Phát triển khởi nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

.

Quận Thanh Khê triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển các mô hình khởi nghiệp. Qua đó, từng bước nâng cao năng lực sản xuất của các cơ sở kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn quận.

Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp quận Thanh Khê diễn ra tháng 6-2020 đã thu hút nhiều  ý tưởng khởi nghiệp có tính đột phá, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, phát triển kinh tế gia đình.Ảnh: XUÂN DŨNG
Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp quận Thanh Khê diễn ra tháng 6-2020 đã thu hút nhiều ý tưởng khởi nghiệp có tính đột phá, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: XUÂN DŨNG

Trong năm 2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) quận Thanh Khê đã khảo sát và hỗ trợ 10 ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ trên địa bàn quận. Theo đó, Quận Hội đã tổ chức các buổi tập huấn xây dựng kế hoạch kinh doanh, cuộc thi, ngày hội khởi nghiệp góp phần quảng bá và tiếp bước cho các mô hình phát triển. Là một trong những mô hình khởi nghiệp được Hội LHPN quận hỗ trợ, hướng dẫn, cơ sở kinh doanh sản phẩm hàng trang trí gia dụng thủ công của chị Đặng Trần Liên Nga (chủ cơ sở kinh doanh Art Friend Handmade, trú tại phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) đã dần gây dựng được thương hiệu, có đầu ra sản phẩm và nguồn thu nhập ổn định. Đây là mô hình sản xuất một số mặt hàng thủ công như túi xách thêu, làm kẹp tóc, đồ trang trí từ những vật dụng cũ. Với chi phí sản xuất thấp, thời gian linh động, mô hình đã giúp nhiều sinh viên có thể vừa học, vừa làm. Thông qua việc kết nối với Hội LHPN quận, sản phẩm của mô hình đã có cơ hội đi đến tới các đại lý, siêu thị và các gian hàng bán các sản phẩm của phụ nữ. “Nhờ tham gia các lớp tập huấn khởi nghiệp của Hội LHPN quận, chúng tôi đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các mô hình trước đó. Thông qua ngày hội phụ nữ khởi nghiệp, mô hình đã có cơ hội tiếp cận nhiều thị trường hơn và bảo đảm được đầu ra cho sản phẩm”, chị Đặng Trần Liên Nga chia sẻ.

Từ 10 ý tưởng trong cuộc thi cấp quận, Hội LHPN quận Thanh Khê đã chọn 6 ý tưởng tham gia cuộc thi khởi nghiệp do Hội LHPN thành phố tổ chức. Trong đó, 1 ý tưởng (Thảo mộc An Nhiên) đã đoạt giải Nhì cuộc thi cấp thành phố và đoạt giải Triển vọng trong vòng chung kết cuộc thi ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức tháng 10-2020 vừa qua. Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Khê Lê Thị Thu Huệ cho biết, thời gian qua, Hội LHPN quận Thanh Khê đã tăng cường khai thác, giải ngân hiệu quả nguồn vốn “Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển” của Hội LHPN thành phố; phối hợp thực hiện tốt chương trình ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo điều kiện cho chị em phụ nữ khởi nghiệp vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân. “Trong năm 2020, mặc dù gặp nhiều tác động tiêu cực từ dịch bệnh và thiên tai nhưng các ý tưởng khởi nghiệp đã có bước đột phá, hướng đi phù hợp, xây dựng được địa chỉ cung ứng hàng hóa tin cậy cho người tiêu dùng trên địa bàn. Đồng thời, góp phần giải quyết việc làm cho lao động và phát triển kinh tế gia đình, địa phương”, bà Huệ thông tin.

Ngoài những mô hình khởi nghiệp của Hội LHPN quận, Hội Nông dân quận Thanh Khê cũng có nhiều quan tâm, hỗ trợ cho các mô hình khởi nghiệp của hội viên. Theo đó, Hội Nông dân quận đề nghị phòng Kinh tế quận hỗ trợ hồ sơ pháp lý để kinh doanh; kiến nghị Hội Nông dân thành phố hỗ trợ vốn từ nguồn “Quỹ Hỗ trợ nông dân” để các mô hình, cơ sở kinh doanh mở rộng sản xuất. Vừa qua, 4 mô hình kinh doanh của Hội Nông dân quận Thanh Khê gồm: Chả cá Cây Sang, tương rim Y Phụng, chả cá Bích Chi, chả giò Thảo Sinh đã được hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố (thuộc chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”) gắn nhãn “3 sao”.

Chủ tịch Hội Nông dân quận Thanh Khê Đàm Văn Hùng cho biết, năm 2020 toàn thành phố có 9 sản phẩm được đánh giá, phân hạng 3 và 4 sao theo chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, quận Thanh Khê vinh dự có 4/9 sản phẩm được đánh giá, công nhận. Đây là bước đệm quan trọng giúp các sản phẩm của quận có cơ hội tiếp cận nhiều thị trường, nâng cao chất lượng và tạo động lực cho các mô hình khác phát triển. “Phát huy những kết quả đạt được, Hội Nông dân quận sẽ tập trung hướng dẫn, hỗ trợ vốn cho các chi, tổ Hội nghề nghiệp hoạt động có hiệu quả, tiến lên hợp tác xã; đầu tư xây dựng các mô hình mới, mô hình điển hình trong sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm”, ông Đàm Văn Hùng cho hay.

Theo Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Khê Võ Kim Tú, trong năm 2020, có 14 mô hình khởi nghiệp được quận Thanh Khê hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển. Nhìn chung, đến nay các cơ sở kinh doanh đều phát triển tốt, giải quyết được khó khăn về đầu ra cho các sản phẩm tại địa phương. Nhiều sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường thông qua các cuộc thi quy mô cấp thành phố và toàn quốc. Thời gian đến, từ các mô hình, cơ sở kinh doanh đăng ký khởi nghiệp trên địa bàn, phòng Kinh tế quận và các cơ quan chuyên môn sẽ tham mưu UBND quận tiếp tục hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị, khoa học công nghệ, nhãn mác cho sản phẩm trong điều kiện có thể. Từ đó, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.