Doanh nghiệp bảo vệ người lao động, giữ vững sản xuất, kinh doanh

.

Trước tình hình dịch bệnh kéo dài, bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và chính quyền địa phương, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố còn triển khai nhiều biện pháp bảo vệ an toàn cho người lao động để việc sản xuất, kinh doanh được duy trì.

Công ty CP Dệt may 29-3 triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho người lao động. Ảnh: T.V
Công ty CP Dệt may 29-3 triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho người lao động. Ảnh: T.V

Vừa sản xuất, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống Covid-19

Ông Nguyễn Đức Trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ cho hay, do đặc điểm của lĩnh vực dệt, may tập trung nhiều lao động trong không gian kín nên công tác phòng, chống dịch bệnh là thử thách lớn. Tại công ty hiện có 10 khối nhà riêng biệt được tổ chức lại thành 10 đơn nguyên tách biệt. Mỗi khối nhà có thể xem như một doanh nghiệp độc lập với quy trình sản xuất khép kín. Ngay cả việc ăn uống, đi lại từ cổng công ty đến nơi làm việc, ra về đều tách biệt nhau. Bộ phận gián tiếp là khối văn phòng và ban giám đốc cũng tách làm hai để đề phòng tình huống xảy ra, công ty vẫn đủ nhân sự điều hành công việc trôi chảy. Nhờ áp dụng triệt để các biện pháp này mà đến nay, toàn bộ hệ thống sản xuất, kinh doanh của Tổng Công ty trên toàn quốc với gần 12.000 cán bộ, công nhân viên vẫn an toàn, việc sản xuất, kinh doanh không bị ảnh hưởng nhiều.

Tương tự, Công ty CP Dệt may 29-3 cũng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt để bảo vệ công nhân, duy trì sản xuất, kinh doanh. Với hơn 3.700 cán bộ, nhân viên làm việc ở 8 xí nghiệp trực thuộc, công ty tổ chức lại để cả 8 xí nghiệp hoạt động độc lập. Bên cạnh đó, công ty thành lập tổ kiểm tra việc thực hiện quy định phòng, chống dịch theo tinh thần ở bộ phận nào, xí nghiệp nào có nhân viên vi phạm thì lãnh đạo bộ phận, xí nghiệp đó chịu trách nhiệm trước lãnh đạo công ty.

Đặc biệt, mới đây, qua công tác kiểm tra của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp (CNC&CKCN) Đà Nẵng cho thấy, các doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc các quy định của Chính phủ, Bộ Y tế và UBND thành phố về công tác phòng, chống dịch; bảo đảm an toàn cho người lao động.

Qua công tác kiểm tra cho thấy, tất cả các doanh nghiệp đều thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K; bố trí và thực hiện việc đo thân nhiệt người lao động hằng ngày. Bên cạnh đó, sắp xếp lại các vị trí làm việc theo hướng nới rộng khoảng cách, khu vực căn-tin bố trí vách ngăn...

Nhân viên ở các bộ phận tiếp xúc với khách hàng tại MM Mega Market Đà Nẵng được lắp thêm màn ni-lông trắng để giảm tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Ảnh: T.V
Nhân viên ở các bộ phận tiếp xúc với khách hàng tại MM Mega Market Đà Nẵng được lắp thêm màn ni-lông trắng để giảm tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Ảnh: T.V

Giúp người lao động yên tâm  

Nhận xét về công tác phòng, chống dịch tại công ty, anh Lê Văn Tuấn, công nhân Công ty CP Keyhinge Toys Việt Nam chia sẻ: “Khi thành phố phát hiện có ca dương tính với SARS-CoV-2, công ty họp toàn thể cán bộ, người lao động để triển khai các biện pháp phòng, chống nghiêm ngặt. Công ty yêu cầu mọi người ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Ai vi phạm tùy theo mức độ sẽ bị xử lý”.

Còn chị L.T.T.H, nhân viên cửa hàng MM Mega Market Đà Nẵng cũng an tâm với sự quan tâm của đơn vị trong công tác chống dịch. Theo đó, mọi đề xuất đến lãnh đạo như cho gắn những màn ni-lông trong để hạn chế tiếp xúc giữa nhân viên với khách hàng, trang bị thêm khẩu trang, dung dịch sát khuẩn... đều được triển khai ngay. Điều này giúp nhân viên yên tâm làm việc, khách hàng cũng cảm thấy an toàn hơn khi đến đây mua sắm.

Báo cáo của Sở LĐ-TB&XH cho biết, trong số 215 doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu CNC&CKCN, có 118 doanh nghiệp được cơ quan chức năng kiểm tra, hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch bệnh; 188 doanh nghiệp thực hiện đánh giá nguy cơ về lây nhiễm Covid-19; 215/215 doanh nghiệp nộp bản cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt, có 92,28% người lao động ở Khu CNC&CKCN được xét nghiệm và có kết quả 100% âm tính với SARS-CoV-2. Kết quả này giúp các doanh nghiệp tại đây duy trì hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh vẫn phức tạp.

Theo đại diện Sở LĐ-TB&XH, dịch bệnh kéo dài nhưng các doanh nghiệp vẫn bảo vệ được người lao động, duy trì sản xuất, kinh doanh là điều rất hoan nghênh. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp chỉ mới làm tốt khâu phòng dịch, còn khâu chống dịch mà cụ thể trong trường hợp phát hiện có người lao động bị dương tính với SARS-CoV-2 thì chưa có kịch bản sẵn sàng ứng phó. Đây là điều các doanh nghiệp cần sớm hoàn thiện để tránh bị động khi dịch bệnh xảy ra.

Hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động ảnh hưởng bởi Covid-19
Ngày 1-7, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19. Theo đó, ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ các địa phương theo mức 80% thực chi đối với các tỉnh miền núi, Tây Nguyên; mức 60% đối với các tỉnh chưa tự cân đối thu ngân sách; mức 40% đối với các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách Trung ương còn lại.

Cụ thể có 12 chính sách hỗ trợ bao gồm: Hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động; hỗ trợ bổ sung trẻ em; hỗ trợ tiền ăn; hỗ trợ một lần đối với nhóm người hoạt động nghệ thuật, biểu diễn; hỗ trợ hộ kinh doanh; cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng và một số đối tượng đặc thù khác.

Nghị quyết còn nêu rõ tùy vào khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng chính sách hỗ trợ kịp thời cũng như xác định đối tượng, mức hỗ trợ nhưng không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày. Tổng nguồn ngân sách toàn quốc dùng cho gói hỗ trợ này là 26.000 tỷ đồng.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích