương thức xúc tiến, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cán bộ.

Đối với Khu Công nghệ cao (CNC), Đà Nẵng sẽ sử dụng hiệu quả các nguồn lực, cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển dài hạn khu CNC theo đúng định hướng trở thành một khu CNC đa chức năng cấp quốc gia, các dịch vụ phát triển theo hướng tạo năng lực cạnh tranh mới cho doanh nghiệp; chú trọng nâng cấp dịch vụ cho các chuyên gia, nhà khoa học, người lao động. Thành phố đặt mục tiêu đưa Khu CNC trở thành hạt nhân phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung - Tây Nguyên; xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển khu CNC gắn liền với khu đô thị sáng tạo - khoa học - công nghệ. Bên cạnh đó, phát triển Khu Công nghệ thông tin tập trung (giai đoạn 1) và các khu công viên phần mềm. Thành phố sẽ chuẩn bị các dự án khả thi để thu hút làn sóng đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ… sau Covid-19; tăng cường xúc tiến đầu tư trực tuyến; tập trung thu hút đầu tư để góp phần phục hồi nền kinh tế thành phố.

PHONG LAN

 

;
;
.
.
.
.
.